Ngành tôm khó khăn nhất do nuôi nhỏ lẻ
Số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu tôm trong 8 tháng đầu năm 2023 đạt 2,2 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022. Hiện đã xuất hiện một số tín hiệu tích cực để phục hồi nhưng việc nắm cơ hội để phát triển vẫn gặp khó khăn lớn ở thực trạng nuôi nhỏ lẻ.
Xuất khẩu giảm đều trong 8 tháng
Để hình dung khó khăn trong xuất khẩu tôm thời gian qua, VASEP phân tích hoạt động của 12 doanh nghiệp hàng đầu chiếm gần 50% kim ngạch xuất khẩu ngành tôm.
Hầu hết các thị trường giảm mạnh, bình quân giảm từ 10 – 65%, trừ một số thị trường nhỏ như Thụy Sỹ, Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc) có tăng ít. Nhóm các thị trường chính giảm mạnh nhất là EU giảm 48%, kế đến là Mỹ và Hàn Quốc giảm 30%, khối CPTPP giảm 34% (trong đó Nhật Bản giảm 29%), Trung Quốc giảm 6,4%. Từ đầu năm 2023 đến tháng 8, xuất khẩu tôm giảm đều ở các tháng so với năm 2022.
Gần đây thị trường có dấu hiệu tăng trưởng, đặc biệt tại thị trường Mỹ nhưng vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi rõ rệt.
Khi các doanh nghiệp hàng đầu xuất khẩu đã khó khăn như thế thì những doanh nghiệp nhỏ chiếm đa số trong ngành càng khó khăn hơn.
Mới 8,2% cơ sở nuôi tôm có mã số
Cục Thủy sản cho biết, đến nay số cơ sở nuôi tôm nước lợ được cấp mã số nhận diện mới đạt 8,2% (29.607/360.762 cơ sở). Địa phương cấp được mã số nhận diện cho cơ sở nuôi tôm nhiều nhất là tỉnh Kiên Giang cũng chỉ đạt 58,2% (20.329/34.937 cơ sở).
Việc xác nhận đăng ký nuôi và cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, phục vụ công tác quản lý nhà nước (chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ sản phẩm) theo quy định của Luật Thủy sản được thực hiện từ năm 2019, phân cấp cho địa phương triển khai thực hiện. Kết quả đến nay, tổng hợp báo cáo của 46/63 tỉnh: Đã rà soát 41.335 cơ sở (chiếm 11,5% tổng số cơ sở) và trong đó chỉ có 29.607 cơ sở (71,6% cơ sở được rà soát) đạt, còn 11.728 cơ sở (chiếm 28,4% cơ sở được rà soát) không đạt.
Tình hình cấp mã số cơ sở nuôi tôm nước lợ hầu như không tiến triển trong mấy năm qua, đánh giá của Cục Thủy sản, do thực trạng nuôi nhỏ lẻ. Hạn chế này cũng dẫn đến kết quả đến nay còn khoảng 40% cơ sở giống chưa được kiểm tra cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng theo quy định của Luật Thuỷ sản nhưng vẫn được cấp chứng nhận kiểm dịch, ẩn chứa nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh.
Giá thành cao và khó khăn cuối năm
Nuôi nhỏ lẻ cũng là một nguyên nhân dẫn đến giá thành nuôi còn cao bởi chủ cơ sở thiếu vốn, phải mua chịu vật tư đầu vào với lãi suất cao. Một phân tích cho hay, người nuôi nhỏ lẻ một vụ cứ 1.000 kg thì giảm lợi nhuận 29.500.000 đồng vì sự phụ thuộc trên.
Thực tế vừa qua, giá mua tôm thẻ tại ao dao động từ 76.000 -115.000 đồng/kg tương ứng cỡ tôm 100-40 con/kg, trong khi chỉ tính chi phí thức ăn nuôi tôm đã từ 67.000-82.000 đồng/kg, chưa kể chi phí khác. Vì vậy, hiện nay người nuôi tôm chưa có lãi, thậm chí lỗ.
Gần đây xuất hiệu tín hiệu phục hồi một số thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc khi doanh số xuất khẩu tôm liên tục tăng. Tuy nhiên, nguyên liệu giá cao, khó truy xuất nguồn gốc đang là những cản trở phát triển.
Báo cáo mới đây của Cục Thủy sản: “Tỷ lệ cơ sở nuôi có mã số nhận diện thấp dẫn đến khó khăn trong truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu của thị trường đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU”. Hôm 9/9/2023, VASEP cho biết khó khăn trong xuất khẩu những tháng cuối năm là nguồn nguyên liệu: “Chí phí đầu vào cao, diện tích nuôi khó mở rộng, hệ thống quản lý vùng nuôi chưa hoàn chỉnh và tỷ lệ ao nuôi đạt chứng nhận quốc tế thấp so với diện tích nuôi dẫn đến sản lượng nuôi thấp, giá thành cao”.