TIN THỦY SẢN

Người vực dậy Bianfishco: “Đừng để mất thương hiệu vì tầm nhìn và tư duy hạn hẹp”

Đại diện Cty Bình An, Ngân hàng SHB, DATC tại buổi họp báo. (Ảnh: Huỳnh Hải) Nguồn: Báo Dân Trí

Ấn tượng đầu tiên ông đem lại cho người khác khi tiếp xúc là sự tin cậy bởi sự chân chất và đôn hậu. Qua bao sóng gió của cuộc đời, cái dáng đi nay đã khoan thai hơn, ông cũng muốn trở về cuộc đời bình lặng, tránh những thị phi thương trường.

Nhưng như một duyên may, ông ngồi lại với chúng tôi, với những tâm sự chân thành của một người đã thấu hết lẽ đời qua những thăng trầm…

Ông là Trần Văn Trí, chồng của bà Phạm Thị Diệu Hiền - từng một thời là nữ doanh nhân nổi tiếng ở miền Tây Nam bộ. Không ai khác, chính ông là người vực dậy Cty Thủy sản Bình An (Bianfishco) sống lại từ khủng hoảng như một kỳ tích.

Ông cũng là người đã rất mát tay, vực dậy Cty Cổ phần chế biến thực phẩm Phương Nam và một số doanh nghiệp thủy sản khác ở ĐBSCL chỉ với ước muốn duy trì, phát triển cho được thương hiệu thủy sản VN.

Câu chuyện bắt đầu cũng từ vợ ông, bệnh tật và những tin đồn thất thiệt. Ông cho biết: “Vợ tôi phát bệnh từ năm 2008, từng phẫu thuật ở Singapore, đầu năm 2012 bệnh nặng hơn nên phải đi Mỹ để điều trị. Vậy mà dư luận cay độc, nói Binhanfishco phá sản, vợ tôi mang theo 600 tỉ đồng, chưa kể rất nhiều vàng, hột xoàn, trốn đi nước ngoài… Tháng 3.2012, các chủ nợ của Bianfishco kéo đến đòi nợ dồn dập.

Suốt 5 tháng trời ròng rã, sức ép của nợ nần liên tục bủa vây, người yếu bóng vía hẳn sẽ không chịu nổi áp lực, nhưng tôi phải cố vượt qua, chỉ với một tâm nguyện: Phải cứu cho được doanh nghiệp (DN) với thương hiệu Việt và giữ việc làm cho hàng ngàn người lao động. Lúc đó tôi là Phó GĐ Sở GTVT kiêm Hiệu trưởng trường Trung cấp GTVT ĐBSCL. Là người chồng, người cha, tôi phải nhận lấy trách nhiệm của gia đình. Vì vậy tôi xin xin thôi việc khẩn cấp sau 38 năm công tác để về đảm nhận chức Tổng GĐ Binhanfishco.

Mọi người vẫn không quên thời điểm tháng 3.2012, ông đã chống chọi với bao nhiêu áp lực để giữ cho Binhanfishco không trượt xuống vực sâu phá sản. Cách nào mà ông vượt qua khó khăn trong lúc dầu sôi lửa bỏng lúc đó?

- Đời tôi không bao giờ quên cuộc họp báo lớn nhất ĐBSCL khi ấy - chiều ngày 7.3.2012, với 220 người đăng ký dự, là các nhà báo và hơn 10 hộ nông dân, những người nuôi cá - chủ nợ của chúng tôi.  Trong 9 tháng đầu 2011, Bianfishco hoạt động bình thường với hơn 4.000 người lao động, đến cuối năm 2011 lâm vào tình thế cực kỳ khó khăn do ngân hàng thu hồi vốn.

Song, tổng tài sản 2.700 tỉ đồng, nợ hơn 1.000 tỉ đồng, đóng lãi cho các ngân hàng trên 700 tỉ đồng, không phải là quá xấu. Tôi trả lời suốt hơn 4 giờ rằng, nợ trong tầm kiểm soát, chúng tôi cam kết sẽ thanh toán nợ cho bà con và cho biết đang thương lượng với đối tác bán hai dự án bất động sản ở TPHCM. Cty đã hợp đồng với đối tác nước ngoài bán 80% cổ phần Cty trị giá 120 triệu USD; tuy nhiên, do báo chí thông tin Cty mắc nợ, nên đối tác chỉ chấp nhận mua 80 triệu USD và họ cũng đang cân nhắc.

Nếu có tiền, Cty sẽ trả cho nông dân ngay (lúc này Cty đang nợ nông dân 264 tỉ đồng. Trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc, không mấy ai tin giữ được Bianfishco, nhưng chúng tôi may mắn được Chính phủ ủng hộ, cùng Thống đốc Ngân hàng và Bộ Tài chính đồng ý. Sau đó, Cty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) vào làm việc, bàn biện pháp tái cơ cấu DN thì tôi mới hình dung được lối thoát của Bianfishco trước nguy cơ có thể bị thâu tóm.

Ngày 2.6.2012, tôi cùng Tổng GĐ DATC Phạm Thanh Quang và Tổng GĐ Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) Nguyễn Văn Lê ký biên bản thỏa thuận nguyên tắc trả nợ. Thật ra cho Bianfishco sống mới khó, chứ để Bianfishco phá sản là việc quá dễ dàng, nhưng nếu Bianfishco phá sản thì nông dân và người nuôi cá trắng tay theo. Giữ lại Bianfishco mới là việc cần, dù rất khó khăn.

Ngày 9.5.2012, cùng với nhà máy sản xuất cá tra philê, các phân xưởng gia công cá ngừ, cá hồi cùng nhà máy nước uống collagen và nhà máy sản xuất hàng giá trị gia tăng đã hoạt động trở lại, tạo việc làm cho gần 2.000 người lao động…

Tình thế lúc đó như đi trên dây, song tôi luôn dặn lòng phải kiềm chế, nhân nhượng, không bao giờ manh động dù có bị đối xử tệ bạc… Chẳng hạn chuyện người dân đến đòi tiền, căng biểu ngữ trước cổng nhà, tôi vẫn tiếp đón, mời cơm nước và cam đoan sẽ trả sòng phẳng các khoản Cty nợ và có lịch trình trả nợ cụ thể. Đến ngày 5.12.2012 tôi đã trả hết nợ và đúng hẹn cho người dân.

Có qua hoạn nạn mới biết lòng người. Trong họa cũng có phúc, người xưa đã nói, ông có nghiệm đúng vậy chăng?

- Cha ông mình nói chẳng sai chút nào. Bên cạnh nỗi buồn vì thói đời giậu đổ bìm leo, thế thái nhân tình ấm lạnh, tôi cũng rút ra được những điều thấm thía về tình người. Lúc làm ăn khá, khách khứa, bè bạn nườm nượp. Lúc xảy ra chuyện, vắng vẻ hẳn đi, có người không dám đến, sợ liên lụy và tôi không dám đến nhà ai sợ liên lụy cho người ta, nhưng vẫn có những người sẵn sàng đến với mình.

Vợ chồng tôi mang ơn những người thương mến, tin cậy, tiếp tục giúp chúng tôi vượt qua hoạn nạn. Đó là những chủ nợ, bạn bè làm ăn, là các anh chị ở các cơ quan có trách nhiệm, các ngân hàng, đã giúp tôi lúc ngặt nghèo, chạy vạy tới lui bằng sự thực tâm, tận tình, giúp Bianfishco được hồi sinh. Với tôi, họa là lúc gian nan, tay trắng; phúc là kết cục trả hết nợ cho dân. Chúng tôi đã mất mát nhiều rồi, đời có luật bù trừ, trước sau cũng sẽ giải được những gì nghi ngại.

Lúc sang Mỹ chữa bệnh, vợ tôi không có gì mờ ám, ra đi mà tiền không có đủ vì ngân hàng phong tỏa hết tài khoản. Là chồng, tôi đau xót chứ. Bởi cả đời dồn hết tâm huyết và tạo dựng thương hiệu Bianfishco mà vợ tôi sa cơ, nên tôi phải về gánh vác cho gia đình vợ con. Sợ vợ tôi bị ảnh hưởng sức khỏe, tôi nói người nhà giấu những thông tin nhạy cảm, để bà ấy yên tâm đi.

Vợ tôi mừng, khỏe dần, nói nếu sinh cháu nội thì đặt tên là Trần Gia Phúc. Đến ngày 6-8-2012, vợ chồng tôi có cháu trai như ý, ngày 2.9.2012, vợ tôi trở về nước. Bây giờ sóng gió đã qua, ôm cháu nội Gia Phúc trong tay, đó là niềm hạnh phúc vô biên.

Câu chuyện của Bianfishco, nói cho cùng, là chuyện tạo dựng và giữ gìn thương hiệu. Phải chăng, ông lúc nào cũng đau đáu một nỗi niềm, một quyết tâm phải giữ cho bằng được thương hiệu - như một lẽ sống còn…?

- Thật vậy, bao năm mặt hàng cá tra gắn với thương hiệu Bianfishco, lúc đó được Mỹ và nhiều thị trường đã chấp nhận. DATC và SHB hỗ trợ chúng tôi cũng một phần bởi Bianfishco có thương hiệu, tạo được mối quan hệ tốt với nhiều khách hàng truyền thống và đặc biệt là tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, tạo công ăn việc làm cho người dân miền Tây Nam bộ.

Với tôi, thương hiệu cũng là sự sống còn. Ba nhà máy của Bianfishco lúc đó vẫn sản xuất và làm cá sushi. Tôi nói với đối tác Nhật rằng đó là tài sản của tôi, của người dân. Tôi còn nợ dân và tôi sẽ trả đủ cho họ, để cùng tôi bảo vệ, duy trì nhà máy này. Họ nghe ra, yên tâm cùng tôi sản xuất, hợp tác lâu dài. Cũng vì bảo vệ thương hiệu Việt nên tôi yêu ghét rạch ròi, không khoan nhượng với kẻ muốn thâu tóm DN Việt Nam.

Tôi biết có một nhà đầu tư nước ngoài mua lại các nhà máy chế biến thủy sản nhưng mua xong để đó, không tổ chức sản xuất. Khi thấy Bianfishco lâm vào cảnh nợ nần, đã có người đến gặp tôi đặt vấn đề mua lại nhà máy với giá cao nhưng tôi nhất quyết không bán. Nhà đầu tư này cùng một người nước ngoài khác đứng sẵn, chờ tôi sa cơ là “lượm” ngay Bianfishco. Sau đó họ lộ diện, tôi nói thẳng rằng tôi còn sống thì họ không thể nào lấy được Bianfishco.

Qua những trải nghiệm khi vực dậy Bianfishco, ông rút ra cho mình những bài học nào tâm đắc nhất?

- Trước hết, là lòng tin. Khi giữa các chủ nợ có lòng tin vào tôi thì tôi sẽ vượt qua khó khăn, làm ăn hiệu quả, trả đủ tiền cho chủ nợ như đã cam kết. Lúc khủng hoảng, cá mất giá, người nuôi cá lỗ. Đến khi phục hồi được, vượt lên, Bianfishco giữ và tạo việc làm cho 2.000 - 3.000 người lao động, đem về giá trị xuất khẩu hàng chục triệu USD cho tới cả trăm triệu USD; tiêu thụ cá cho nông dân, góp phần giữ ổn định đời sống… cũng là tạo dựng lại lòng tin, cần thiết và quý giá vô cùng.

Qua thành công ở Bianfishco, ông trở thành người mát tay và từng vực dậy Cty Cổ phần chế biến thực phẩm Phương Nam cùng một số Cty khác. Mới đây, ông cũng nhận lời giúp vực dậy một Cty ở Thanh Hóa đang thua lỗ... Đâu là bí quyết để một công chức nhà nước lại trở thành một CEO giỏi?

- Thật ra đến giờ này, tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì đã giải cứu được Bianfishco. Đây là tâm huyết cả đời của vợ tôi và đã có một phần máu thịt của cả gia đình tôi đã đổ vào đây, qua đó góp phần làm vững lòng các DN, đặc biệt là các DN thủy sản. Chúng tôi đã tái cấu trúc thành công tính từ ngày 25.8.2012 và đến nay Bianfishco đã hoạt động có hiệu quả.

Ngay tại buổi họp báo tối hôm 7.3.2012, tôi đã nói khi tái cấu trúc xong Cty, trả được nợ cho dân thì tôi xin từ chức ngay và giao lại những người có năng lực, kinh nghiệm để điều hành, quản lý. Đến tháng 10.2012 tôi đã từ nhiệm chức vụ Tổng GĐ và đến đại hội lần hai (tháng 6.2013), tôi từ nhiệm thành viên HĐQT và được đại hội cổ đông chấp thuận. Sau khi từ nhiệm, tôi được một số DN ngỏ ý mời về làm việc. Từng là một công chức nhà nước, tôi thấy mình phải có trách nhiệm với quê hương đất nước, do vậy tôi đã quyết định về làm việc tại Cty CP chế biến thực phẩm thủy sản Phương Nam (Sóc Trăng).

Với sự chỉ đạo của HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, nội bộ đoàn kết, tăng cường cán bộ nòng cốt quản lý, giữ vững bộ máy ổn định sản xuất, tuyển thêm nhiều CN, mở rộng thị trường xuất khẩu đưa con tôm - con cá  ra với toàn cầu, thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, công ty làm ăn ngày càng vững vàng.

Đến tháng 5.2013 Cty Phương Nam tái cấu trúc xong, được cấp đổi giấy phép đăng ký kinh doanh với vốn điều lệ 295 tỉ đồng và tổng nợ đến nay là 1.591 tỉ đồng. Trong tháng 07.2013, giảm nợ 200 tỉ đồng và tiếp tục thanh lý những tài sản không cần thiết ngoài nhà máy để giảm nợ… Chúng tôi phấn đấu trong 3 năm tới sẽ đưa Phương Nam trở thành một tập đoàn mạnh ở khu vực ĐBSCL.

Tâm nguyện hiện nay của ông là gì sau khi đã đi qua những trải nghiệm sâu sắc của đời người?

- Tổng kết lại khi xử lý khủng hoảng tại Bianfishco, tôi ký tổng cộng 98 báo cáo diễn biến và tiến độ công việc hàng ngày gửi các ban ngành và các cơ quan pháp luật. Hiện nay, người dân ĐBSCL bán được con cá, con tôm, trong đó có phần nhờ Bianfishco và Phương Nam sống lại. Lúc xảy ra khủng hoảng, hầu như ai cũng nói Bianfishco và Phương Nam khó mà tồn tại. Vậy mà, như một phép màu, từ lòng tin mà Bianfishco và Phương Nam vực dậy trên bờ vực phá sản.

Tâm nguyện của tôi là trong thời buổi kinh tế khó khăn, các DN ngành thủy sản trong nước phải đoàn kết lại để vượt qua, để đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực. Phải cho người ta thấy tâm và tầm của DN Việt, cạnh tranh lành mạnh, đừng dại dột làm yếu lẫn nhau để cho nước ngoài thôn tính. Như tôi đã nói, cần tạo dựng, giữ gìn giá trị thương hiệu. Đó là tài sản vô giá, không thể để mất đi chỉ vì tầm nhìn và tư duy hạn hẹp.

Xin cảm ơn ông.

Báo Lao Động