TIN THỦY SẢN

Mỗi tạ rươi mất toi một chỉ vàng…

Đi bắt rươi

Những ngày này, niềm cay cú về nghề vẫn khiến ông Chinh đau đáu với đầm nên cứ rỗi là ông giả bộ vác vợt đi vớt hôi rươi để nghe ngóng, thấy đồn đầm nào muốn bán ông cũng đến thăm dò, hy vọng một ngày nào đó được trở về với nghề “cha sinh mẹ đẻ” của mình…

Mỗi tạ rươi mất toi một chỉ vàng…

“Tháng 9 đôi mươi, tháng 10 mồng năm”, kinh nghiệm đúc kết vậy nhưng thông thường thì mọi năm từ tháng 8 âm lịch đã có rươi. Năm nay ông Giời dở chứng, đến giữa đông mà chưa có đợt mưa rét đậm nào thực sự có thể coi là khí tiết của mùa rươi như truyền thống. Cả tháng 9 âm, các chủ đầm cứ lóc cóc đầu con nước kéo đăng ra, cuối con lại thu vào, thắc thỏm, buồn bực… 


Đóng rươi và… nước vào hộp xốp chờ bán

Đúng là giống ma, đùng một cái nó lên không kịp trở tay…”, ông Bền -  ở xã Tân Trào (Kiến Thụy, Hải Phòng) than thở. Số là nhằm đúng lúc sức chờ đợi đã nản thì rươi lao lên ngùn ngụt vào ngay ngày đầu tiên của con nước tháng 10. Ông Bền cũng như nhiều chủ đầm khác phải tức tốc huy động người đổ ra đầm, quyết tận thu thời khắc hiếm hoi này. May mắn, nước rươi đầu tiên nhà ông Bền thu được gần một tấn, giá bán bình quân được 270 nghìn đồng/kg. “Bỏ két” gần 300 triệu đồng vậy mà ông vẫn ngậm ngùi: “Mọi năm có lúc giá rươi tại đầm được năm sáu trăm nghìn đồng/kg, năm nay bọn Vĩnh Bảo nó phá giá, với lại dân hôi đông quá không giữ được, mất khá nhiều…”.

Theo kinh nghiệm của các chủ đầm Kiến Thụy, vùng cửa sông Vĩnh Bảo nông hơn nên năm nào rươi cũng lên trước. Năm nay rươi có muộn, nhưng ngay từ lúc rộ vụ, giá đã giảm thê thảm, ông Bền ngẩn ngơ: “Mẻ đầu đổ được 310 nghìn đồng/kg, ai dè Vĩnh Bảo nó bán trong phố chỉ có 280 nghìn đồng, mình đành đổ giá 270 nghìn, mỗi tạ rươi mất toi một chỉ vàng…”. Thấy tôi tỏ vẻ khó hiểu, ông Bền hiểu ý giải thích: “Chú tưởng người ta mua hai bảy ra phố bán hai tám là lỗ phải không? Không ai dại thế đâu, cứ 5kg mua dóc, họ đổ thêm 2lít nước, giống rươi nhiều dớt dãi, chỉ một tiếng sau nước lại đặc quánh…”. Thảo nào, nhiều chị em ngoài phố đi chợ về cứ tưởng mua được rươi “khô” lắm, hóa ra người buôn rươi “ăn nước dãi” là chính.

Khôn ngoan chẳng lại với… giời

Tính trên địa bàn 4 xã ven sông Văn Úc, từ Ngũ Phúc đến Đoàn Xá của huyện Kiến Thụy, có khoảng 50 vùng bãi bồi đã được khoanh thầu. Riêng mấy ngày đầu tháng 10 âm lịch, đã có khoảng 20 tấn rươi được thu hoạch, tương ứng với trên 5 tỷ đồng. 


Chợ rươi ở xã Kiến Quốc (Kiến Thụy)

Càng ngày nguồn tôm cá càng kém nên các chủ đầm trông chờ lớn vào rươi, ông Hiền - chủ đầm ở xã Kiến Quốc cho biết, với giá thầu mua lại mấy trăm triệu mỗi năm, nếu không có rươi thì năm nay lỗ nặng. Rươi là giống quái dị, dù kinh nghiệm đến mấy cũng chẳng ai nắm được đúng quy luật của nó, Ông Hiền tâm sự: “Thế nên làm rươi nhiều khi cũng cần phải liều…”. Chẳng hạn như ông Ghênh ở cùng xã, mấy hôm mặc cho các đầm khác tháo nước, ông tửng tưng ngâm đến khi không đầm nào còn rươi nữa, ông mới tháo ra. “Thế mà rươi vẫn lên rào rào, Ghênh nó thu được hơn một tấn, lại độc quyền làm giá được 320 nghìn đồng/kg, cả khu thua nó hết…” - ông Hiền tặc lưỡi tỏ vẻ thán phục.

Từ kinh nghiệm của ông Ghênh, nhiều chủ đầm sông Văn Úc rủ nhau liên hiệp lại, bàn cách định giá, rồi phân công luân phiên ngày thu hoạch, thống nhất là bất chấp “bọn Vĩnh Bảo” ra giá nào, cũng không đầm nào được bán dưới 300 nghìn đồng/kg. Bàn thế, rồi hào hứng chuẩn bị te đăng, thậm chí còn thuê người bắn tin giả làm chủ bao tiêu cho các thương lái biết…

Vậy mà con nước tiếp theo của tháng 10, mặt nước lại lặng tăm, chẳng thấy bóng dáng rươi đâu. Bước sang đầu tháng 11, các chủ đầm tiếp tục hy vọng. Oái ăm thay rươi lên nhưng chỗ có chỗ không, chủ đầm có rươi thì hỉ hả, những chủ không rươi tức tối rút khỏi “liên minh”. Ông Hiền bộc bạch: “Rươi nó là giống ma, Giời cho ai người đó được ăn, khôn ngoan chẳng lại…”.

Mưu tính lắm… oan trái nhiều

Đúng là “khôn ngoan chẳng lại với Giời”, câu nói này vận vào một chủ đầm khác tên là Tần. Ông Tần vốn dĩ chỉ có một khoanh đầm nhỏ, tháng năm cặm cụi cùng vợ con tận thu từng con tép. Năm ngoái có một nữ “đại gia” tên Duyên ngoài quận Dương Kinh gạ mua chung suất thầu đầm bên xã Hùng Thắng (Tiên Lãng). Chưa được nửa vụ thì một hôm đang ở chỗ bà Duyên, ông Tần bị một nhóm người dựng dậy, đòi bàn giao đầm. Thì ra bà Duyên chỉ có mác ảo, vì vỡ nợ mới “chạy” ra lánh nạn, giờ bị lộ nên đành gán cả đầm. Vì việc mua bán chỉ bằng miệng nên ông T. không có bằng chứng gì đi kiện, tiếc của cự lại, bị nhóm chủ mới đánh cho một trận thừa sống thiếu chết. 


Cứ đến mùa, các chủ đầm lại phải rào đầm chặn nạn “rươi tặc”

Không nản chí, ông Tần về lại khoảnh đầm xưa lập kế hoạch mới. Kề với chỗ ông có một đầm rộng 170 mẫu, do người ở huyện khác tên là Nên mới thuê lại với giá 450 triệu đồng, hợp đồng từng năm một. “Tương kế” từ cái họa của mình, một mặt ông Tần bắn tin cho chủ chính sẵn sàng thuê với giá 500 triệu đồng/năm, một mặt ông dùng chiêu “Gà cậy vườn”, quấy phá anh Nên. Thân cô thế cô nơi đất khách quê người, vợ chồng anh Nên đành bỏ cuộc.

Thật đúng như ý, ngay lập tức ông Tần tiếp nhận đầm mới, vay thêm vài trăm triệu mua sắm dụng cụ và tu sửa bờ, lạch, chuẩn bị “hốt của”. Ai dè, thu từ đầu năm mà chưa đủ nửa số tiền trả thầu, ông Tần đặt hết hy vọng vào vụ rươi, lại phải đầu tư thêm mấy nghìn mét lưới vây tường rào quanh đầm để chặn “rươi tặc”.

Nhưng thời gian trôi đi, qua 3 tháng, các đầm khác giết chó mở tiệc đón rươi thì đầm ông Tần vẫn “án binh bất động”. Cách đây mấy ngày, chủ thầu chính lại đến, đưa ra điều kiện nếu ông Tần muốn thuê tiếp năm nữa thì phải tăng giá lên đủ 700 triệu đồng… Ông Tần cùng quẫn, vào đá thùng xốp, ra đạp cột chòi, hễ thấy bóng dáng ai đến là nổi khùng chửi bới…

Chiến đấu trên bàn giấy…

Tình cờ trong chuyến về Kiến Thụy xem rươi, tôi gặp ông Chinh. Với dáng vẻ khắc khổ, nước da đen trũi quá già so với tuổi 50, ông Chinh ngồi gác chiếc vợt vớt rươi trước mặt, ngồi trầm ngâm trên bờ đê. Ông kể, nhà ông mấy đời gắn bó với nghề bọt nước, bản thân ông cũng mới lỡ nghề mấy năm nay. Gọi là đầm, thực chất hầu hết vùng bãi bồi ven sông Văn Úc đã có người cấy một vụ, tiếng là chủ thầu đầm nhưng chỉ khai thác nguồn lợi tự nhiên từ mặt nước. Trước kia ông Chinh trúng thầu một khu đầm rộng hơn 300 mẫu với giá 120 triệu đồng/năm.

Hết hạn 5 năm bỏ thầu lại, người đến đăng ký đông như rươi, phần lớn không phải người biết nghề. Ông Chinh quả quyết rằng, toàn là do cán bộ tiết lộ thông tin để “câu” khách, bản thân ông mỗi lần lấy tin cũng mất tiền triệu, thế mà khi mở thầu ông vẫn thua gói cao nhất đúng 5 triệu đồng, dù giá trúng đã vọt lên tới 610 triệu đồng/năm. Người trúng thầu là em của ông lãnh đạo xã, vị này “mù tịt” về nghề đầm, mới gạ ông Chinh mua lại. Thỏa thuận với nhau 700 triệu đồng/năm nhưng ông Chinh chưa kịp chạy đủ tiền thì anh ta đã gọi được khách khác với giá 780 triệu đồng. “Chỉ cần trúng thầu, nó bỏ túi được ngót hai trăm, mình làm giá cho bọn chim lợn nó ăn…” - ông Chinh buột miệng than.

Khua tay một vòng khắp dải đất, ông Chinh nói: “Ngày trước đồng rộng mênh mông nên cá tôm nhiều, trông chính vào tôm rảo, rươi chỉ là lộc Giời, mấy năm nay giá thầu lên cao, cán bộ địa phương đắp nhỏ lại cho dễ bán, cá tôm cũng cạn kiệt…”. Ông Chinh cam đoan rằng những người trúng thầu hầu hết có quan hệ thân thiết với cán bộ địa phương, rồi mua đi bán lại, có chỗ qua chục tay thầu, thực chất thu về ngân sách chẳng được là bao.

(Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi)

ANHP.VN/Infonet, 15/12/2013