TIN THỦY SẢN

Ngư dân học nghề, vững tin bám biển

Nhờ được đào tạo nghề bài bản nên nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh yên tâm vươn khơi bám biển Văn Nguyễn

Thời gian qua, việc dạy nghề để giúp ngư dân sản xuất an toàn trên biển, nâng cao giá trị thủy sản… đã được các cấp, ngành thực hiện hiệu quả.

Vững tin khi được học nghề

Ông Nguyễn Văn Đức (51 tuổi, xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang) đã có hơn 30 năm đi biển đánh bắt xa bờ bằng nghề lưới vây. Trước đây, ông Đức luôn quan niệm, nghề biển có đặc thù “trăm hay không bằng tay quen”. Thế nhưng, khi đi học lớp thuyền trưởng, rồi được tiếp cận, học hỏi và vận hành nhiều loại máy móc hiện đại để tăng sản lượng đánh bắt thủy sản, ông Đức nhận thấy, tuân thủ kỹ thuật trong khai thác sẽ giúp nâng cao giá trị sản xuất. Ông Đức dẫn chứng, việc sử dụng thành thạo máy dò ngang để lần tìm luồng cá không chỉ giúp phát hiện đàn cá ngay dưới đáy tàu mà còn ở tất cả các hướng, góc xung quanh tàu trong bán kính 1.000m. Nhờ đó, mỗi mẻ lưới cho sản lượng cao hơn khoảng 20%.

Trước khi tham gia lớp học nghề máy trưởng, ông Mai Văn Chức (40 tuổi, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) nghĩ rất giản đơn về công tác phòng, chống cháy nổ trên tàu cá, thường xem nhẹ cách sử dụng gas, dầu diesel. Sau khi đi học ông Chức mới biết cách phòng, chống cháy nổ trên tàu cá bằng cách đặt bếp gas cách xa ổ cắm, cầu dao, công tắc điện 1,5m; bình gas được đặt đứng, gia cố chắc chắn, không được để dưới hầm máy hoặc trên boong tàu, tránh ánh nắng chiếu trực tiếp vào…

Từ năm 2011 đến nay, các cấp, ngành đã mở hơn 100 lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng với tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng, qua đó cấp chứng chỉ cho 2.891 ngư dân. Bên cạnh đó, còn có hàng nghìn ngư dân được tập huấn kỹ năng đi biển như: vận hành máy, bảo quản hải sản, phòng, chống cháy nổ, sử dụng dầu diesel tiết kiệm… Với những kết quả đạt được, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đánh giá Khánh Hòa là một trong những địa phương đi đầu cả nước thực hiện đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thợ máy và chuyên môn cho thuyền viên. Qua đó, giúp ngư dân nâng giá trị thủy sản sau thu hoạch lên khoảng 15% trong mỗi chuyến đi biển; đồng thời góp phần làm cho ngư dân vững tin hơn khi bám biển dài ngày, vừa giúp sản xuất an toàn, hiệu quả trên biển, vừa nâng cao nhận thức về chủ quyền biển, đảo…

Đào tạo theo nhu cầu của ngư dân

Giai đoạn 2010 - 2015, tỉnh phấn đấu mở hơn 700 lớp đào tạo tay nghề và cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, thợ máy và thuyền viên cho gần 25.000 ngư dân. Tuy chưa đáp ứng được hết nhu cầu của ngư dân, nhưng công tác đào tạo nghề đã góp phần nâng cao hiệu quả và tính bền vững của hoạt động khai thác biển.

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT, hiện nay, tỉnh đang tập trung triển khai nhiều chính sách của Chính phủ về hỗ trợ ngư dân phát triển thủy sản. Một trong số đó là Nghị định 67 của Chính phủ, đang tạo điều kiện cho ngư dân đóng mới tàu vỏ thép, composite, trang bị máy móc và ngư cụ hiện đại để khai thác xa bờ. Để ngư dân sử dụng hiệu quả những con tàu đóng bằng vật liệu mới cùng trang thiết bị hiện đại, các cấp, ngành đang nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo hướng liên kết với các khoa, viện nghiên cứu, chế tạo tàu thủy của Trường Đại học Nha Trang mở lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên bảo quản thủy sản. Ngoài ra, có kế hoạch hợp tác với Công ty Yanmar của Nhật Bản mở các lớp tập huấn về chuyển giao công nghệ khai thác, bảo quản cá ngừ đại dương cho ngư dân…

Tuy nhiên, công tác dạy nghề cho ngư dân cũng gặp nhiều trở ngại do trình độ học vấn của ngư dân còn thấp. Theo khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có 23,7% ngư dân học hết cấp 3; 31,5% học hết cấp 2; chủ tàu học hết đại học chỉ có 2,1%, học hết cấp 3 chiếm 17,6%, học hết cấp 2 có 41,8% và học hết tiểu học 38,5%. Bên cạnh đó, không ít ngư dân có tâm lý học nghề cốt chỉ lấy chứng chỉ để có đủ cơ sở pháp lý hành nghề. Nhiều ngư dân thường xuyên đi biển nên thời gian học nghề hay bị gián đoạn hoặc không thể tập trung để mở lớp...

Để khắc phục những trở ngại trên, ông Nguyễn Văn Tính - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường Vĩnh Thọ (TP. Nha Trang) cho rằng, do ngư dân đã có kinh nghiệm đi biển nên chương trình đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thợ máy cần theo nhu cầu của ngư dân, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, lý thuyết phải gắn với thực hành và cập nhật những kỹ thuật mới có thể ứng dụng được ngay vào sản xuất, trong đó chú trọng đến phương pháp nâng cao chất lượng thủy sản… Còn ông Võ Khắc Én - Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh cho rằng, cần truyền đạt kiến thức đi biển cho ngư dân từ thấp đến cao, theo mức độ công suất của tàu thuyền và trình độ hiểu biết của ngư dân; gắn hoạt động đánh bắt với bảo vệ nguồn lợi thủy sản; chú trọng trang bị kiến thức lái tàu, kỹ thuật hàng hải, hỗ trợ nhau trên biển, giới hạn khu vực đánh bắt, kiến thức về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc...

Văn Nguyễn Vnexpress, 12/05/2015