Khu bảo tồn thiên nhiên “đặc biệt”
Nhiều người nghĩ rằng, việc bảo tồn thiên nhiên phải thực hiện trên quy mô lớn, diện rộng chí ít cũng vài trăm, ngàn héc ta. Nhưng người dân thôn Tà Đủ, xã Tân Hợp, Hướng Hóa (Quảng Trị) có quan điểm trái ngược, họ xem khu rừng của mình dù có diện tích không lớn cũng cần được giữ gìn, bảo vệ như một khu bảo tồn dạng “mini”.
“Nằm ngửa thấy ong, nằm nghiêng thấy cá”
Nằm gọn trong thung lũng Thủy điện Rào Quán, thôn Tà Đủ được người dân mệnh danh là thôn “nằm ngửa thấy ong, nằm nghiêng thấy cá”. Trưởng thôn Hồ Phơi ( 31 tuổi) giải thích rằng, vì đây là nơi có nhiều cá tôm và muông thú cư ngụ nên người dân mới truyền tụng như vậy. Nhưng người trưởng thôn trẻ cũng không quên nhắc nhở rằng, để có được điều đó, dân bản đã đổ biết bao tâm huyết mới có được thành quả như ngày hôm nay.
Dường như thấy khách lạ vẫn chưa tin về điều này, trưởng thôn Hồ Phơi cùng một số thanh niên trong thôn dong thuyền ra sông để khách được “mục sở thị”. Khua nhẹ mái chèo, anh Phơi hớn hở: “Chỉ một lát nữa thôi sẽ thấy, cá quý hiếm đáng giá bạc triệu thì không nói, chứ mè hoa, rô phi, trắm cỏ, chép…thì ở đây không thiếu”. Một thanh niên đi cùng còn đùa rằng tí ghé thuyền vào nơi vũng vịnh, ngửa mái chèo lên trời mà phang xuống mặt nước thì tự khắc cá tôm đua nhau nhảy lên thuyền.
Theo lời của dân bản thì đây là khu vực “rừng cấm”, ngày trước khi thủy điện Rào Quán chưa tích nước rộng lắm, giờ thì chỉ còn một doi đất hơn một héc ta. Vì là “rừng cấm” nên dân bản không ai được phép vào nếu không có sự đồng ý của già làng và các bô lão trong thôn bản. Dừng ngang bên một cây đại thụ, chỉ vào những nốt u sần nổi lên mà người ta vẫn gọi là “mắt”, anh Phơi bảo rằng đây là cây gỗ lim đã nhiều năm tuổi, ngay cả người già nhất trong bản cũng không biết chính xác nó có từ bao giờ, chỉ biết rằng đời cha ông của anh sinh ra thì nó đã xanh tốt và tỏa bóng một vùng.
Mọi người chụm lại bên cây gỗ, anh Hồ Ria (người cùng bản) chỉ tay vào những vết u sần trên cây rồi cho biết đó là do vết đạn hay mảnh bom găm vào, cây tiết nhựa vón thành cục nên mới chai sần như vậy, chứng tỏ nó đã có tuổi đời cao lắm rồi. Ở đây, mọi thứ đều nguyên sơ như chưa có dấu chân người đặt đến. Hơi bất ngờ vì gặp những rặng chuối núp bóng dưới tán cổ thụ, hóa ra những cây chuối ở đây làm một “nhiệm vụ” rất đặc biệt, là nguồn thức ăn cho động vật và chim chóc sống trong rừng cấm của Tà Đủ. Đây là một sáng kiến của người dân thôn nghèo này, muốn níu giữ chim chóc, muông thú thì điều cần nhất là phải giữ rừng, thứ hai là phải có nguồn thức ăn cho chúng. Nếu không có nguồn thức ăn phong phú này thì tự khắc chúng sẽ đi nơi khác và nguy hiểm rình rập là điều dĩ nhiên.
Trưởng thôn Hồ Phơi chứng minh: “Chuối này là do người dân mình trồng đó, nhưng dân bản không được phép mang về nhà mà để tự nhiên như vậy. Nhìn thấy buồng chuối chín trên cây chi chít dấu mổ của lũ chim không? Chứng tỏ chúng mới vừa ở đây xong”.
Chung tay bảo vệ rừng
Sau một hồi rong ruổi quanh Tà Đủ, trưởng thôn Hồ Phơi cùng mọi người tề tựu đông đủ ở nhà già làng Hồ Hôi (83 tuổi). Trong căn nhà sàn bạc thếch vì mưa nắng, già làng rót nước mời khách. “Ở đây là vậy đó, người dân bản nghèo này không có quyền cấm đoán ai một thứ gì cả nhưng chúng tôi có quyền được bảo vệ khu rừng này, con sông này”, già làng Hồ Hôi nói. Cái lý của cụ già ở tuổi gần đất xa trời nghe thật đơn giản nhưng ngẫm lại thì triết lý vô cùng.
Trưởng thôn Hồ Phơi dẫn khách “mục sở thị” cá trên sông Rào Quán
Giờ đây, quy định đó đã ăn sâu vào máu thịt của người dân bản Tà Đủ. Ngày này qua năm nọ, không biết từ đâu nó đã thành lệ làng, lệ bản. Để thực hiện được điều đó, người dân thành lập đội thanh niên xung kích, phân công túc trực bảo vệ rừng 24/24. Những người dân bình thường cũng bảo vệ rừng theo cách riêng của mình, nếu phát hiện có dấu hiệu khả nghi là lập tức thông báo với già làng. Trẻ con trong bản cũng giúp người lớn trong việc bảo vệ rừng.
Trưởng thôn Hồ Phơi bảo rằng từ trước đến nay cả bản chỉ phát hiện một trường hợp người lạ mặt dùng kích điện lọt vào khu vực. Sau một hồi giải thích, họ nhận ra cái sai của mình, xin lỗi bản làng rồi tuyệt nhiên không dám quay lại nữa. Muốn bảo vệ con sông, ngọn núi thì cách tốt nhất là phải làm công tác tư tưởng cho bà con, điều này thì trưởng thôn Hồ Phơi và già làng Hồ Hôi hiểu hơn ai cả. Trong các gia đình tuyệt nhiên không có chuyện tàng trữ máy kích điện hay thuốc nổ, chỉ cần phát hiện nhà nào mua lưới đánh cá mắt nhỏ là bị nhắc nhở.
Ngày mai, trong bản có một gia đình làm lễ thôi nôi cho con nên người bố xin phép già làng và trưởng thôn đánh cá nhiều hơn thường ngày để đãi bà con và dân bản. Gia đình này nghèo lắm, nên già làng Hồ Hôi bảo rằng có tấm bụng thế là tốt rồi, không cần lễ lạt gì cả. Nói rồi, già làng một mình xuống sông xin thần sông cho người bố nghèo kia đánh cá./.