TIN THỦY SẢN

Môi trường nước nhiều vùng nuôi thủy sản chưa ổn định

Người nuôi tôm ở huyện Đông Hòa đang xử lý nước trong ao nuôi - Ảnh: NGỌC NHƯ Ngọc Như

Theo Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản (Sở NN-PTNT), hiện môi trường nước tại nhiều vùng nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh chưa ổn định, chất lượng nước chưa đảm bảo.

Tại các vùng nuôi tôm hùm thuộc thôn Phú Mỹ, xã Xuân Phương và khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên (TX Sông Cầu) có hàm lượng NH3 (amoniac) vượt ngưỡng giới hạn cho phép và dao động từ 0,45-0,48mg/l. Hàm lượng DO (ôxy hòa tan trong nước) tại một số vùng nuôi ở TX Sông Cầu như Phú Dương (xã Xuân Thịnh), Phú Mỹ, Lệ Uyên (xã Xuân Phương), Phước Lý thấp hơn ngưỡng giới hạn cho phép.

Các hộ nuôi nên di dời lồng đến vùng có độ sâu hơn, đồng thời nâng lồng lên, không nuôi theo hình thức găm chìm. Hiện nay hàm lượng ôxy hòa tan tại các vùng nuôi tôm hùm chưa được cải thiện, vẫn còn ở mức quá thấp, trong khi tảo phát triển mạnh trở lại và có nguy cơ thiếu ôxy cục bộ. Người nuôi tôm hùm ở những khu vực này phải thường xuyên lặn kiểm tra để có giải pháp thay đổi độ sâu lồng. Đối với các hệ thống lồng găm còn lại phải nâng lồng cách tầng đáy 2-2,5m nhưng phải cách tầng mặt 1,5m. Tận dụng máy nổ trong quá trình lặn kiểm tra tôm, gắn nối dây khí vào các đá bọt và thả trực tiếp vào lồng nuôi tôm nhằm tăng cường ôxy cho tôm hoặc sử dụng viên ôxy cho vào túi và treo phía trong các góc lồng vào ban đêm.

Các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng ở huyện Đông Hòa như Vũng Tàu (xã Hòa Hiệp Nam), Phước Long, Phước Giang (xã Hòa Tâm), cầu Ông Đại (xã Hòa Xuân Đông) và xã Xuân Cảnh (TX Sông Cầu) có hàm lượng NH3 vượt ngưỡng giới hạn cho phép. Hệ thống nước ngầm các vùng này đang có nguy cơ ô nhiễm, người nuôi tôm cần tăng cường sục khí cho ao nuôi, sử dụng các chế phẩm sinh học, cấy men vi sinh định kỳ 1 lần/tuần để ổn định pH. Định kỳ siphon loại bỏ chất hữu cơ trong ao nhằm giảm hàm lượng NH3 ở đáy ao.

Qua lấy mẫu tại ao giám sát đại diện ở xã Xuân Cảnh có hàm lượng NO2 (nitơ dioxit) vượt ngưỡng giới hạn cho phép nên có nguy cơ bị ô nhiễm. Người nuôi phải thường xuyên kiểm tra định kỳ chất lượng nước trong ao, cần xử lý lượng thức ăn thừa, phân tôm và xác phiêu sinh vật. Tại vùng nuôi Mỹ Phú, xã An Hiệp (huyện Tuy An) và trong ao nuôi tôm thẻ tại xã Xuân Cảnh có hàm lượng PO4 (phot phat) vượt ngưỡng giới hạn cho phép. Nguồn nước cấp tại khu vực này có nguy cơ phú dưỡng hóa ở thủy vực và sự phát triển của các loài tảo, vi tảo trong thời gian tới là rất cao, cần xử lý nước định kỳ nhằm giảm hàm lượng PO4 dưới ngưỡng cho phép.

Các hộ nuôi cần kiểm tra các thông số môi trường định kỳ nhằm giúp cho tôm nuôi tránh bị stress. Tại ao nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Xuân Cảnh và vùng nuôi Phước Lý có hàm lượng H2S (hydro sulfua) vượt ngưỡng giới hạn cho phép. H2S càng độc hơn khi pH hạ thấp, tuy nhiên H2S dễ bay hơi nên người nuôi cần tăng cường sục khí và cung cấp ôxy cho đáy ao để loại trừ H2S … Người nuôi tôm nên thả tôm với mật độ vừa phải, bổ sung khoáng vi lượng, vitamin và xử lý vi sinh định kỳ nhưng rút ngắn thời gian giữa hai lần xử lý nhằm làm sạch đáy ao, tăng sức đề kháng cho tôm.

Ngọc Như Báo Phú Yên