Hoạt động của doanh nghiệp trong các KCN ở Tiền Giang: “Trong” giảm, “ngoài” tăng!
Theo BQL các khu công nghiệp (KCN) Tiền Giang, từ đầu năm đến nay giá trị sản xuất công nghiệp đạt 8.306 tỉ đồng, tăng 6,5% so cùng kỳ. Đáng chú ý là, trong khi doanh thu của các doanh nghiệp (DN) vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 398 triệu USD (tăng 30,5% so cùng kỳ) thì doanh thu các DN có vốn đầu tư trong nước chỉ đạt 4.314 tỉ đồng (giảm 3,3%)...
Vẫn thu hút được lao động
Theo ông Nguyễn Thanh Liêm - Phó Trưởng BQL các KCN Tiền Giang - từ đầu năm đến nay các KCN đã thu hút được 5 dự án; trong đó 4 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư (vốn đăng ký 62,04 triệu USD) với diện tích đất thuê 23,3ha. Mức vốn thu hút này chỉ nhỉnh hơn 1/3 so cùng kỳ (bằng 38,9%). Như vậy, tính đến đầu tháng 9, tổng số các dự án trong các KCN của tỉnh là 69 (có 42 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 1,17 tỉ USD và 4.056 tỉ đồng); tổng diện tích cho thuê 342,4ha, đạt 46,66%/tổng diện tích đất cho thuê của 4 KCN đang vận hành. Hoạt động của các DN trong các KCN phần lớn đều tăng trưởng từ 10 - 20%; trong đó doanh thu các DN FDI đạt 398 triệu USD (tăng 30,5% so với cùng kỳ), xuất khẩu đạt 381 triệu USD - tăng 15,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, khối DN trong nước gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng giảm 3,3%; đặc biệt ngành thủy sản có lượng hàng tồn kho lớn và giá trị sản xuất giảm từ 20 - 30% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do hàng hóa xuất khẩu vào thị trường Mỹ và châu Âu liên tục gặp khó từ sự cạnh tranh không lành mạnh trong “nội bộ” và cả việc bị áp thuế chống bán phá giá lên cá tra...
Mặc dù từ đầu năm đến nay DN trong khu - cụm CN làm ăn không hẳn thuận lợi một chiều, song vẫn có sức hút đối với NLĐ. Tính đến đầu tháng 9, tổng số LĐ trong các khu - cụm CN khoảng 42.347 người; trong đó có 305 LĐ nước ngoài. Thống kê cho thấy, LĐ nữ chiếm trên 75% - chủ yếu làm việc trong các ngành may mặc, thủy sản - với hơn 80% là LĐ tại địa phương. Có thể nói, tình hình tuyển dụng LĐ của các DN khá tốt, nhất là đối với những DN có xe đưa rước công nhân việc tuyển LĐ thuận lợi hơn.
11 vụ ngừng việc tập thể
Qua khảo sát thực tế cho thấy, việc tuân thủ pháp luật LĐ đã có nhiều chuyển biến (nhất là đối với DN FDI). Cụ thể, có 85% LĐ được ký kết hợp đồng, tham gia BHXH, BH y tế và BH thất nghiệp. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cũng phát sinh khó khăn: LĐ tại các DN thuỷ sản, may mặc không ổn định; NLĐ có tư tưởng dao động, so sánh, trình độ còn hạn chế nhất định nên dẫn đến việc thiếu am hiểu về pháp luật LĐ - kể cả ý thức chấp hành pháp luật LĐ và nội quy LĐ - nên đã xảy ra không ít vụ ngừng việc tập thể không đúng theo pháp luật (từ đầu năm đến nay xảy ra 11 vụ ngừng việc tập thể gây rất nhiều khó khăn đối với sản xuất của DN, ảnh hưởng rất lớn đến các đơn hàng). Tình hình an ninh trật tự khu vực một số KCN cũng còn những mặt bất cập như tình trạng buôn bán hàng rong; trong đó số hộ buôn bán trong KCN Tân Hương ngày càng tăng. Tình hình tại KCN Long Giang cũng chưa thật ổn. Riêng KCN Mỹ Tho nhờ có đồn công an thực hiện tốt nghiệp vụ, tổ chức họp mặt bảo vệ của DN thường xuyên nên nhiều trường hợp gây rối, trộm cắp được giải quyết kịp thời, an ninh trật tự khá ổn định.
Ông Nguyễn Thanh Liêm cho biết, từ nay đến cuối năm BQL các KCN tỉnh sẽ tập trung làm tốt vai trò chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương thu hút đầu tư vào các KCN; kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các chủ đầu tư hạ tầng KCN và các DN trong KCN; theo dõi chặt chẽ, kịp thời phối hợp với các ngành giải quyết tình hình đình công, lãn công hoặc tranh chấp LĐ không đúng pháp luật nhằm ổn định sản xuất - kinh doanh cho DN và đảm bảo an ninh trật tự địa bàn; phối hợp giải quyết tình trạng buôn bán hàng rong trong KCN Tân Hương, trong công tác thanh - kiểm tra để tránh trường hợp chồng chéo gây phiền hà đối với DN...