TIN THỦY SẢN

Ngư dân Nghệ An vào mùa khai thác cá hố xuất khẩu

Cá hố càng to thì giá trị kinh tế càng cao. Ảnh: Hồng Diện

Hiện nay, mới vào mùa khai thác cá hố được hơn một tháng nhưng ngư dân Quỳnh Lưu đã thu về sản lượng tương đối lớn, đem lại giá trị kinh tế cao.

Xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) hiện có 200 tàu câu cá hố hay còn gọi là cá đao, cá kiếm xuất khẩu lớn nhất tỉnh Nghệ An.

Anh Nguyễn Văn Thắng ở xóm 7, xã Sơn Hải vui vẻ chia sẻ: Cá hố thường được đánh bắt ở ngư trường Vịnh Bắc Bộ, chủ yếu là câu và đánh lưới. Mặc dù mới đầu mùa nhưng loại cá này tương đối dồi dào, nhờ đó mỗi chuyến biển vươn khơi trở về thì sản lượng cá đạt tương đối cao. Riêng đối với tàu gia đình anh, hơn 1 tháng nay đánh bắt được 3 tấn cá hố. Chuyến biển đặc biệt nhất là sau đợt nghỉ trăng vào dịp rằm tháng 7, chỉ 4 đêm ra khơi nhưng đã thu về được 2 tấn cá hố. Với giá bán dao động từ 100 - 110 nghìn đồng/kg, cho thu nhập gần 200 triệu đồng.


Mỗi năm xã Sơn Hải xuất khẩu sang Trung Quốc hơn 1.000 tấn cá hố. Ảnh: Hồng Diện

Gắn bó với nghề câu cá hố trắng xuất khẩu từ 10 năm nay, anh Nguyễn Văn Thuận - chủ tàu cá NA 95888 ở xóm 10, xã Sơn Hải cho biết: Để đánh bắt loài cá này hiệu quả đòi hỏi người làm nghề cần phải có kỹ thuật, trình độ, hiểu biết về con nước sinh. Nhờ kinh nghiệm dày dặn trong nghề đi biển nên bình quân mỗi chuyến cập bến, tàu anh đánh bắt đạt sản lượng 1 tấn cá hố.


Các thương lái phân loại cá chuẩn bị cho xe vận chuyển đi tiêu thụ. Ảnh: Hồng Diện

Mùa đánh bắt cá hố trắng xuất khẩu của ngư dân huyện Quỳnh Lưu thường bắt đầu từ tháng 7 âm lịch năm này kéo dài đến tháng 2 âm lịch năm sau. Cá hố càng to thì giá trị càng cao, lúc đỉnh điểm lên đến 300 nghìn đồng/kg. Mỗi năm, địa phương xuất khẩu cá hố sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch hơn 1.000 tấn, với giá trị đạt trên 100 tỷ đồng.

Đây là loại cá có đặc điểm sinh sống cách mặt nước chủ yếu từ 25 - 30 m và có giá trị kinh tế cao thứ 2 sau cá thu. Theo ngư dân địa phương thì dụng cụ đánh bắt cá hố tương đối đơn giản, mỗi thuyền viên chỉ cần trang bị 1 cuộn cước, 2 lưỡi câu bằng I-nox và sử dụng mực hoặc cá hố trắng nhỏ lọc thịt ra làm mồi tạo độ loáng nên cá sẽ dễ dàng cắn câu. Khi sử dụng bằng hình thức này thì con cá không bị chầy xước nên giá cả thường cao hơn từ 20 - 30 nghìn đồng/kg so đánh bắt bằng lưới vây.

Ông Hoàng Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hải cho biết: “Cá hố là một trong những nguồn có sản lượng rất lớn và giá trị kinh tế tương đối cao, đặc biệt được các thương lái thu mua xuất khẩu với giá cả ổn định. Do đó Sơn Hải khuyến khích bà con ngư dân tập trung khai thác cá hố để tăng sản lượng cũng như giá trị xuất khẩu. Xã cũng đề xuất với Chi cục Thuỷ sản, Phòng Nông nghiệp và PTNT tập huấn bảo quản cá hố cho bà con ngư dân"./.

 

Báo Nghệ An