TIN THỦY SẢN

Mong ước lũ xưa - Kỳ cuối: Thăng trầm trên miệng “thủy thần”

Cá linh được bạn hàng cân bán lẻ tại chợ Bài, ảnh: Lưu Mỹ

Xuôi dòng dòng sông Hậu, sông Tiền và các nhánh sông chảy về hạ lưu, khung cảnh người dân khai thác cá tôm không còn chộn rộn như trước. Những giàn đáy cá linh đóng cọc trên các cửa sông cũng hoạt động thăng trầm theo con nước.

Cá mắm giảm mạnh

Từ lâu, nghề đóng đáy trên miệng “bà thủy” của cư dân miệt sông nước ĐBSCL nói chung và bà con ở An Giang nói riêng lắm gian truân, vất vả. Qua bao mùa lũ, họ đã truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hình ảnh đáy cá sông sâu, chảy xiết vốn dĩ ăn sâu vào tiềm thức của dân nghèo vùng lũ. Ở đầu ngã ba sông Dung Thăng (An Phú), gặp ông Nguyễn Văn Hải (56 tuổi) nằm lắc lư trên ghe dõi theo miệng đáy. “Năm nay cá mắm ra sao chú?, tôi hỏi. Ông Hải lẹ miệng nói: “Cá mắm bỏ mình rồi chú em ơi!”.

Vào tháng 5 âm lịch, ông Hải đã được trúng thầu tại luồng đáy nhất tại đầu ngã ba sông Dung Thăng, với giá 351 triệu đồng. Những tưởng năm nay, cơn lũ tràn về mang lại nguồn lợi cá, tôm nhiều. Nhưng, đã qua gần 3 tháng ròng, vậy mà luồng đáy nhất “chạy” ít cá, tôm. Hôm rồi, nghe người ta đồn, tại đầu nguồn nhiều luồng đáy dính rất nhiều cá linh và có hộ phải bơi xuồng ra để rọc túi đáy thả cá vì sợ bể đáy, ông Hải chửi đổng: “Trong nghề với nhau mà mấy cha đó nói láo quá trời. Cá linh không đủ ăn, lấy đâu ra nhiều đến mức phải rọc túi đáy thả ra sông như vậy. Hiện tại, luồng đáy của tôi mỗi ngày dính khoảng 200-300kg cá linh là cao tay lắm rồi!”.

Cánh đồng biên giới ven biên, gốc rạ và lúa chét còn bạt ngàn. Nước mới ngấp nghé đồng, thấy mòi năm nay thất mùa cá linh, ông Hải thở dài: “Tôi thuê 6 người canh đổ đáy, bình quân mỗi tháng trả 18 triệu đồng tiền công. Trong khi đó, mỗi ngày tôi bán cá chỉ được khoảng 500.000 đồng, coi như lỗ đứt bóng”. Hiện nay, cá linh đang lớn độ khoảng ngón tay, bạn hàng cân bán tại chợ từ 10.000-15.000 đồng/kg. Còn cá linh ủ mắm chỉ bán được 5.000 đồng/kg. Theo ông Hải, năm nay người dân phía bạn Campuchia cũng tranh thủ đặt đáy tại các cửa sông nên sản lượng cá linh tại biên giới giảm rất mạnh.

Đừng trông chờ vào lũ

Ông Hải kể, khoảng chục năm trước, khi mùa lũ về thì những giàn đáy nhất, nhì, ba tại sông Dung Thăng bội thu, bởi cá linh “chạy” nhiều vô kể. Người ta đong bằng giạ, chứ không cân ký như bây giờ. “Đến con nước mùng mười tháng mười âm lịch, mùa cá đồng ra sông, luồng đáy của tôi “chạy” đầy bầu. Nếu đổ không kịp, cá chết phải đem ủ mắm. Ủ khi nào hết lu, khạp thì chuyển sang làm phân bón cây ăn trái. Ôi thôi, cá là cá. Ngày trước, cá linh cho người ta chẳng thèm ăn. Dân nghèo ăn toàn cá lóc, cá rô, tôm… không hà” - ông Hải nhớ lại.

Nghề đóng đáy rất cực, suốt ngày cứ lầm lũi trên sông. Khi làm nghề này, mọi người còn phải hết sức kỹ lưỡng đến từng lời ăn, tiếng nói. Quan sát thấy tại đầu giàn đáy có đặt một thanh tre giống bàn thiên trước nhà, chúng tôi thắc mắc thì những người đổ đáy giải thích, đó là cây xôm dùng để thắp hương khấn vái “bà cậu” độ cho làm ăn thuận lợi, cá “chạy” đầy xuồng. Ba Đông (Nguyễn Văn Đông) đóng giàn đáy thứ hai, nói: “Làm nghề sông nước, dân trong nghề tin tưởng “bà cậu” dữ lắm! Vào những ngày cá ra như mùng 10 tháng 10 và con nước 25 tháng 10 âm lịch, mỗi ngày miệng đáy hứng khá nhiều cá linh. Lúc này, anh em đổ đáy không kịp nghỉ tay”. Rồi nhìn về dòng lũ kiệt, ba Đông than đăm chiêu: “Bận trước, cách khoảng 1 tiếng đồng hồ là đổ một lần. Cá trúng chạy vài đêm là lấy vốn ngay. Khi lấy vốn được, người chủ luồng đáy phải khấn vái, cầu nguyện và cúng “bà thủy” nguyên con heo tại đầu miệng đáy. Đây được xem là “thủ tục” không thể thiếu trong nghề đóng đáy, thể hiện sự biết ơn “bà thủy” đã cho nguồn sinh lợi. Còn năm nay, cá ít dân làm đáy buồn lắm!”.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nguyễn Hoàng Huy nói rằng, vào thời điểm này các năm trước, lượng mưa nhiều nên nước dâng cao. Còn năm nay, lượng mưa thấp lũ kiệt, nguồn lợi thủy sản giảm mạnh. Khoảng tháng 11, sẽ huy động các kỹ thuật viên ở các xã, phường để khảo sát tình hình đánh bắt thủy sản của bà con, rồi mới biết rõ được sản lượng cá đồng giảm bao nhiêu so với mọi năm. Còn theo ba Đông nắm bắt thông tin từ những người bạn đổ đáy trên Campuchia thì nguồn cá nước bạn cũng giảm do mực nước lũ năm nay quá thấp. Nước trên đồng rất cạn, không có chỗ để cá sinh sôi và trú ẩn. Còn những bạn hàng thường cân cá linh đáy tại các luồng đáy ven biên cho hay: “Mùa lũ năm nay, nguồn cá linh, cá rô, cá lóc giảm hơn phân nửa mọi năm. Nghe người dân Campuchia cho biết, phía Trung Quốc xây dựng nhiều đập thủy điện ngăn nước nên lũ không về vùng hạ lưu. Tương lai không xa, hình ảnh lũ sẽ đi vào dĩ vãng”.

Những năm tiếp theo, để ổn định cuộc sống bà con nghèo không đất sản xuất, rất cần ngành chức năng và địa phương quan tâm đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chứ không thể trông chờ vào mưu sinh mùa lũ…

Thạc sĩ Trần Anh Thư, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói rằng, lũ kiệt do Trung Quốc xây nhiều đập thủy điện ở thượng nguồn Mê Kông tích nước. Nguyên nhân thứ hai do ảnh hưởng của hiện tượng Lanina nên lượng mưa lưu vực Mê Kông giảm mạnh. Trong trường hợp này, các đập thủy điện ở thượng nguồn phải dự trữ nước dẫn đến hiếm nước ở hạ lưu. Do đó, sản lượng thủy sản giảm mạnh, cuộc sống của bà con nghèo bị ảnh hưởng đáng kể. “Lũ thấp, ngành Nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng. Đặc biệt, lúa mùa nổi sẽ bị thất mùa. Vệ sinh ruộng đồng kém, nguy cơ xuất hiện sâu, bệnh là rất cao. Nếu từ nay đến cuối tháng 9 âm lịch xuất hiện nhiều mưa bão, khi đó các đập thủy điện sẽ xả lũ, nước Mê Kông sẽ dâng rất nhanh” - Thạc sĩ Trần Anh Thư lo lắng.

Bài, ảnh: Lưu Mỹ Báo An Giang, 02/12/2015