TIN THỦY SẢN

Nhiều tàu biển Việt Nam bị lưu giữ ở nước ngoài

Tàu cá ra khơi. Hình minh họa ĐOÀN LOAN

Lãnh đạo Cục Đăng kiểm cho biết, trong quý 1 đã có 10 tàu biển Việt Nam bị lưu giữ ở nước ngoài do các trang thiết bị hư hỏng.

Ông Nguyễn Vũ Hải, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm cho biết, tàu biển Việt Nam bị lưu giữ bởi chính quyền cảng các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Tokyo- Mou) trong quý I/2017 có chiều hướng tăng so với năm trước.

Cụ thể, có 10 tàu bị lưu giữ trên tổng số 214 lượt tàu bị kiểm tra về an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường, chiếm 4,6%; trong khi tỷ lệ 3 tháng đầu năm 2016 là 4%, 2015 là 2,7% và 2014 là 3,5%.

Qua phân tích của cơ quan chức năng, tàu bị lưu giữ ở nước ngoài thường bị hư hỏng về an toàn chống cháy, trang thiết bị cứu sinh, các thiết bị và hệ thống sử dụng trong trường hợp khẩn nguy. Hầu hết tàu bị lưu giữ là tàu chở hàng tổng hợp, có tuổi đời 5-10 tuổi, được đóng trong nước và do các công ty vận tải biển quy mô nhỏ và rất nhỏ khai thác. 

Ông Hải cho biết, các tàu bị lưu giữ thường phải đậu lại cảng nước sở tại trong vài ngày để sửa chữa, thay thế trang thiết bị. Sau khi kiểm tra đạt yêu cầu thì tàu đó mới được phép rời cảng. Việc sửa chữa sẽ phát sinh chi phí cho chủ tàu do phải mua thiết bị, thuê nhân công nước sở tại với giá cao.

Nhờ tỷ lệ bị lưu giữ thấp trong năm 2015-2016, đội tàu biển Việt Nam đã thoát khỏi \"danh sách đen\" của Tokyo- Mou, được đánh giá tốt về nguy cơ mất an toàn hàng hải và ô nhiễm môi trường, ít bị chính quyền cảng nước ngoài kiểm tra. Tuy nhiên, nếu tình hình tàu biển Việt Nam bị lưu giữ không được cải thiện trong thời gian tới, có thể đội tàu biển lại quay về danh sách đen của Tokyo- Mou.

Hiện đội tàu biển Việt Nam chạy tuyến quốc tế có tổng dung tích từ 500 GT trở lên là 462 chiếc, hoạt động chủ yếu tại khu vực biển châu Á - Thái Bình Dương

ĐOÀN LOAN VNExpress