Người teo tứ chi săn cá khủng ở sông Mã
“Chiếc thuyền bị con cá lớn lôi vun vút hàng cây số. Tôi phải nhảy xuống nước, vật lộn với nó rồi ghì chặt cho vào miệng rọ, hùng hục kéo vào bờ”.
Người dân sông Mã coi loài cá vược nơi đây như “thủy thần”. Đàn ông trong vùng thường thể hiện sức mạnh bằng cách thách nhau câu được loại cá này.
Vua săn cá khủng trên sông Mã
Suốt bao năm nay, mỗi lẫn nhắc đến ông Lê Kim Hoa (54 tuổi, trú xã Hoằng Long, TP. Thanh Hóa), nhà ven sông, gần chân cầu Hàm Rồng, người ta nghĩ ngay đến một “ông vua” chuyên săn được những con cá nặng hàng chục kg dưới sông Mã.
Sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em, năm lên ba tuổi, đôi chân Hoa trở chứng đau nhức. Nhà nghèo, tiền không đủ chữa trị nên bệnh ngày càng nặng hơn. Một thời gian sau, hai chân Hoa bắt đầu teo tóp rồi mất dần khả năng đi lại.
Bác sĩ kết luận, ông bị loãng xương, bệnh đã đến giai đoạn nặng nên rất khó chữa. “Chi phí chạy chữa lên tới cả trăm triệu đồng. Ngay cả trong mơ, bố mẹ tôi vẫn không dám nghĩ có số tiền đó. Cả nhà đành ngậm ngùi ra về, chấp nhận sống chung với căn bệnh”, ông Hoa nhớ lại.
Thời gian đầu, ông Hoa kiên trì đến trường học chữ. Sau đó, bệnh ngày càng nặng hơn, chân tay ông bị teo liệt. Ông Hoa phải nghỉ khi vừa hết lớp 7, ước mơ trở thành một thầy giáo dang dở.
Ông Hoa đứng cạnh vợ, bà Lê Thị Mai.
Không được đi học, cuộc đời ông tưởng chừng sẽ chỉ còn là mảng tối. Với sự thông minh, nhanh nhẹn, hằng ngày, ông ra sông câu cá đem về phụ vào bữa ăn gia đình.
Nghề sông nước luôn tiềm ẩn rủi ro, ông Hoa là một người tàn tật nên càng khó khăn hơn. “Ngày mới đi câu, tôi bị người nhà phản đối. Họ sợ tay chân như thế, chẳng may rớt xuống nước thì chỉ có làm mồi cho hà bá”, ông Hoa chia sẻ. Ông dành thời gian học bơi để rèn luyện sức khỏe rồi nhờ người lớn dạy cách câu cá.
Gần 40 năm "đi săn", ông Hoa không nhớ đã đưa lên bờ bao nhiêu con cá. Tay đan tấm lưới bị cá xé nát, ông say sưa kể: “Lần đầu tiên, con cá vược nặng đến 20 kg mắc câu. Chiếc thuyền nhỏ bị nó lôi vun vút hàng cây số. Tôi phải nhảy xuống nước, vật lộn với con cá rồi ghì chặt cho vào miệng rọ, hùng hục kéo vào bờ”. Sau này, ông còn bắt được những con cá vược nặng đến 40 kg, thậm chí gần 70 kg.
Tuy là một người săn cá giỏi, ông Hoa vẫn thường bị thương trong lúc tìm cách đưa chúng lên bờ. “Cá hung dữ và khỏe nhất là lúc vừa bị mắc câu. Đã không ít lần, tôi bị kéo gãy cả ngón tay”, ông Hoa nói.
Ông Hoa chia sẻ kinh nghiệm, cá xuất hiện nhiều nhất vào mùa đông, dụng cụ đánh cá phải tốt, phù hợp với từng loài cá, môi trường nước khác nhau. “Càng lạnh thì cá rời hang ra kiếm ăn càng nhiều”, ông Hoa nói.
Tại khúc sông Mã này, ông Hoa đã bắt được rất nhiều con cá lớn.
Những năm gần đây, cá vược ít xuất hiện ở đoạn sông Mã nên ông Hoa không còn thường xuyên đi câu. “Ngày nhỏ nhiều lắm, sông Mã giờ bị khai thác nhiều nên cá dần khan hiếm, may ra chỉ còn lại số ít cá nhỏ như chép, trắm…”, ông Hoa cho biết.
Khả năng nằm nổi hàng giờ trên mặt nước
Vua săn cá Hoa “què” còn có biệt tài nằm nổi như phao trên mặt nước. “Hơn bốn tuổi, tôi ra sông chơi và bị rơi xuống hố nước sâu. Lúc đó, tôi tình cờ phát hiện ra mình không bị chìm, cơ thể vẫn nổi trên mặt nước”, ông Hoa nhớ lại.
Ông Hoa được nhiều ban ngành trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tặng giấy khen vì nghị lực vượt khó vươn lên trong cuộc sống.
Ngày ngày, ông Hoa có thể nằm nổi lênh đênh trên mặt nước hàng giờ, thậm chí qua đêm. Để chứng minh khả năng, ông Hoa nhờ người nhà đưa ra bờ sông. Sau vài phút chìm nghỉm, ông ngoi lên và nằm ngửa, lập lờ trên mặt nước như một tảng phao. Ông Hoa khoe, mùa hè, ông thường ra sông bơi lội rồi nằm ngủ luôn trên mặt nước.
Nhờ biệt tài câu cá, ông Hoa đã tìm được người phụ nữ để làm vợ. Bà Lê Thị Mai (vợ ông Hoa) thương cảm số phận bất hạnh của ông, đã bỏ qua những lời phản đối để tiến tới hôn nhân.
Hiện nay, ông Hoa đang học thêm nghề chụp ảnh, sáng tác văn để nuôi sống bản thân. Nhờ nghị lực vượt khó vươn lên, ông đã được nhiều ban ngành tặng giấy khen.