TIN THỦY SẢN

Mô hình nuôi thủy sản bằng lồng nhựa theo công nghệ Na Uy

Các lồng nuôi đặt cách nhau 100m

Viện NTTS 1 đã chủ động lắp ráp và vận hành được mô hình nuôi thủy sản bằng lồng nhựa theo công nghệ Na Uy, nhờ vậy giá thành lồng tròn làm ra đã giảm chỉ bằng 1/3 so với nhập khẩu...

Đầu tháng 11/2017, khi tâm bão giật cấp 12 quét qua, tất cả lồng bè nuôi trồng thủy sản bằng gỗ ở huyện Vạn Ninh và TX Ninh Hòa (Khánh Hòa) đều bị sóng biển đánh tan, nhưng duy nhất ở vịnh Vân Phong (Vạn Ninh) những chiếc lồng đang nuôi cá chim được thiết kế bằng nhựa theo công nghệ Na Uy chẳng mảy may suy chuyển.

Lồng nuôi theo công nghệ Na Uy

Rạng sáng, chúng tôi có mặt tại cảng Hòn Khói (TX Ninh Hòa) tìm hiểu về những chiếc lồng nhựa có sức chịu đựng bền bỉ sau những trận bão vừa qua. Trên con tàu thép Sea Eagle, ông Phạm Đức Phương, chuyên gia kỹ thuật, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1 cho biết, mô hình nuôi cá chim bằng lồng nhựa theo công nghệ Na Uy được hình hành từ năm 2012, đặt ở vịnh Vân Phong thông qua dự án nâng cao năng lực nghề nuôi cá biển Việt Nam do Cơ quan Hợp tác phát triển Na Uy tài trợ.

Mô hình này nhằm phục vụ tập huấn, đào tạo và diễn đàn công nghệ nuôi lồng biển. Đồng thời triển khai các thử nghiệm, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ nuôi biển theo quy mô công nghiệp.

Ông Phương cho biết thêm, ưu điểm của lồng nuôi theo công nghệ Na Uy là được sản xuất bằng chất liệu nhựa HDPE cực kỳ bền, có độ kín nước, kín hơi cao và có tuổi thọ lớn khi sử dụng.

Ngoài ra, lồng này có khả năng chống lại hóa chất cao và không bị ăn mòn, gỉ sét; đặc biệt có độ uốn dẻo cao nên dễ dàng định hình, không bị gãy khi gặp địa hình gồ ghề hay gấp khúc. Lồng nuôi chủ yếu có 2 kiểu gồm hình vuông và hình tròn, lồng hình tròn thích hợp với nuôi cá biển còn lồng hình vuông thì phù hợp với nghề nuôi tôm hùm.

Mô hình lồng nhựa HDPE theo công nghệ Na Uy được cấu tạo gồm 3 bộ phận chính: khung lồng, túi lưới và neo. Trong đó, khung lồng là một vòng phao nổi làm bằng nhựa HDPE theo hình vuông hoặc tròn.

Lưới lồng là lưới dệt không gút, bền, không bị oxi hóa và có khả năng chống sinh vật bám, được gia cường bởi các dây diềng. Toàn bộ túi lưới được thiết kế, tính toán phù hợp với điều kiện vùng nuôi (lưu tốc dòng chảy, độ sâu…) và với từng đối tượng nuôi.

Còn neo lồng là khối bê tông nặng 4 tấn, dây neo là loại dây PP bằng nhựa có đặc tính chịu được lực căng kéo, chống lại tác hại của dầu mỡ, chống bào mòn.

Theo ông Phương, toàn bộ hệ thống lồng được neo trên biển bằng công nghệ của Na Uy có tác dụng cố định và giảm lực tác dụng của sóng gió lên khung lồng. Do đó, khi gặp sóng to toàn bộ lực tác dụng của sóng gió được hấp thụ qua hệ thống phao chịu lực độc lập, sau đó hệ thống neo tự động điều chỉnh cho lồng lên xuống theo mực nước của sóng biển.

Nhờ những đặc tính trên, hệ thống lồng nuôi này cho phép người nuôi đặt lồng ở những vùng biển xa bờ nơi môi trường nước trong sạch, hạn chế được nguy cơ ô nhiễm, dịch bệnh…

Hơn 1 giờ trên tàu, chúng tôi đã tận mắt thấy được những chiếc lồng còn sống sót sau cơn bão cấp 12 vừa qua. Chỉ tay về cái lồng gần nhất, ông Phương giới thiệu, hiện quy mô nuôi của trang trại rộng khoảng 10ha được lắp đặt, vận hành 8 lồng nhựa HDPE tròn với chu vi 60m, các lồng nuôi được bố trí hợp lý cách nhau 100m.

Tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 12 tỷ đồng, trong đó riêng đầu tư chiếc tàu để vận hành khoảng 4 tỷ. Con tàu này có nhiệm vụ vừa vận chuyển hàng hóa và nhân công, vừa thực hiện công việc nặng như bốc xếp hàng hóa, cẩu lưới và thu hoạch thay cho lao động chân tay nhờ mặt trước boong có lắp đặt cần cẩu lớn.

Tất cả lồng nuôi đều được trang bị lưới 2 lớp loại lưới ni lông không có gút, kích thước mắt lưới dao động từ 8 - 40mm và độ sâu 5 - 8m vì tùy theo kích thước cá nuôi. Mỗi lưới được đánh dấu và có một mã số riêng để quản lý và ghi chép nhật ký sử dụng.

Hiện đối tượng nuôi biển của trang trại chủ yếu là cá chim vây vàng, với quy mô từ 100 - 150 tấn/năm (sản lượng 10 - 15 tấn/lồng). Quy trình nuôi được kiểm soát chặt chẽ từ khâu đầu vào đến đầu ra, sản phẩm đảm bảo ATVSTP.


Tàu vận hành chuyển thức ăn

Thức ăn cho cá hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp, đồng thời lượng thức ăn cho từng lồng được tính toán điều chỉnh 2 tuần/lần. Ngoài ra, mỗi tháng nhân công phải thu mẫu kiểm tra trọng lượng thân cá một lần để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.

Nuôi cá chim vây vàng khoảng 6 đến 7 tháng là có thể thu hoạch. Khi thu hoạch, cá được dùng lưới vây lại để bắt tỉa và thời gian bắt cá đưa lên ướp lạnh không quá 2 phút. Đồng thời, sử dụng nhiệt kế đo thân nhiệt cá khi ở dưới nước đến khi được bắt chỉ dao động từ 0 - 1oC, sau đó mới tiến hành đóng gói.

Nhờ nuôi cá theo quy trình nghiêm ngặt nên hầu hết sản phẩm của trang trại đều xuất sang thị trường Mỹ và Nhật Bản, còn lại khoảng 20% được tiêu thụ tại TP.HCM, với giá từ 120 - 125 ngàn đồng/kg.

Ông Phương cho biết thêm, hiện trang trại chỉ có 6 nhân công làm việc chủ yếu bảo vệ tài sản và cho cá ăn. Dự kiến sắp tới Viện sẽ mở rộng quy mô lắp đặt và vận hành thêm 8 lồng nhựa tròn HDPE để nuôi cá, nâng sản lượng thu hoạch lên 200 tấn/năm.

Làm chủ được công nghệ mới

Ông Phương cho biết thêm, Viện NTTS 1 đã chủ động lắp ráp và vận hành được mô hình nuôi thủy sản bằng lồng nhựa theo công nghệ Na Uy, nhờ vậy giá thành lồng tròn làm ra đã giảm chỉ bằng 1/3 so với nhập khẩu. Hiện, giá sản xuất một chiếc lồng hình tròn theo công nghệ Na Uy chỉ mất 350 triệu đồng (loại lồng 2.500m3) trong khi giá nhập khẩu cùng loại từ Na Uy về phải mất hơn 1 tỷ đồng.


Ông Phạm Đức Phương giúp nhân công thay lưới

Vừa qua, Viện NTTS 1 đã tư vấn cho một số doanh nghiệp tư nhân đang muốn đầu tư nuôi thủy sản trên biển theo mô hình lồng nhựa bằng công nghệ Na Uy với số vốn lên đến hàng chục tỷ đồng.

Ngoài việc kế thừa ứng dụng công nghệ nuôi cá lồng biển tiên tiến của Na Uy, Viện còn có nhiều cải tiến thêm cho phù hợp với điều kiện nuôi theo thực tế ở Việt Nam.

Theo ông Phương, do ở bên Na Uy họ chủ yếu nuôi cá hồi là loại cá nước lạnh, thích ứng khí hậu ôn đới, vùng biển thả nuôi bên đó có độ sâu vài trăm mét. Còn ở Việt Nam là nuôi cá nhiệt đới và vùng nước nuôi có độ sâu cũng chỉ vài chục mét nên lồng nuôi và cách nuôi cũng cần cải tiến cho phù hợp.


Nhân công cho cá ăn

Ông Phương cho rằng, nghề nuôi thủy sản trên biển hiện nay vẫn gặp rủi ro lớn khi thiên tai xảy ra, nhưng đối với mô hình nuôi cá bằng lồng nhựa theo công nghệ Na Uy thì độ rủi ro do thiên tai sẽ giảm đi rất nhiều, thực tế được kiểm chứng qua cơn bão cấp 12 vừa qua.

Với mô hình này người nuôi chỉ cần tập trung đầu tư một lần tuy chi phí cao hơn làm lồng bè bằng gỗ nhưng tuổi thọ của lồng nhựa lên đến 50 năm, còn lưới 7 - 10 năm, nếu tính về lâu dài và khấu hao thì lợi hơn so với lồng bè bằng gỗ nhiều. Ngoài ra, ống nhựa HDPE có trọng lượng nhẹ có thể cắt, lắp ráp và vận chuyển khu vực nuôi khác dễ dàng nếu có nhu cầu…

NNVN