Không “lơ là” kiểm soát chất lượng thủy sản vào thị trường Nhật
Hiện Nhật Bản đã trở thành thị trường dẫn đầu thay thế cho thị trường lớn Hoa Kỳ ở một số mặt hàng, nhất là sản phẩm tôm các loại. Đây được xem là thị trường khó tính do đó cần cẩn trọng trong khâu kiểm tra chất lượng tôm để tránh sự cố đáng tiếc.
Mặc dù trong 6 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản có sự tăng trưởng khá ấn tượng, tuy nhiên các doanh nghiệp không được “lơ là” khâu kiểm soát chất lượng sản phẩm khi xuất khẩu sang thị trường này.
Bởi đây là thị trường có ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, hình ảnh thủy sản xuất khẩu Việt trên thị trường thế giới.
Đây là khuyến nghị của các chuyên gia tại hội thảo Quy định vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản nhập khẩu vào Nhật Bản, do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức ngày 5/7 tại Tp.Hồ Chí Minh.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP, Nhật Bản hiện là một trong 3 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, đứng sau Hoa Kỳ và EU.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đạt khoảng 590 triệu USD, tăng đến 31% so với cùng năm 2017.
Việc đồng Yên Nhật tăng giá, nhu cầu tiêu thụ thủy sản ở Nhật tăng kèm theo các doanh nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam có nhiều cải thiện về mặt chất lượng là những nguyên nhân chính thúc đẩy xuất khẩu thủy sản sang thị trường này tăng cao.
Hiện Nhật Bản đã trở thành thị trường dẫn đầu thay thế cho thị trường lớn Hoa Kỳ ở một số mặt hàng, nhất là sản phẩm tôm các loại.
Điều này cho thấy Nhật Bản có vị trí rất quan trọng trong cơ cấu xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Dù các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã rất nỗ lực trong vấn đề kiểm soát chất lượng, song vẫn có một số lô hàng thủy sản bị cảnh báo về nhiễm kháng sinh, hóa chất vượt mức cho phép theo quy định của Nhật Bản.
Ông Lê Anh Ngọc, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Chất lượng thủy sản, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, đã có 11 lô hàng thủy sản của Việt Nam bị cảnh báo tại thị trường Nhật, tăng 6 lô so với cùng kỳ năm ngoái.
Các lô hàng bị cảnh báo chủ yếu vẫn do chỉ tiêu AOZ và Enrofloxacin trên các sản phẩm tôm vượt mức cho phép.
Theo ông Lê Anh Ngọc, việc quản lý thực phẩm nhập khẩu ở Nhật Bản có nhiều điểm khác biệt so với các thị trường khác như EU, Trung Quốc, Hàn Quốc…
Phía Nhật không yêu cầu nước xuất khẩu lập danh sách các cơ sở đủ điều kiện chế biến xuất khẩu; không yêu cầu cơ quan nước xuất khẩu kiểm tra, cấp chứng thư cho lô hàng cũng như không tiến hành đánh giá tương đương.
Tuy nhiên, Nhật Bản sẽ tiến hành lấy mẫu kiểm tra lô hàng nhập khẩu, áp dụng chế độ kiểm soát tăng cường có thể lên đến 100% khi phát hiện lô hàng vi phạm.
Việc kiểm tra tại cửa khẩu được thực hiện 100% đối với các lô hàng thực phẩm có mối nguy cao mất an toàn thực phẩm, như thực phẩm có thể chứa độc tố (cá nóc…), hay từ một nguồn gốc đã bị phát hiện không đảm bảo an toàn thực phẩm trong các lần kiểm tra tự nguyện, kiểm tra giám sát…
Hiện nước này đang áp dụng chế độ kiểm tra chặt 100% đối với một số sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam kể từ ngày 1/4/2017 đến 31/3/2018.
Riêng mặt hàng tôm phải chịu kiểm tra ở 3 chỉ tiêu là Furazolidone, Enrofloxacin và Sulfadiazine.
Đáng chú ý, toàn bộ chi phí kiểm tra sẽ do nhà nhập khẩu chi trả, từ lô hàng không được thông quan cho đến khi có kết quả kiểm tra đạt yêu cầu.
Do vậy, đại diện NAFIQAD cho rằng, các doanh nghiệp khi xuất sang thị trường Nhật Bản nên tìm hiểu kỹ các quy định, nhất là quy định về hóa chất kháng sinh, chế độ kiểm tra tại cửa khẩu của Nhật Bản.
Các doanh nghiệp cũng cần chú ý nhận diện và kiểm soát đầy đủ các mối nguy hóa chất, kháng sinh, đặc biệt là kháng sinh cấm đối với sản phẩm tôm, cá bò, mực xuất khẩu vào Nhật.
Các doanh nghiệp cần tăng cường các biện pháp kiểm soát cơ sở cung cấp nguyên liệu, chủ động lấy mẫu kiểm nghiệm các lô nguyên liệu khi tiếp nhận tại các cơ sở.
Đồng thời, khi có lô hàng bị cảnh báo, các doanh nghiệp cần khẩn trương điều tra nguyên nhân và thực hiện biện pháp khắc phục và báo cáo NAFIQAD để thẩm tra.
Giáo sư Fumio Sakamoto, Đại học quốc gia Kagoshima, thành viên Ủy ban Thanh tra chất lượng thực phẩm của Nhật Bản cho biết, mặc dù số lô hàng thủy sản từ Việt Nam nhập khẩu vào Nhật bị cảnh báo còn khá cao, tuy nhiên có nhiều trường hợp lô hàng bị cảnh báo không phải cố ý vi phạm.
Có thể là do bị ảnh hưởng từ khu vực nuôi trồng thủy sản lân cận, nguồn nước bị nhiễm khuẩn…
Do vậy, việc quản lý môi trường nước, tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp chế biến thủy sản cần được chú trọng để nâng cao chất lượng nguyên liệu chế biến, cải thiện giá bán sản phẩm, từ đó có thể phát triển bền vững ngành thủy sản trong tương lai.