TIN THỦY SẢN

Khánh Hòa: Trúng đậm mùa sò lông

Ông Hoàng (bên phải) vừa chuyển sò vào bờ đã có người đón mua

Sò lông nuôi năng suất tăng cao, giá tăng kỷ lục và giữ ổn định gần 2 tháng nay nên người nuôi sò lông ở phường Cam Phúc Bắc, TP. Cam Ranh rất phấn khởi.

Những ngày này, đến khu vực các tổ dân phố Hòa Do 4 và Hòa Do 5B, phường Cam Phúc Bắc, rất dễ cảm nhận được không khí phấn khởi của người dân làm nghề nuôi sò lông, bởi năm nay sò vừa được mùa, vừa được giá. Cuối các con hẻm tiếp giáp với biển, cảnh mua bán sò rất nhộn nhịp, song vẫn có những thương lái cho biết họ chờ đợi cả buổi vẫn không gom đủ lượng sò theo đơn hàng.

Ông Nguyễn Công Hoan (phường Ba Ngòi, TP. Cam Ranh) - người thu mua sò tại đây lý giải: “Hiện nay, đang là thời điểm cấm khai thác sò lông tự nhiên tại nhiều nơi ở Phan Thiết, Vũng Tàu nên nguồn cung cấp sò trên thị trường bị thiếu hụt. Hiện tại, giá mua từ 50.000 đến 55.000 đồng/kg. Đã thế, khoảng gần 2 tháng nay, nhiều người từ các tỉnh phía nam trực tiếp ra đây thu mua càng làm cho thị trường sò lông trên địa bàn trở nên khan hiếm”. Chúng tôi được biết, những ngày này, ngoài những thương lái chờ gom hàng ngay trên các bến thuyền khi người dân vận chuyển sò lông từ biển vào, một số người đã ra trực tiếp tại khu vực Cồn Chim (vùng nuôi sò lông tập trung của phường Cam Phúc Bắc) để thu mua.

Ông Nguyễn Xuân Phương (Tổ dân phố Hòa Do 4) phấn khởi cho biết: “Vụ năm nay, tôi thả 20 tấn giống, năng suất thu hoạch ước đạt gần 40 tấn. Tôi đã bắt bán hơn 10 tấn cách đây hơn 2 tháng, nhưng lúc đó giá chỉ 28.000 đồng/kg. Hiện tại, mỗi ngày, tôi thu hoạch từ 3 đến 4 tạ, giá tăng gần gấp đôi, người mua bao luôn cả tiền công thuê thợ lặn bắt sò và tiền vận chuyển sò vào bờ. Năm nay, sò vừa được mùa, vừa được giá. 15 năm nuôi sò nhưng chưa năm nào tôi phấn khởi như năm nay”.

Theo ông Lê Văn Hoàng - Tổ trưởng Tổ liên kết trồng rong, nuôi sò: “ Mức giá sò lông như hiện tại đã kéo dài khoảng 2 tháng nay. Do năm trước rong mơ tụt giá nên năm nay hầu hết người dân làm nghề này ở khu vực Cồn Chim tạm ngưng trồng rong và tập trung vốn mua sò giống để tăng mật độ lên gấp đôi so với trước. Vì thế, sản lượng sò thu hoạch cũng tăng gấp đôi, giá lại cao nên người nuôi trúng đậm. Năm nay, tôi thả nuôi 10 tấn giống, với chi phí khoảng 300 triệu đồng, ước thu đạt 16 - 18 tấn, hiện chỉ mới thu hoạch khoảng 8 tấn”.

Giá sò lông tăng cao không chỉ giúp người nuôi trúng đậm mà còn là dịp để không ít người dân địa phương kiếm thêm thu nhập từ việc cào bắt sò tự nhiên trên các bãi cạn trên địa bàn.

Đã từ lâu, khu vực Cồn Chim là nơi trồng rong mơ kết hợp nuôi sò lông tập trung quy mô lớn, hiện tại với hơn 150 hộ. Ngoài ra, từ vài năm nay, trên vùng biển gần bờ thuộc Tổ dân phố Hòa Do 5B cũng đã hình thành khu vực trồng rong mơ kết hợp nuôi sò lông tương tự, hiện tại có hơn 40 hộ. Với hình thức nuôi sò lông hoàn toàn tự nhiên (không cho sò ăn bất cứ loại thức ăn gì), những năm qua, mô hình này không chỉ đem lại thu nhập cao cho người dân mà còn có ý nghĩa rất lớn trong việc cải tạo, làm sạch môi trường nước và đáy biển, phục hồi hệ sinh thái tại khu vực nuôi.

Ông Trương Văn Sa Tăng - Chủ tịch Hội Nông dân phường Cam Phúc Bắc cho biết: “Mô hình nuôi sò lông tại địa phương là hoàn toàn tự nhiên, người nuôi chỉ thả sò giống xuống biển chứ không phải cho ăn nên vừa giảm được chi phí vừa góp phần cải tạo môi trường biển nên hiệu quả mang tính bền vững. Đặc biệt, năm nay, do người dân tăng mật độ nuôi dẫn đến tăng năng suất và thu hoạch vào thời điểm giá cao nên có lãi lớn. Tuy nhiên, chúng tôi đã khuyến cáo người dân chỉ nên tăng mật độ thích hợp chứ không quá cao ở những vụ nuôi tới để đảm bảo điều kiện sò sinh trưởng phát triển tốt. Vì nếu mật độ nuôi quá dày sẽ dẫn đến tình trạng sò thiếu thức ăn, ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển, thậm chí là bị dịch bệnh làm chết hàng loạt như đã xảy ra đối với các đối tượng nuôi khác”.

Báo Khánh Hòa