TIN THỦY SẢN

Nguyên nhân kìm hãm sự phát triển ngành nuôi tôm hùm

Tôm hùm. Ảnh: internet D.T

Nuôi tôm hùm tự phát; con giống trôi nổi; quy trình chăn nuôi, ăn thức ăn tự nhiên nên gây ô nhiễm và giá thành cao; tiêu thụ tự phát là 4 nguyên nhân kìm hãm phát triển nuôi tôm hùm.

Đại biểu Phan Anh Khoa (Phú Yên) chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT: Phú Yên và một số tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ là khu vực nuôi tôm hùm có giá trị xuất khẩu lớn và trở thành sản phẩm của một số địa phương. Nhưng, hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, bất cập, công tác quy hoạch nuôi chưa đồng bộ, thống nhất giữa vùng, liên vùng và địa phương liên quan đến du lịch và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, công tác phòng, chống dịch bệnh, rủi ro thiên tai...

Đặc biệt là thị trường tiêu thụ bấp bênh, chủ yếu là thị trường Trung Quốc, lại xuất khẩu theo đường tiểu ngạch làm cho địa phương và nông dân không yên tâm. Thời gian tới, Bộ trưởng có chủ trương và giải pháp cụ thể ra sao giúp tháo gỡ khó khăn này?.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, nuôi tôm hùm ở nước ta tập trung chủ yếu ở 3 địa phương: Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa. Riêng Phú Yên có 45.000 lồng nuôi tôm hùm, chúng ta phải giải quyết 4 câu chuyện của con tôm hùm này.

Trước tiên, vừa qua, nuôi tôm hùm tự phát, do đó dẫn đến ô nhiễm môi trường. Hai là con giống trôi nổi, khai thác tự nhiên rất bị động. Ba là quy trình chăn nuôi, ăn thức ăn tự nhiên lên gây ô nhiễm và giá thành cao. Bốn là tiêu thụ tự phát.

Bốn vấn đề này phải giải quyết, do đó, khi triển khai Luật Thủy sản, Bộ đã cử Tổng cục Thủy sản vào phối hợp với các cơ quan chuyên môn để hướng dẫn tỉnh quy hoạch lại nhằm đảm bảo khu nào làm du lịch, khu nào nuôi tôm mới đảm bảo vệ sinh môi trường.

Vấn đề con giống và quy trình, Bộ đang chỉ đạo các cơ quan khoa học của Bộ, cụ thể là Viện Thủy sản 2 phối hợp với một viện khoa học của Úc để trong một thời gian ngắn tới đây giải quyết được câu chuyện con giống và quy trình nuôi thức ăn tổng hợp.

Về thị trường tiêu thụ, trước mắt tiêu thụ tôm hùm chưa phải chế biến vì nó không quá nhiều và là đặc sản. Do vậy, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với tỉnh Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, nếu giải quyết tốt vấn đề con giống và quy trình thì không phải là vấn đề lớn. Quan trọng nhất là vấn đề phối hợp với địa phương để quy hoạch vùng nuôi.

D.T Báo Kinh Tế Nông Thôn