Ngư dân đóng tàu vỏ thép không trả được nợ: Làm sao để tháo gỡ?
Thật xót xa khi nhiều ngư dân đóng tàu vỏ thép 67 đều là người giỏi nghề, có kinh nghiệm đi biển, từng làm ăn hiệu quả nay trở thành con nợ xấu, thậm chí phá sản.
Số tàu cá đánh bắt xa bờ tăng nhưng nợ xấu chiếm tỷ lệ cao
Sau gần 8 năm triển khai thực hiện, Nghị định 67 đã chứng minh đây là chủ trương đúng đắn về mục tiêu hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ, hỗ trợ mạnh mẽ và toàn diện để phát triển ngành thủy sản. Bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định với việc hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển sản xuất. Nhiều chủ tàu đánh bắt hiệu quả, trả nợ đúng hạn.
Đội tàu cá đánh bắt xa bờ từ 22.000 chiếc (năm 2014) đã tăng lên trên 31.000 tàu (năm 2021) với công suất lớn, trang bị hiện đại về kỹ thuật công nghệ. Trong số hơn 9.000 tàu cá xa bờ tăng thêm có 1.070 tàu cá đóng mới và 146 tàu cá nâng cấp thực hiện theo chính sách tại Nghị định 67.
Đây là con tàu nặng nhất trong số các con tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 tại miền Trung. Ảnh: LA-ĐH
Số lượng tàu khai thác gần bờ giảm trên 13%, số lượng tàu cá khai thác xa bờ tăng trên 20% so với năm 2014. Tai nạn tàu cá giảm đáng kể; góp phần bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển; nhiều mô hình liên kết sản xuất trên biển đã hình thành và phát triển.
Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, đến cuối năm 2021, tổng dư nợ còn 9.520 tỷ đồng của 1.132 tàu, trong đó nợ xấu là 6.397 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 67,2%.
Xót xa ngư dân đóng tàu vỏ thép 67 trở thành con nợ xấu
Tại Quảng Nam - địa phương vốn có thế mạnh về nghề khai thác thủy sản xa bờ đã vào cuộc quyết liệt và đã đóng mới được 63 tàu, tổng nguồn vốn được giải ngân là hơn 700 tỷ đồng, trong đó có 36 tàu cá vỏ thép. Sau hơn 5 năm được đóng mới, phần lớn các tàu cá vỏ sắt làm ăn không hiệu quả, nằm bờ và hoen rỉ và đang bán thanh lý với giá bán phế liệu. Lâm nợ, chủ tàu cá vỏ thép có giá trị hàng chục tỷ đồng phải đi đánh cá thuê.
Trong 36 con tàu vỏ thép của tỉnh Quảng Nam được đóng theo Nghị định 67 thì phần lớn đã bán thanh lý, số ít lại thì hoạt động cầm chừng. Tất nhiên, hàng trăm tỷ đồng mà các ngân hàng cho ngư dân vay giờ là nợ xấu. Khi tàu cá vỏ sắt bắt đầu nằm bờ, tỉnh Quảng Nam và các ngân tìm mọi cách để đưa những con tàu này ra khơi, trong đó có phương án bán con tàu kèm với tổng số nợ theo Nghị định 17 nhưng vẫn không thể thực hiện.
Mỗi con tàu vỏ thép đóng mới trị giá từ 14 tỷ đến 20 tỷ đồng nhưng khi vỡ nợ bán đấu giá rẻ mạt. Ảnh: VOV
Để bán thanh lý con tàu cá vỏ thép với giá chỉ bằng 10% khi đóng mới, cả ngư dân và ngân hàng rất xót xa. Nguyên nhân những con tàu sắt này vướng lưới nợ trở thành tài sản bán thanh lý thông qua thi hành án là do chủ tàu làm ăn không hiệu quả, ngành nghề đánh bắt không phù hợp với thiết kế tàu, chi phí tàu sắt cao, năng suất lại thấp. Ngoài ra, ngư dân chưa quen với việc vận hành con tàu sắt hiện đại, tâm lý chủ quan khi sử dụng vốn ngân hàng.
Ngư dân khát khao có được con tàu cá vỏ thép công suất lớn để vươn khơi, an toàn, đánh bắt hiệu quả. Thật xót xa khi nhiều ngư dân đóng tàu vỏ thép 67 đều là người giỏi nghề, có kinh nghiệm đi biển, từng làm ăn hiệu quả nay trở thành con nợ xấu, phá sản. Xây dựng cơ chế chính sách như thế nào để từng đồng vốn phát huy hiệu quả, cần có sự phát triển đồng bộ về phương tiện, kỹ thuật và cả ý thức lao động chứ không chỉ nâng cấp mỗi phương tiện. Tránh để xảy ra tình trạng lại phải có thêm một nghị định khác sửa chữa, khắc phục hay thay thế nghị định mới này.