TIN THỦY SẢN

Hải Châu phát triển thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn

Mô hình nuôi thủy sản của gia đình anh Hồ Văn Dương, thôn Yên Châu, xã Hải Châu. Lương Khánh

Phát huy lợi thế ven biển, những năm gần đây, xã Hải Châu (Tĩnh Gia) luôn quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân đầu tư phát triển nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, đưa thủy, hải sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Với diện tích 2 ha nuôi thủy sản, gia đình anh Hồ Văn Dương, thôn Yên Châu đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để cải tạo, nâng cấp ao và nuôi tôm thẻ chân trắng. Tại khu vực nuôi, anh chia thành 5 ao nuôi trên cát, gồm: 1 ao lắng, 4 ao nuôi tôm được sắp xếp khoa học, hợp lý. Anh Dương cho biết: Để bảo đảm hiệu quả kinh tế cho các vụ nuôi, anh đã đầu tư hệ thống quạt nước, máy sục ô-xy giúp tôm sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh. Mỗi năm trang trại của anh thường nuôi 2 vụ tôm, doanh thu đạt khoảng 2 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Xác định kinh tế biển là mũi nhọn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương, UBND xã Hải Châu đã tập trung chỉ đạo người dân tích cực đầu tư thiết bị, phương tiện, ngư lưới cụ; mở rộng dịch vụ hậu cần nghề cá và nuôi trồng thủy sản. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng chuyển diện tích đất sản xuất một vụ lúa kém hiệu quả sang phát triển trang trại tổng hợp, nuôi trồng thủy sản để nâng cao thu nhập cho người dân; ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật nhằm tạo đột phá cho phát triển sản xuất. Hiện nay, xã có 125 ha diện tích nuôi trồng thủy sản; trong đó, 65 ha nuôi ngao, 15 ha nuôi tôm công nghiệp và 45 ha nuôi tôm theo hình thức quảng canh. Đồng thời, xã đã vận động nhân dân đóng mới, cải tạo, nâng cấp phương tiện tàu thuyền nhằm nâng cao năng lực hoạt động trên biển, tăng sản lượng khai thác thủy, hải sản.

Đến nay, xã Hải Châu có 146 tàu thuyền khai thác hải sản, công suất từ 45 đến 300CV. Nghề khai thác hải sản ngoài tạo việc làm cho gần 700 lao động trực tiếp với thu nhập bình quân từ 9-20 triệu đồng/người/tháng; còn thu hút hàng trăm lao động gián tiếp, lao động thời vụ làm hậu cần nghề cá. Nhờ duy trì đội tàu khai thác hoạt động ổn định, sản lượng hải sản khai thác của xã đạt bình quân hơn 8.000 tấn/năm, thu nhập trung bình của mỗi hộ làm nghề khai thác biển đạt hơn 200 triệu đồng/năm trở lên. 7 tháng năm 2019, toàn xã khai thác 5.839 tấn hải sản các loại, đạt 67% kế hoạch năm; nuôi trồng 6.480 tấn thủy sản các loại, đạt hơn 75% kế hoạch năm.

Ông Hoàng Văn Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Châu, cho biết: Hiện xã đang khuyến khích người dân chuyển đổi từ khai thác hải sản kém hiệu quả kinh tế sang nuôi trồng thủy sản; tạo điều kiện để hình thành các cơ sở và vùng nuôi trồng tập trung. Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân cải tạo đồng nuôi, kiểm soát chất lượng con giống trước khi đưa vào nuôi, thực hiện nuôi đa con phù hợp với thời vụ nuôi trong năm. Khuyến khích người dân nuôi trồng thủy sản kết hợp nhiều đối tượng trên cùng diện tích nhằm cải thiện môi trường nước. Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; tổ chức sản xuất theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm và thân thiện môi trường.

Ngoài ra, xã khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng cho khoảng 100 hộ dân, các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để phát triển nghề chế biến thủy, hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá. Đồng thời, sản xuất bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tiến tới xây dựng thương hiệu của một số sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương, như: Chế biến nước mắm, sấy cá khô, mực khô, tôm khô..., để không ngừng củng cố, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Nghề nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy, hải sản ở xã Hải Châu đang góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của địa phương, từng bước đáp ứng nhu cầu việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người dân. Cùng với nỗ lực vượt khó, vươn lên trong quá trình phát triển kinh tế của người dân; xã Hải Châu rất mong các cấp, các sở, ngành liên quan của tỉnh, các tổ chức tín dụng quan tâm, tạo điều kiện cho nhân dân địa phương được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi với thời gian vay dài hơn để đầu tư phát triển nuôi trồng và chế biến thủy, hải sản.

Lương Khánh Báo Thanh Hóa