Hồng Dân: Thiếu nước mặn, nông dân mua nước mặn nuôi tôm
Trong khi rất nhiều vùng gặp khó do xâm nhập mặn, độ mặn quá cao không gieo trồng được, thì nhiều người dân Bạc Liêu lại gặp khó vì thừa ngọt, thiếu mặn. Để thả tôm nhiều nông dân phải mua nước biển về pha loãng đây là tình cảnh đã diễn ra nhiều năm ở tỉnh Bạc Liêu.
Theo lịch thì vụ tôm chính ở tỉnh Bạc Liêu phải kết thúc thả giống vào cuối tháng 2 vừa qua, nhưng đến thời điểm này, nông dân mới thả giống được một nửa do độ mặn quá thấp. Để kịp lịch thời vụ, nhiều người đã phải mua nước biển về pha loãng để thả tôm.
Để ương được tôm giống anh Nguyễn Hữu Trí ở xã Ninh Hòa phải mua 25m3 nước biển với giá 1.500.000đ về hòa chung với nước trong ao gièo. Đã tháng 3 nhưng độ mặn trên các con sông ở Huyện Hồng Dân tỉnh Bạc Liêu chỉ hơn 1‰. Sợ trễ lịch thời vụ nên anh Trí và bà con ở đây phải chọn cách mua nước mặn.
Anh Trí cho biết: “ Năm nay nhiều bà con ở đây phải mua nước mặn của những hộ dân chở từ Giá Rai lên để gièo tôm”. Đã trể lịch thời vụ hơn 10 ngày nhưng huyện Hồng Dân vẫn còn 12.000 ha ao nuôi tôm chưa thả giống, nguyên nhân là do ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu vẫn chưa mở hết các cống để lấy mặn phục vụ nuôi tôm. Bởi địa phương lo ngại khi lấy nước mặn sẽ theo tuyến kênh Phụng Hiệp xâm nhập vào vùng ngọt của tỉnh Sóc Trăng.
Hiện nhiều ao nuôi tôm quảng canh ở huyện Hồng Dân tỉnh Bạc Liêu vẫn còn bỏ không, điều mà bà con lo lắng là nguy cơ dịch bệnh vì hiện lịch thời vụ đã quá trễ.
Ông Trần Minh Lý, phòng NN&PTNT huyện Hồng Dân khuyến cáo bà con độ mặn nước 2‰ cũng nên cấp nước vào ao để tích trữ trong vuông để khi độ mặn sắc xuống 3‰ thì bà con có thể thả tôm.
Nhiều năm liền, người nuôi tôm quảng canh ở Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu luôn khắc khoải chờ nước mặn. Giấc mơ thủ phủ tôm của miền Tây sẽ khó thành hiện thực nếu tỉnh Bạc Liêu chưa khắc phục được những nhược điểm này.