TIN THỦY SẢN

Loay hoay với bảo hiểm trên tôm nuôi

Chanh Tuy

Ở khu vực ĐBSCL, sau hơn 1 năm thực hiện, nhiều địa phương mới đang loay hoay tập huấn cán bộ, khảo sát địa bàn, còn nông dân dè dặt tiếp cận.

Từ nhiều năm nay, trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp luôn gặp nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, gây thiệt hại lớn cho nông dân. Nhằm giảm bớt khó khăn này, đồng thời hỗ trợ một phần vốn để nông dân có điều kiện tái sản xuất khi gặp rủi ro, đầu năm ngoái, Chính phủ đã ban hành Quyết định 315 thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp ở một số tỉnh trong cả nước. Nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được chính sách này, trong khi thời gian thí điểm 3 năm sắp hết.

Ngành chức năng lúng túng

Thông tư 47 của Bộ NN&PTNT hướng dẫn thực hiện Quyết định 315 của Thủ tướng Chính phủ đã giao cho 4  tỉnh ven biển gồm: Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng triển khai thí điểm chính sách mua, bán bảo hiểm trên đối tượng tôm nuôi.
Thực hiện chính sách này, mỗi tỉnh được phép chọn 9 xã thuộc 3 huyện khác nhau để triển khai. Theo đó các hộ nghèo sẽ được Nhà nước hỗ trợ 100% phí mua bảo hiểm, hộ cận nghèo được hỗ trợ 80%. Các đối tượng còn lại sẽ được hỗ trợ từ 20- 60% phí mua bảo hiểm. Đây là chính sách đúng đắn nhằm giúp nông dân, đặc biệt là nông dân nghèo có vốn tái sản xuất, khi gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh.

Tuy nhiên sau hơn 1 năm thực hiện, nhiều địa phương gặp lúng túng, đến nay mới đang ở giai đoạn nghiên cứu văn bản. Chính sách bảo hiểm vẫn chưa đến với người nông dân.

Theo phản ánh của các địa phương đây là chính sách mới, đối tượng bảo hiểm có nhiều rủi ro cao nên các Công ty nhận bảo hiểm rất thận trọng. Cà Mau là tỉnh có diện tích nuôi tôm nhiều nhất nước. Dự kiến tỉnh sẽ chọn 24.000 ha của 20.000 hộ dân thuộc các xã được chọn làm thí điểm để triển khai chính sách này. Tuy nhiên đến nay, các sở, ban ngành và các địa phương trong tỉnh cũng phía nhà bảo hiểm mới đang ở giai đoạn khảo sát địa bàn.

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Hiện nay Bộ Tài chính mới chỉ giao nhiệm vụ cho Công ty Bảo Minh. Công ty đang tiến hành khảo sát cùng với Sở NN&PTNT và Sở Tài chính khảo sát tại cơ sở. Khâu này về phía Bảo hiểm làm hơi chậm. Đến nay tại Cà Mau chưa thực hiện bảo hiểm đến tay người dân”.

Ông Châu Công Bằng còn cho biết thêm một vài khó khăn khác, đó là không có người nghèo nào trên địa bàn tỉnh nuôi tôm theo hình thức thâm canh, bán thâm canh hay quảng canh cải tiến; mà hầu hết người nghèo nuôi theo hình thức quảng canh truyền thống. Như vậy, nông dân nghèo ở Cà Mau không được hưởng chính sách này, cho dù Nhà nước có hỗ trợ 100% phí mua bảo hiểm.

Một vấn đề khó khăn khác đã làm cản trở việc triển khai chính sách này. Đó là vốn dùng để hỗ trợ nông dân mua bảo hiểm cũng chưa được Bộ Tài chính chuyển về cho tỉnh Cà Mau.

Ở các tỉnh Bạc Liêu, Bến Tre, việc thực hiện bảo hiểm cho các hộ nuôi tôm cũng chưa làm được vì còn phải chờ Bộ Tài chính, Tổng Công ty bảo hiểm Bảo Việt hướng dẫn các khoản chi phí.

Riêng Sóc Trăng là tỉnh duy nhất trong 4 tỉnh ven biển ĐBSCL đến nay đã bán được bảo hiểm tôm cho nông dân với số tiền rất khiêm tốn là 250 triệu đồng, so với dự kiến ban đầu là 257 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hoàng Phương, Giám đốc Bảo Việt Sóc Trăng – đơn vị được UBND tỉnh chỉ định triển khai chính sách này cho biết: Trong mấy tháng qua, tỉnh Sóc Trăng đã làm quyết liệt nên mới đạt được kết quả này. Còn nếu không đến giờ này tỉnh cũng đang khảo sát địa bàn như các tỉnh khác trong khu vực.

Ông Nguyễn Hoàng Phương còn cho biết thêm: Đến nay một số ngành có liên quan như Tài chính, Nông nghiệp và phát triển Nông thôn và Bảo Việt chậm có văn bản hướng dẫn chi tiết thực hiện nên tỉnh Sóc Trăng cũng đã phải "mạnh dạn" làm trước một số việc.

Kiến nghị của ông Nguyễn Hoàng Phương là: Hiện nay chúng ta đang ở giai đoạn thí điểm. Trong những năm tới, sau thí điểm chúng ta sẽ phát triển nhiều hơn. Nhưng đối với lực lượng hiện nay nếu chúng ta bố trí chỉ 1 – 2 người thì gặp khó khăn vì anh em phải nắm địa bàn. Nhưng sau này chúng ta mở đại trà sẽ bảo hiểm vùng nuôi rất lớn. Theo tôi, công ty bảo hiểm phải có phòng bảo hiểm nông nghiệp và có đủ lực lượng để thực hiện nhiệm vụ công ty, đồng thời tham mưu cho ủy ban thực hiện sự chỉ đạo của chính phủ.

Nông dân dè dặt

Không chỉ khó khăn đối với các ngành chức năng mà ngay nông dân cũng rất dè dặt khi tiếp cận các điều kiện bảo hiểm trên tôm nuôi; đặc biệt là những nông dân không thuộc đối tượng hỗ trợ hoặt hỗ trợ 1 phần kinh phí để mua bảo hiểm.

Theo quy định, để được hưởng bảo hiểm khi gặp rủi ro nông dân phải thuân thủ tuyệt đối các điều kiện khắt khe do Ngành nông nghiệp và Công ty bảo hiểm đưa ra. Điển hình như: Nông dân mua tôm giống, thức ăn hay hóa chất phải có giấy chứng nhận của các cơ sở sản xuất có uy tín đã được Nhà nước công nhận. Khi tôm gặp rủi ro và chết phải có ít nhất 3 ao liền kề cùng chết và được UBND tỉnh công bố dịch toàn xã nông dân mới được hưởng bảo hiểm. Đây cũng là những quy định nhằm buộc người nuôi tôm phải thích ứng dần với cách sản xuất theo hướng công nghiệp và tiến tới hiện đại, giảm dần hình thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.

Tuy nhiên thực tế việc tuân thủ những quy định này lại phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khác. Phần lớn các hộ nông dân ở ĐBSCL hiện nay mua tôm giống từ các tỉnh miền Trung do thương lái mang về. Các cơ sở sản xuất tôm giống này chỉ cấp Giấy chứng nhận nguồn gốc hay hóa đơn tài chính cho người trực tiếp đi mua tức là thương  lái. Khi thương lái bán lại, nông dân không có giấy chứng nhận hay hóa đơn. Do đó khi gặp rủi ro nông dân không thể chứng minh được nguồn gốc tôm giống. Mà đây lại là điều kiện đủ để bảo hiểm từ chối chi trả khi gặp rủi ro.

Anh Quách Mến, một nông dân ở phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu trăn trở: “Triển khai chưa được rõ ràng để dân yên tâm như việc công bố dịch. Theo tôi, mua ao nào tính ao đó, chứ đợi tới công bố dịch thì tôi còn băn khoăn. Về thủ tục cũng phải rõ ràng để dân tham gia tích cực hơn”.

Đây là một vài khó khăn, vướng mắc đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ triển khai chính sách bảo hiểm trên tôm nuôi đối với các tỉnh ven biển trong khu vực ĐBSCL. Nếu các bộ, ngành chức năng ở Trung ương và các địa phương không quyết liệt chung tay tìm phương án phù hợp thì chủ trương đúng đắn, được nhiều người dân ủng hộ này sẽ khó có thể đi vào cuộc sống. Trong khi đó, thời gian thực hiện thí điểm bảo hiểm với các hộ nuôi tôm không còn nhiều nữa./.

Chanh Tuy VOV- ĐBSCL