TIN THỦY SẢN

Hướng ngư dân khai thác thủy sản hợp pháp

Tàu cá Bình Thuận Lê Thanh

Để chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp có hiệu quả thì nhất thiết phải thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề cá nhân dân. Mặt khác, nâng cao nhận thức cho người dân tiêu thụ sản phẩm phải có nguồn gốc hợp pháp. Đồng thời, cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các tàu vi phạm IUU. Theo Luật Thủy sản mới (có hiệu lực từ 1/1/2019) chế tài xử phạt sẽ tăng nặng, với hành vi khai thác bất hợp pháp mức phạt cá nhân tới 1 tỷ đồng, tổ chức tới 2 tỷ đồng.

Một ngày đầu xuân, tiết trời se lạnh, gió bấc thổi mạnh. Những con sóng bạc đầu cứ nối đuôi nhau đánh mạnh vào dãy kè trước cảng làm cho nhiều tài công điều khiển con tàu vào cập bến khó khăn hơn. Chiếc tàu công suất 350cv của ông Sáu Cao, phường Đức Thắng (TP. Phan Thiết) có nhiều kinh nghiệm, sau hơn một tuần lễ ra khơi đánh bắt nay cũng phải loay hoay mãi mới từ từ vào được cảng. Nhiều bạn hàng nghe tin tàu về nên có mặt từ lúc mặt trời mới nhú trên mặt biển chờ chực ở bến để mua sản phẩm. Sau khi buộc xong dây neo, ông Sáu cầm cuốn sổ dày cộp đến văn phòng Ban quản lý Cảng cá trình báo nhật ký đánh bắt. Công việc “ra trình, vào báo”,  ông Sáu đã làm nhiều tháng nay nên nhân viên cảng cá tin tưởng. Sau khi xem qua nhật ký rồi xuống tận tàu kiểm tra thực tế để xác nhận sản lượng, chủng loại cá, tọa độ và thời gian khai thác…Hơn 2 tấn cá đủ loại trên tàu có nguồn gốc rõ ràng nên chỉ 2 giờ sau tàu giải phóng hết sản phẩm. Không chỉ có tàu ông Sáu mà hai con tàu khác mang số hiệu Bth 9942, Bth 9720 cũng lần lượt cập bến và làm thủ tục báo cáo nhật ký đánh bắt. Nhưng một trong hai chiếc tàu này ghi nhật ký lại thiếu mục “tọa độ” nên nhân viên cảng cho rằng không hợp lệ, chủ tàu lý giải do máy định vị bị hỏng…và sẽ khắc phục trong chuyến biển tới.

Anh Nguyễn Hoài Tiến, Phó giám đốc Ban quản lý Cảng cá Phan Thiết cho hay: “Hiện tại Cảng cá Phan Thiết có hàng nghìn lượt tàu thuyền ra vào bán sản phẩm, ước tính mỗi năm có khoảng 60.000 tấn hải sản được bán tại cảng Phan Thiết, bến cá Phú Hài. Kể từ khi EC phạt “thẻ vàng”, Ban Quản lý cảng Phan Thiết đã phối hợp với đồn biên phòng, Chi cục Thủy sản tăng cường quản lý tàu ra vào bán sản phẩm tại cảng. Mỗi chuyến biển thuyền trưởng hoặc chủ tàu công suất từ 20cv trở lên có trách nhiệm ghi nhật ký khai thác. Khi cá được chuyển lên bờ, nhân viên Ban Quản lý cảng kiểm tra thực tế tại tàu, đối chiếu sản lượng, loài hải sản khai thác…”.

Bình Thuận có hơn 7.700 tàu thuyền, sản phẩm khai thác được quản lý, xác nhận tại ba cảng cá, đó là: Cảng cá Phan Thiết; cảng cá Phan Rí Cửa và cảng cá La Gi. Để chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc, trong năm 2018 Chi cục Thủy sản đã tổ chức tập huấn cho hàng nghìn chủ tàu, thuyền trưởng về thực hiện báo cáo, ghi nhật ký từng chuyến biển, sử dụng các thiết bị giám sát hành trình, định vị, máy tầm ngư, vô tuyến điện…Qua tập huấn và tích cực tuyên truyền của cơ quan chức năng đến nay nhiều chủ thuyền đã chấp hành nghiêm túc. Tình trạng tàu của ngư dân khai thác trái phép trên vùng biển nước ngoài đã chấm dứt từ tháng 5/2018. Qua kiểm tra của Hội đồng liên minh châu Âu (EC) mới đây đã xác nhận “Việt Nam có nhiều nỗ lực thực hiện các kiến nghị mà EC đưa ra…”

Hiện đại hóa nghề cá

Với truyền thống nghề cá nhân dân bao đời nay, bây giờ vào khuôn khổ, mang tính công nghiệp cao như: khai thác hải sản phải ghi nhật ký hành trình, xác định tọa độ, thời gian, loại cá…nhiều ngư dân chưa quen. Trong đó, đáng lưu ý là tất cả các tàu thuyền ra biển phải trang bị và sử dụng máy định vị, nhưng trên thực tế các tàu trang bị còn quá ít và việc sử dụng của ngư dân chưa thành thạo. Bà Nguyễn Thị Sắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep), Trưởng ban điều hành IUU - Vasep, Tổng Giám đốc Hải Nam CO.,LTD chia sẻ: “Nghề cá Việt Nam bị EC phạt “thẻ vàng”, đây cũng là cơ hội để cấu trúc lại nghề cá, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề cá nhân dân. Trên thực tế hiện cả nước có 3.300 tàu cá (có chiều dài từ 24m trở lên) ra khơi đánh bắt dài ngày, nhưng chỉ có hơn 2.000 tàu cá có trang bị máy định vị. Riêng Bình Thuận số tàu trang bị được máy định vị, máy tầm ngư chỉ chiếm khoảng 20-25%. Như vậy, số tàu thuyền còn lại không thể ghi được nhật ký tọa độ khai thác… Để khắc phục “thẻ vàng” của EC thì tất cả tàu thuyền ra khơi phải hiện đại hóa. Hơn nữa nhận thức của một bộ phận ngư dân về IUU còn hạn chế nên các tàu bán sản phẩm nội địa thì hầu như chủ tàu không ghi chép nhật ký khai thác. Đối với người mua sản phẩm cũng không cần sản phẩm có nguồn gốc. Vì vậy, việc kiểm soát đánh bắt hay truy xuất nguồn gốc thủy sản còn nhiều lỗ hổng…”.

Khi trao đổi vấn đề thu mua nguyên liệu của Công ty Thaimex, Công ty Hải Thuận, Công ty THNN Hải Nam… chúng tôi  được biết: Từ đầu năm 2018 đến nay hàng xuất khẩu sang thị trường EU giảm từ 30 - 50% vì nguyên liệu được xác nhận nguồn gốc rất ít do ngư dân không ghi chép đầy đủ nhật ký đánh bắt. Vì thế các doanh nghiệp phải tìm thị trường mới hoặc thị trường truyền thống để xuất khẩu nhằm bảo đảm kế hoạch.

Lê Thanh Báo Thủy Sản