TIN THỦY SẢN

Nam Định: 'Thay da đổi thịt' nhờ nuôi cá vùng ven đê

Ao nuôi cá ven đê sông Đáy của hộ anh Tạ Văn Hoàn, xóm Tự Do, xã Yên Chính (Ý Yên). Bài & ảnh: Thanh Hoa

với chủ trương chuyển đổi cơ cấu sản xuất cho phù hợp của các địa phương, những vùng đất này đã “thay da đổi thịt” với những khu nuôi thủy sản đan xen trong vườn cây trái xanh mướt, những ao cá vuông vắn, rộng rãi, kiên cố, cá quẫy lao xao…

Nuôi thủy sản ở vùng ven đê, người nuôi không những tận dụng được diện tích đất bãi ven sông rộng rãi mà còn có lợi thế về nguồn nước dồi dào nên nước tại các ao nuôi được trao đổi thường xuyên, sạch, không bị ô nhiễm, hạn chế rủi ro bị dịch bệnh. Chính vì vậy nghề nuôi thủy sản vùng ven sông trong nhiều năm trở lại đây phát triển ổn định, mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho người dân.

Xã Trực Chính (Trực Ninh) có trên 50 hộ nuôi thủy sản vùng ven đê. Trước kia, người dân trong xã chủ yếu chỉ trồng dâu nuôi tằm ở vùng ven sông Ninh Cơ. Khi nghề dâu tằm khó khăn, địa phương có chủ trương chuyển đổi sản xuất, người dân đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư cải tạo ruộng dâu sang nuôi thủy sản. Bằng sự chăm chỉ, cần mẫn, không ngại khó khăn, vất vả, đời sống của những hộ nuôi thủy sản vùng ven sông trên địa bàn xã Trực Chính ngày càng ổn định và khấm khá.

Tiêu biểu như gia đình các ông: Mai Văn Nghiêm, Mai Văn Chiến, Nguyễn Tuấn Long… có diện tích lên tới 6-7 mẫu ao nuôi các loại cá nước ngọt truyền thống cho thu nhập trung bình mỗi năm lên tới 600-700 triệu đồng; thị trường đầu ra khá ổn định, chủ yếu các thương lái đến thu mua tại ao.

Ngoài nuôi cá, vì có nguồn nước tưới tiêu thuận lợi nên người dân còn có thể tận dụng diện tích xung quanh ao để trồng cây ăn quả, cây rau màu. Huyện Ý Yên có khoảng 1.000ha diện tích đất bãi ven sông Đào, sông Đáy, là điều kiện tự nhiên thích hợp để nông dân phát triển nuôi thủy sản.

Các đối tượng nuôi chính là các loại cá truyền thống như trắm, chép, trôi, mè và một số đối tượng nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao như cá diêu hồng, trắm đen, rô đồng… Xã Yên Chính là một trong những xã có vùng nuôi thủy sản ven đê đạt hiệu quả cao với khoảng 100 hộ nuôi.

Gia đình anh Tạ Văn Hoàn, xóm Tự Do có 5 mẫu ao nuôi cá nước ngọt. Mỗi năm, gia đình anh thu hoạch được 8 tấn cá với lãi suất lên đến hàng trăm triệu đồng. Anh Hoàn cho biết: “Trước kia vùng đất này chỉ cấy lúa, hiệu quả kinh tế thấp, dù cố gắng chăm bón cách nào cũng chỉ thu được từ 1-2 tạ thóc/sào. Nhiều năm trở lại đây, nhờ chủ trương đổi mới sản xuất, người dân chúng tôi có cơ hội khai thác lợi thế của vùng đất bãi ven sông để phát triển nuôi cá truyền thống. Nuôi cá ở vùng ven đê ít bị dịch bệnh hơn hẳn so với những vùng nội đồng khác vì nguồn nước luôn dồi dào và sạch. Sau cơn bão số 10 vừa qua, tôi tích cực xử lý nguồn nước, liên tục bơm nước trong ao ra rồi lấy nước từ sông vào thau rửa cho đến khi thấy nguồn nước trong ao nuôi sạch. Vì vậy đàn cá của tôi hiện rất khỏe mạnh”.

Còn ở huyện Mỹ Lộc, ngoài nuôi cá trong ao tại các xã Mỹ Hà, Mỹ Thắng… thì người dân xã Mỹ Tân còn tận dụng nguồn nước sông Hồng để nuôi cá lồng đạt hiệu quả kinh tế cao. Nhờ có dòng nước lưu thông trên sông nên người nuôi cá lồng không phải lo lượng thức ăn thừa, phân cá lưu trữ trong lồng gây ô nhiễm môi trường. Hơn nữa lợi thế dòng nước sông liên thông liên tục còn cung cấp đủ lượng ô-xy cho cá khi nuôi với mật độ cao.

Bài & ảnh: Thanh Hoa Báo Nam Định