TIN THỦY SẢN

Nguy cơ dư thừa cá tra vì người dân ồ ạt đào ao thả nuôi

Người dân ồ ạt đào ao nuôi cá tra. Đặng Công

Từ đầu năm 2018 đến nay, nhiều người nuôi cá tra ở ĐBSCL đã bảo nhau đào ao để nuôi cá khi giá cá tra có lúc lên đến 32.000 đồng/kg. Tình trạng này dẫn đến nguy cơ dư thừa nguyên liệu nhất là khi chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp mạnh tay để ngăn chặn.

Trên cánh đồng chuyên canh 3 vụ ở xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, dù lúa đang thì xanh tốt, nhiều máy xúc đang "hì hục" băm nát mặt ruộng.

Thống kê của ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp cho thấy, từ đầu năm 2018 đến nay, có khoảng 60ha đất lúa bị người dân đào ao nuôi cá tra. Trong đó, huyện Tân Thành và thị xã Hồng Ngự là nơi có diện tích đất lúa bị người dân tự chuyển đổi nhiều nhất. Nguyên nhân của tình trạng này là do giá cá tra từ giữa năm 2017 đến nay luôn ở mức cao.

Không chỉ ở tỉnh Đồng Tháp, tình trạng đào ao nuôi cá trong vùng đất chuyên canh lúa cũng diễn ra rầm rộ ở tỉnh Long An. Hiện địa phương này có khoảng 800ha ao cá tra được đào từ đất lúa. Theo Tổng cục Thủy sản, tình trạng người nuôi cá tra đào ao mở rộng diện tích sẽ làm dư thừa cá tra nguyên liệu, dẫn đến việc rớt giá như trước đây.

Ông Trần Đình Luân, tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: "Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi các tỉnh cá tra trọng điểm đề nghị phải kiểm soát và quy hoạch vùng nuôi cá tra tránh trường hợp vì giá cá tra tăng lên chưa có liên kết tiêu thụ sản phẩm mà đã vội vàng đào ao xuống giống nuôi cá tra."

Các địa phương cho biết đang siết chặt diện tích ao nuôi cá tra trong vùng chuyên canh lúa, nếu phát hiện sẽ lập biên bản và xử lý vi phạm. Nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Dọc theo tuyến kênh Tân Thành - Lò Gạch thuộc xã Bình Thạnh, những chiếc máy xúc vẫn đào ao trên cánh đồng lúa.

Đặng Công VTV9