TIN THỦY SẢN

Ngư dân Kiên Giang dính cú lừa ngoạn mục của thương lái Trung Quốc

Thủ đoạn của thương lái Trung Quốc là thu mua con banh lông với giá thành cao. Ngọc Anh (Tổng hợp)

Sau Cà Mau, đến lượt người dân Kiên Giang dính cú lừa ngoạn mục của thương lái Trung Quốc, với thủ đoạn thu mua con banh lông với giá thành cao.

Vài tháng qua, tại một số xã giáp biển của huyện Hòn Đất (Kiên Giang), nhiều ngư dân đã chuyển hẳn từ bắt cá, ghẹ sang đánh bắt con banh lông, một loài thủy sản còn xa lạ với người dân Kiên Giang. Đã xuất hiện dấu hiệu bất thường, trong khi đó chính quyền địa phương và các ngành chức năng còn lúng túng.

Thủ đoạn của các thương lái Trung Quốc là đặt mua số lượng lớn, giá cao, sau đó đột ngột ngưng mua, quay lại trả giá bèo. Cụ thể vào mấy tháng đầu năm 2014, giá banh lông được thương lái Trung Quốc đặt mua từ 600 – 800 ngàn đồng/kg. Đến giữa tháng 4/2014, sau nhiều lần “làm giá”, banh lông chỉ còn trên dưới 100 ngàn đồng/kg.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp huyện Hòn Đất, trên địa bàn xã Bình Sơn có khoảng 30 – 40 hộ dân đã chuyển đổi từ nghề bắt cá sang khai thác con banh lông.

Giá mỗi kg ban đầu từ 500 – 600 ngàn đồng, được thương lái đến từ An Minh và Cà Mau thu mua trực tiếp ngay trên biển và bán lại cho thương lái Trung Quốc.

Tuy nhiên hiện nay các đầu mối đột ngột ngưng thu mua gây tư tưởng hoang mang cho ngư dân. Đáng chú ý là ngư dân không hề biết thương lái Trung Quốc mua con banh lông làm gì, đưa đi đâu… bởi con này xưa nay không ai ăn.

Người dân cho biết, sở dĩ gọi là con banh lông vì hình thù nó tròn đỏ giống trái banh tennis. Mỗi con có trọng lượng khoảng 150gr-160gr, da nhám, nhớt.

Đã có dấu hiệu không bình thường xảy ra. Tuy mới rộ lên khoảng vài tháng nay nhưng giá cả thu mua con banh lông rất bấp bênh, có lúc các đầu nậu không mua hàng khiến ngư dân hoang mang. Và hiện tại, thời điểm này các đầu mối đã ngừng thu mua. Ngư dân lo lắng không biết thời gian tới ra sao, còn hiện tại cuộc sống khó khăn vì không có thu nhập.

Theo ước tính, một chiếc tàu chuyển đổi ngư cụ đánh bắt tiêu tốn từ 10-20 triệu đồng. Còn mỗi chuyến ra khơi chi phí cũng khoảng 10 triệu đồng. Các tàu khai thác con banh lông phải ra xa khơi và cào sâu dưới lớp bùn đáy biển. Để khai thác được con banh loong, dụng cụ là cần cẩu và lồng cào được gắn phía sau tàu.

Ông Trần Tòng ngụ xã Bình Sơn cho biết: "Ở khu vực này trước đây ngư dân không đánh bắt loại thủy sản này. Nhưng khoảng hai tháng nay, do ngư dân làm lưới ghẹ thất bát, thấy một số người xã bên chuyển đổi đánh bắt con banh lông có ăn nên gia đình ông và nhiều hộ dân trong xã cũng chuyển đổi theo".

“Gia đình tôi đầu tư kha khá, làm lồng cào bằng sắt, dây chạc khoảng 20 triệu đồng. Lúc đầu làm cũng được nhưng sau giá thấp quá lãi rất thấp, làm đỡ mùa này thôi chứ khoảng một tháng nữa biển động lại nghỉ. Khai thác con này ở khơi xa, biển sâu, cũng rất khó” - ông Tòng nói.

Mặc dù đã chuyển đổi sang đánh bắt con banh lông vài tháng qua, nhưng ông Tòng cũng như tất cả ngư dân ở đây vẫn chưa được biết các vựa hải sản thu mua con banh lông để làm gì và đem đi đâu tiêu thụ, chỉ mù mờ nghe bán lại cho thương lái Trung Quốc xuất khẩu.

Thậm chí những người dân không trực tiếp đánh bắt còn chưa thấy hình hài con banh lông. Bởi các ghe sau khi khai thác đã bán trực tiếp tại các đảo hoặc trên biển. “Mình chỉ biết khai thác thôi, còn con này họ mua để làm gì mình cũng không biết, gia đình cũng chưa ăn, cũng không thấy luôn” - vợ ông Tòng nói.

Ngọc Anh (Tổng hợp) Người đưa tin, 16/05/2014