TIN THỦY SẢN

Khai thác thủy sản: Thay đổi từ lượng sang chất

Ảnh: SGGP Sáu Nghệ

Với một năm thắng lợi của ngành thủy sản, lĩnh vực khai thác cũng có nhiều triển vọng khả quan. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất vẫn chính là “thẻ vàng” mà EU áp cho sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam. Từ đó, đòi hỏi lĩnh vực khai thác thủy sản phải thay đổi tư duy chuyển từ lượng sang chất.

Còn nhiều thách thức

Theo Tổng cục Thủy sản, tổng lượng thủy sản năm 2017 đạt hơn 7,28 triệu tấn (khai thác gần 3,42 triệu tấn và nuôi trồng hơn 3,86 triệu tấn); theo thứ tự tăng 5,6% (khai thác tăng 5,7% và nuôi trồng tăng 5,5%) so năm 2016.

Tuy nhiên, một thách thức lớn nổi lên trong năm 2017 mà nỗ lực của toàn ngành chưa vượt qua được, còn để lại nhiệm vụ nặng nề cho năm 2018. Đó là việc khai thác hải sản, bảo vệ nguồn lợi để phát triển bền vững. Điển hình ở “thẻ vàng” do EU đưa ra. Cảnh báo nghiêm khắc, yêu cầu hoạt động khai thác và kinh doanh hải sản của nước ta phải được kiểm soát, quản lý chặt chẽ, chống mọi hành vi bất hợp pháp làm tổn hại đến nguồn lợi hải sản ở vùng biển nước ta và các nước khác.

Trong năm 2017, dù cả ngành có nhiều nỗ lực nhưng vẫn có 17 thông báo từ các nước nhập khẩu về những sai sót khi thực hiện việc chứng nhận, xác nhận sản phẩm hải sản của nước ta. Nguyên nhân chính thuộc về chủ quan, theo Tổng cục Thủy sản, đội ngũ cán bộ quản lý hoạt động khai thác thủy sản chưa cập nhật kiến thức về hội nhập, hạn chế ngoại ngữ; mà quá trình hội nhập đối với ngành thủy sản nói chung, nghề khai thác hải sản nói riêng đang diễn ra rất nhanh. Trong xử lý thông báo của nước ngoài, còn bị động, thiếu kinh nghiệm. Một số sai sót lặp lại nhiều lần làm ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của thủy sản Việt Nam.

Hiện nay, số lượng tàu cá của cả nước là 109.586 chiếc. Trong đó, 26.308 tàu có chiều dài dưới 6 m, 37.818 chiếc có chiều dài 6 - 12 m, 18.899 tàu dài 12 - 15 m và 26.561 tàu dài từ 15 m trở lên. So với năm 2016, số tàu làm nghề lưới vây tăng 7%, nghề câu tăng 4%; số tàu làm nghề lưới kéo giảm 3% và tàu lưới rê giảm 5,3% (tàu lưới kéo và lưới rê giảm 2.636 tàu).

Cơ sở hậu cần nghề cá, cả nước có 82 cảng cá đang hoạt động tại 27 tỉnh, thành phố ven biển, đạt 65% so quy hoạch. Trong đó, 25 cảng loại I (20 cảng loại I kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão), 57 cảng loại II (35 cảng loại II kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão, trong này có 4 khu cấp vùng). Về quy mô, 9 cảng đáp ứng cho tàu cá công suất lớn nhất là 1.000 CV và 2 cảng đáp ứng tàu cá công suất lớn nhất là 2.000 CV cập cảng. Theo thiết kế, mỗi ngày hệ thống cảng tiếp nhận được 9.298 lượt tàu.

Những con số trên cho thấy, quy mô công tác quản lý để đảm bảo hoạt động đánh bắt và kinh doanh hải sản hợp pháp theo quy định quốc tế là rất rộng lớn, phức tạp. Nhất là công tác lại liên quan đến nhiều ngành, cần sự phối hợp không chỉ trong nước mà còn với nhiều nước liên quan.

Thay đổi tư duy

Bước vào năm 2018, Bộ NN&PTNT yêu cầu tập trung các công tác: quản lý khai thác xa bờ gắn với bảo vệ nguồn lợi hải sản; thực hiện nghiêm quy định về đánh bắt và truy xuất nguồn gốc, sớm giải quyết vấn đề áp “thẻ vàng” của EU. Những mục tiêu chính phải đạt, theo Tổng cục Thủy sản: kiểm soát việc đóng mới tàu cá; đăng ký, đăng kiểm tàu cá và cấp giấy phép khai thác; xử lý vi phạm tàu cá đánh bắt hải sản trái phép; xác nhận và chứng nhận nguyên liệu hải sản khai thác.

Có rất nhiều việc phải làm để ngành thủy sản thoát khỏi tình trạng tự phát nhỏ lẻ, tiến nhanh vào hiện đại, đáp ứng các yêu cầu của hội nhập kinh tế thế giới. Một vài chỉ tiêu cụ thể dự kiến cho năm 2018 đã thể hiện quyết tâm cao, không còn chú trọng sản lượng mà tập trung vào chất lượng. Trước tiên, sản lượng khai thác chỉ 3 triệu tấn, giảm 13,3% so năm 2017, chủ yếu giảm khai thác ven bờ. Lượng tàu cá duy trì như hiện nay, 109.000 chiếc nhưng tập trung tăng số tổ đội sản xuất trên biển, đạt khoảng 4.500 tổ đội với khoảng 13.000 tàu. Ban hành “Quy hoạch khai thác hải sản xa bờ” làm căn cứ thực hiện quản lý, phát triển tàu khai thác xa bờ.

Một công tác trọng tâm là điều tra đánh giá hiện trạng nguồn lợi trên các vùng biển Việt Nam. Từ đó, có “Quy hoạch phát triển khai thác hải sản xa bờ toàn quốc đến năm 2020, định hướng năm 2030”. Những việc này đã cơ bản hoàn thành trong năm 2017, vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện để quản lý tàu cá, cường lực khai thác, nghề khai thác, mùa vụ khai thác, ngư trường phù hợp khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi hải sản.

Năm 2018, quản lý ngành thủy sản đặt mục tiêu hoàn thiện và ban hành “Quy hoạch khai thác hải sản xa bờ”, các địa phương sẽ xây dựng những khu vực bảo vệ nguồn lợi hải sản. Tổng cục Thủy sản nêu một công tác rất mới: xây dựng và triển khai “Đề án cấm biển”. Gồm có thiết lập, xác định vùng cấm, thời gian cấm khai thác và ngư cụ cấm sử dụng trong khai thác.

 

Sáu Nghệ TSVN