Một đêm với Tân Mỹ
Từ đằng xa, từng chiếc thuyền nan nhỏ nối đuôi nhau băng sóng, vượt gió chạy vào bờ sau ngày dài lênh đênh đánh bắt. Bãi biển Tân Mỹ thật nhộn nhịp với hàng trăm người dân, trong đó phần lớn là những chị em phụ nữ. Họ đến đây để chờ đón người thân đi biển về, có người đến để kiếm việc làm thêm, thu mua hải sản... Những con tàu đánh cá của ngư dân Tân Mỹ cập bến. Trên thuyền dưới bến náo nhiệt hẳn lên.
Chiều này rảnh không ghé về tao chơi? Tân Mỹ mùa này vui lắm… Nhớ về sớm, để còn kịp chuyến “ra khơi”…!”, Hiếu – một người bạn của tôi thúc giục qua điện thoại. Tôi đồng ý ngay, bởi Tân Mỹ (Quảng Ngạn, Quảng Điền) mùa này tôm cá nhiều lắm.
Rộn ràng đêm Tân Mỹ
Vượt gần 20 km, qua bến đò Vĩnh Tu, ngược lên phá Tam Giang cuối cùng cũng đến nơi. Trời lúc này đã nhá nhem tối. Cơm nước xong, Hiếu vội vàng rủ tôi đi chuẩn bị dụng cụ để kịp chuyến “ra khơi”. Hiếu tiết lộ, tối nay sẽ cho tôi một trải nghiệm thú vị với “tiết mục” câu mực trên biển. Tôi tò mò: “Ban đêm sao câu mực được?”. Hiếu ranh mãnh: “Đừng nóng vội, cứ từ từ rồi biết”. Hai thằng tôi, đứa cầm đèn bình ắc-quy, vai mang vợt, đứa cầm mồi, cần câu tiến về phía biển. Mấy đứa nhỏ trong xóm í ới gọi bạn. Chỉ một lúc sau, người đi câu mực túa ra đường làm huyên náo cả xóm. Đèn đuốc lập lòe, nhấp nháy như một thị trấn về đêm. Biển mùa này khá êm. Nhìn ra khơi chỉ lăn tăn con sóng bạc đầu. Trên bến, dưới thuyền thợ câu mực nói cười rôm rả, họ hè nhau cùng khuân thuyền ra biển.
Trong đám thợ câu, Hùng thuộc loại “con nhà nghề”, có tay “sát ngư” nhất vùng. Hơn 10 năm lênh đênh trên biển, trong tay không hề có la bàn, máy định vị nhưng chỉ cần nhìn theo hướng gió, theo dòng hải lưu luân chuyển, anh biết nơi nào có nhiều mực, tôm, cá… Hoặc nhìn màu nước biển, anh biết con nước sâu hay cạn, ấm hay lạnh để xác định địa điểm đánh bắt. Hùng cho biết: “Cứ vào khoảng cuối tháng 6, đầu tháng 7 hằng năm khi biển êm là tôm, cá theo dòng hải lưu về vùng biển Tân Mỹ để kiếm ăn và sinh sản”. Nắm bắt quy luật này, các ngư dân nơi đây chuẩn bị thuyền, dụng cụ ra khơi.
Thuyền ra đến địa điểm được chọn, cánh thợ câu lần lượt buông cần. Hùng đưa cho tôi coi chiếc cần câu. Đó chỉ là một chiếc cần câu thô sơ buộc sợi dây cước gắn lưỡi câu chùm nhọn hoắt, phía trên có một vật nhỏ hình con tôm làm bằng nhựa phát quang. Xong, Hùng ném cần câu xuống biển. Anh nói: “Đặc tính của mực là thích đến gần những nơi có ánh sáng. Lúc này, việc cần làm là chiếu đèn nê-on xuống rồi buông câu theo luồng sáng đó và cứ thế mà luôn tay giật. Khi nào thấy nặng tay nghĩa là mực đã mắc câu…”.
Đêm dần khuya, chúng tôi chèo thuyền vào bờ với những “chiến lợi phẩm” thu được. Tôi và Hiếu cùng một số người dân trong thôn còn tham gia một chuyến đánh bắt… trên bờ. Đây là phương pháp phổ biến để đánh bắt các sản vật gần bờ. Dụng cụ là chiếc lưới rồng, rộng chừng 2-3m, dài ngắn tùy từng chiếc, có khi đến cả chục kilômét. Lưới sẽ được giăng từ trong đêm. Đến thời điểm mặt trời mọc, tôm cua cá bắt đầu ngoi cao trên mặt nước hít thở oxy, đó cũng là lúc thích hợp để kéo lưới.
Rong ruổi theo thuyền câu trên biển tôi mới biết được lòng kiên nhẫn và sự kiên trì của người dân nơi đây. Phải đâu, buông cần xuống là bắt được tôm, cá ngay. Tuy nhiên, câu mực đêm mang lại cho tôi một cảm giác thật kỳ lạ, vừa thử lòng kiên nhẫn, vừa hào hứng với những hải sản tươi rói, còn được cảm nhận cái chòng chành của thuyền thúng trên mặt sóng lẫn không gian của biển đêm bao la.
Nỗi lòng xóm… biển
Đêm Tân Mỹ đầy sao, gió biển thổi vào mát rượi khiến lòng người thật dễ chịu, khoan khoái vô cùng. Trong cuộc nhậu đầy tôm, cá, mực luộc bên bếp lửa hồng, Hiếu và những người dân trong thôn thay nhau kể về cuộc sống nơi đây. Hiếu kể: “Trong số những người trên thuyền đó, người nào cũng có người thân đi Mỹ, nhưng họ vẫn đi biển mỗi ngày, hiểm nguy vẫn không từ bỏ”. Nghề đi biển vốn khó khăn, khắc nghiệt và không ít lần bị sóng gió uy hiếp, thế nhưng những con tàu của ngư dân Tân Mỹ vẫn tự tin bám biển mưu sinh. Nhấp tiếp một chén rượu tôi quay sang hỏi người ngồi cạnh mình: “Lam lũ thế, lại có tiền nước ngoài gửi về tại sao không đổi nghề hoặc bỏ nghề biển cho… đỡ khổ?”. “Biển cho cá như rứa dại chi mà không lấy !”. Anh ta cho biết, tiền cha mẹ, anh em gửi về có nhiều đến mấy thì tiêu cũng hết. Dù biển động hay mất mùa, nếu bám biển đều đều, mỗi tháng cũng thu nhập được 3-5 triệu. Số tiền đó để cho con cái học hành, con cái vừa được cái chữ, gia đình lại góp được ít vốn sau này cho con làm ăn. Cũng theo lời anh ta, cách đây 10 năm cá, tôm ở biển Tân Mỹ nhiều lắm nhưng giờ đây vô cùng khan hiếm.
Trước đây, “chỉ cần đánh bắt gần bờ cũng kiếm được khối tiền” nhưng giờ đây dù đánh xa bờ có khi còn “lỗ vốn”. Đó là chưa kể lúc gặp phải chuyện rủi ro, hay gặp lúc sóng to gió lớn có khi còn bỏ mạng chẳng chơi. Hiếu nói: “Giờ người ta không đánh bắt cá bằng lưới bình thường nữa đâu, chủ yếu là dùng xung điện hoặc lưới mắt nhỏ nên dù con tép cũng không thoát được”. Có lẽ vì điều này mà tôm cá nơi đây ngày càng khan hiếm. Hiếu bàn với mọi người cùng góp vốn kinh doanh hoặc làm một nghề khác chứ tình hình này ít năm nữa dù đánh bắt xa bờ cũng không có tôm, cá mà bắt.
Sáng, tôi uể oải thức dậy sau một đêm vui thú và mệt nhọc thì đã nghe lao xao ngoài bến. Mặt trời đã nhô lên khỏi mặt biển, báo hiệu một ngày mới lại bắt đầu, tôi vội vàng lao mình ra phía biển. Bầu trời vẫn trong xanh, cao lồng lộng. Từng con sóng nhẹ xô vào bờ cát. Bãi biển nơi đây vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, thuần khiết, nước biển trong xanh nổi bật trên nền bãi cát trắng phẳng lỳ chạy dọc bờ, tuyệt không thấy rác hay nilon như các bãi biển khác. Từ những khoang cá, từng thùng cá được vận chuyển vào bờ và những nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt của những ngư dân, dù nghề đi biển vẫn còn đó nhiều khó khăn, vất vả.
Chia tay Tân Mỹ, chia tay những cảnh vật và con người hiền hậu, hiếu khách nơi đây, tôi mong ước một ngày nào đó sẽ quay trở lại. Thế nhưng, trên đường về trong lòng tôi vẫn trĩu nặng một nỗi niềm lo sợ, liệu lần sau quay về có còn được đi câu mực, còn được đi đánh cá hay trông thấy cảnh họp chợ sớm trên bãi biển như vậy nữa không, khi công cụ đánh bắt hải sản ngày càng một hiện đại và như muốn “tận diệt” cá tôm?.