TIN THỦY SẢN

Không có sự “lỏng tay” trong quản lý

Thu Hồng

Sau Trifluralin và Enrofloxacin, đến lượt Ethoxyquin bị Nhật Bản cảnh báo trên tôm Việt Nam do vượt ngưỡng cho phép của nước này. Vấn đề đang gây nhiều khó khăn cho cả quản lý, doanh nghiệp và người nuôi. Để hiểu rõ hơn, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (ảnh).

Vấn đề Ethoxyquin đang trở nên rất “nóng”, biện pháp giải quyết của Tổng cục Thủy sản đối với chất này được triển khai hiện nay như thế nào, thưa ông?

Việc Nhật Bản quy định kiểm tra 30% các lô hàng tôm nhập khẩu từ Việt Nam đối với chất Ethoxyquin kể từ ngày 18/5/2012 ở mức giới hạn cho phép 0,01 ppm khiến cho doanh nghiệp xuất khẩu và người nuôi tôm lo ngại. Đây là chất chống ôxy hóa được sử dụng khá phổ biến để bảo quản thực phẩm (táo, ớt, trái cây, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản...). Ở các nước như Mỹ, EU và ngay cả Nhật Bản, mức cho phép trong thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản là 150 ppm. Bộ Y tế Nhật Bản có quy định mức Ethoxyquin cho phép trong thịt gà, gạo và nhiều loại thực phẩm khác là 0,05 ppm, cá hồi 1,0 ppm, trứng gà 0,5 ppm, cá chình 1,0 ppm. Tuy nhiên đối với tôm, nhuyễn thể và nhiều loài cá chưa có quy định nên người ta đã mặc định ở mức thấp nhất là 0,01 ppm.

Các chuyên gia Nhật Bản cho rằng Ethoxyquin có trong thủy sản là từ thức ăn. Doanh nghiệp sản xuất thức ăn đưa vào để bảo quản. Nếu dừng cho tôm ăn sau 2 ngày thì tôm sẽ lột vỏ, dừng cho ăn sau 1 ngày thì tôm sẽ thải hết Ethoxyquin. Vì vậy Tổng cục Thủy sản đã chỉ đạo:

- Rà soát Danh mục thức ăn thủy sản được lưu hành xem có loại thức ăn nào chứa thành phần Ethoxyquin để xem xét đề nghị đưa ra khỏi danh mục.

- Đề nghị xem xét bổ sung chất Ethoxyquin vào Danh mục các chất cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam.

- Gửi công văn đề nghị các địa phương kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn thủy sản để phát hiện Ethoxyquin báo cáo về Tổng cục Thủy sản và hướng dẫn các cơ sở sản xuất thức ăn không dùng chất này để bảo quản, trên nhãn mác phải ghi rõ không chứa các chất cấm sử dụng.

- Đề nghị Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) làm việc với phía Nhật Bản để sớm có quy định mức Ethoxyquin cho phép trong sản phẩm thủy sản, không đưa ở mức mặc định quá thấp 0,01 ppm như hiện nay.

Việc cấm hay hạn chế việc sử dụng chất này sẽ có ảnh hưởng gì, thưa ông?

Hiện nay, Nhật Bản cũng chưa phát hiện thấy Ethoxyquin trong thủy sản nhập từ Việt Nam. Do đó, hy vọng rằng khi Tổng cục Thủy sản và các địa phương kiểm tra, rà soát sẽ không có Ethoxyquin trong thức ăn thủy sản ở Việt Nam. Và như vậy, khi đưa Ethoxyquin vào danh mục cấm, hạn chế sử dụng thì các doanh nghiệp sẽ được cảnh báo trước.

Trường hợp rà soát nếu thấy có Ethoxyquin thì ảnh hưởng trước hết là hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn vì có những lô hàng đã sản xuất rồi nhưng chưa bán ra thị trường sẽ chậm tiêu thụ. Tuy nhiên, sẽ phải khuyến cáo để doanh nghiệp hướng dẫn người nuôi ngừng cho tôm ăn 1 ngày trước khi thu hoạch. Vì vậy, về cơ bản cũng sẽ ít bị ảnh hưởng.

Trước tiên là Trifluralin, rồi đến Enrofloxacin và giờ là Ethoxyquin bị cảnh báo, liệu có phải vẫn đang có sự “lỏng tay” đối với quản lý trong nuôi trồng thủy sản?

Chúng ta là người sản xuất hàng hóa nên phải chấp nhận theo yêu cầu của người tiêu dùng. Thị trường các nước nhập khẩu đòi hỏi chất lượng ngày càng cao và có sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước xuất khẩu thì người sản xuất phải thích ứng linh hoạt. Chúng ta không thể biết trước được thị trường cấm những chất gì. Chỉ khi họ đưa ra thì chúng ta bắt buộc phải thực hiện theo. Vì vậy, các cơ quan quản lý liên tục phải cập nhật thông tin, cảnh báo từ các thị trường để hướng dẫn người sản xuất chứ không có sự “lỏng tay” trong quản lý.

Những cảnh báo này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến uy tín tôm Việt Nam. Vậy sau sự vụ này, Tổng cục Thủy sản có biện pháp gì để ngăn chặn những sự việc tương tự như vậy tiếp diễn?

Theo chúng tôi hiểu, cảnh báo này không ảnh hưởng tới uy tín tôm Việt Nam mà gây lo ngại rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu. Việc các nước nhập khẩu đưa ra những cảnh báo như vậy là biện pháp bảo vệ người tiêu dùng và có thể là những rào cản kỹ thuật. Phía Nhật Bản cho biết, kiểm tra thấy nhiều lô hàng của Trung Quốc nhiễm Ethoxyquin trên mức cho phép còn sản phẩm của Việt Nam chưa phát hiện ra. Vì vậy, họ cảnh báo cho các nước xuất khẩu vào thị trường là để đáp ứng theo quy định của họ. Chúng ta được cảnh bảo sẽ có biện pháp quản lý sản xuất để tránh các rủi ro đã được báo trước.

Biện pháp cụ thể đó là gì, thưa ông?

Đó là khuyến khích áp dụng nuôi trồng thủy sản tốt theo quy chuẩn VietGAP, tiến tới phải bắt buộc áp dụng. Theo đó, người nuôi thực hiện trong điều kiện đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái, không sử dụng các loại thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học bị cấm. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý liên tục phải cập nhật thông tin, cảnh báo từ các thị trường để hướng dẫn người sản xuất.

Trân trọng cảm ơn ông!  

Thu Hồng thuysanvietnam.com.vn