Nam Định: Đa dạng đối tượng nuôi thủy sản
Để đảm bảo phát triển nuôi thủy sản phù hợp với tiềm năng và trình độ người nuôi, ngành chức năng đã chủ trương khuyến khích đa dạng hóa đối tượng nuôi, chú trọng các loại con nuôi có giá trị kinh tế cao.
Đa dạng đối tượng nuôi, góp phần nâng cao năng suất và sản lượng. Sản lượng nuôi thủy sản toàn tỉnh tăng từ 82.824 tấn (năm 2016) lên 90.029 tấn (năm 2017). Nuôi thủy sản nước ngọt với diện tích hơn 9.000ha, các đối tượng nuôi chủ yếu là các loại cá truyền thống, cá diêu hồng, cá lóc bông… Nuôi thủy sản mặn lợ với diện tích nuôi hơn 6.000ha, các đối tượng chủ yếu là tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ngao, cua biển, cá bống bớp, cá song… Tôm sú, tôm thẻ chân trắng chủ yếu được nuôi với hình thức thâm canh, bán thâm canh và ngao nuôi ở vùng bãi triều ven biển…
Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã và đang áp dụng nhiều hình thức đa dạng hóa nuôi thủy sản như nuôi kết hợp, xen ghép nhiều đối tượng trên cùng một đơn vị diện tích nhằm tận dụng những đặc điểm sinh học của các đối tượng đó như “thiên địch” để hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất, như nuôi cá nước ngọt kết hợp với nuôi tôm thẻ chân trắng, hay nuôi tôm sú xen ghép với cá song, cá vược, cá bống bớp…
Ngoài ra, một số đối tượng thủy sản như ba ba, lươn, chạch đồng… cũng được người dân trong tỉnh quan tâm nuôi thả, đem lại thu nhập cao. Huyện Hải Hậu có hơn 4.000ha nuôi thủy sản nước ngọt với nhiều đối tượng như các loại cá truyền thống, cá diêu hồng, cá lóc bông. Thủy sản mặn lợ chủ yếu vẫn là tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ngao… Huyện cũng có 9 cơ sở lớn sản xuất giống thủy sản: ngao, cá mú, các loại cá nước ngọt, đáp ứng đủ nhu cầu của người nuôi trên địa bàn huyện và các địa phương khác.
Vài năm trở lại đây, tại xã Hải Phúc và Thị trấn Thịnh Long nhiều hộ dân sản xuất thành công hàu giống và đang được nhân rộng, đem lại hiệu quả kinh tế cao, thúc đẩy phát triển nuôi hàu thương phẩm - đối tượng nuôi có giá trị kinh tế lớn, đồng thời góp phần khẳng định thế mạnh, năng lực sản xuất giống thủy sản của tỉnh.
Tuy không phải là đối tượng nuôi mới nhưng nghề nuôi ếch Thái Lan đem lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Ông Nguyễn Văn Tân, xóm 7, xã Hải Ninh (Hải Hậu) là người tiên phong đưa giống ếch Thái Lan về nuôi và đạt được hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, ông chỉ tập trung sản xuất con giống để đáp ứng nhu cầu nuôi thương phẩm của bà con trong và ngoài tỉnh. Mỗi năm, trung bình ông Tân cho sinh sản tới 1 tỷ con giống nhưng số lượng này vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu nuôi thương phẩm.
Đồng chí Đỗ Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu cho biết: Ngoài những biện pháp như quản lý giống thủy sản đầu vào, quy hoạch, nâng cao các biện pháp kỹ thuật, tăng cường công tác phòng trị bệnh… huyện xác định phát triển đa dạng các đối tượng nuôi theo từng điều kiện của các địa phương, các xã được xem là một giải pháp vừa rẻ tiền và hiệu quả kinh tế cao đảm bảo ổn định bền vững.
Bên cạnh huyện Hải Hậu thì huyện Giao Thủy có lợi thế đường bờ biển dài 32km, có hai cửa sông lớn là sông Hồng và sông Sò, cùng với vùng đất bãi bồi ven biển, đã tạo lợi thế để người dân trong huyện phát triển đa dạng các đối tượng nuôi thủy sản mặn lợ có giá trị tiêu biểu như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển, cá bống bớp, ngao… Ngoài ra, với quan điểm tìm kiếm đối tượng nuôi thuận lợi tiêu thụ, trong năm 2017, tại xã Bạch Long (Giao Thủy), một số hộ dân đã nuôi thương phẩm thành công cá kèo, một loại cá đặc sản của vùng đất Nam Bộ. Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cơ quan chức năng cũng như sự tìm tòi học hỏi không ngừng của người dân nên đây có thể coi là một thành công mới trong việc phát triển nuôi đa dạng giống thủy sản của tỉnh.
Thời gian tới, Sở NN và PTNT tiếp tục khuyến khích và tìm kiếm cơ hội đầu tư phát triển hạ tầng cho các vùng nuôi tập trung; khuyến khích phát triển phương thức nuôi công nghiệp, áp dụng quy trình chuẩn thực hành nuôi tốt, từng bước áp dụng công nghệ cao đảm bảo an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường; tạo điều kiện, khuyến khích các hộ dân, doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, phát triển đa dạng các đối tượng nuôi thủy sản.