TIN THỦY SẢN

Nhọc nhằn nghề cào hến

Cào hến Bài, ảnh: THANH TIẾN

Nhiều năm qua, bà con nghèo ở xã Bình Long (Châu Phú) đã gắn bó với nghề cào hến. Dù rất vất vả với nghề “hạ bạc” này nhưng cuộc sống của những phận nghèo lại quá bấp bênh...

Đối với những phận đời cào hến, quanh năm họ lấy chiếc xuồng, con nước, dòng kênh để làm kế sinh nhai. Tuy nhiên, cái nghèo vẫn ghì chặt trên đôi vai của họ. Ghé thăm gia đình anh Trương Phước Bình cũng là lúc anh đang bơi chiếc xuồng cào hến cặp bến. Đã 10 năm gắn bó với nghề, anh Bình nếm trải biết bao nổi vất vả, gian truân. Vừa hốt hến vào bao, anh Bình vừa tâm sự: “Mình không có đất ruộng, lại học hành chẳng tới đâu, không nghề nghiệp gì nên đi cào hến kiếm sống. Nhưng mà cực lắm anh ơi, ngày nào được nhiều thì khoảng 150-200 kg, sau khi trừ hết chi phí, cũng kiếm được 120.000-150.000 đồng/ngày; khi nào cào ít quá xem như huề vốn, có khi lỗ cả tiền xăng”. Anh Bình cho biết thêm, nhiều lúc phải lặn lội đến những cánh đồng rất xa, tận Đồng Tháp hoặc sang Campuchia vì đồng gần đã cạn nguồn hến. Nhiều chuyến đi mất đến 3-4 ngày mới trở về nhưng thu hoạch chẳng được bao nhiêu. Nhiều lúc nản lắm nhưng không làm nghề này thì chẳng biết lấy gì để sống…

Nhìn xuống dòng nước kênh, anh Bình tâm sự: “Bây giờ dù bắt được ít nhưng cũng kiếm sống được, vài bữa nữa nước lên cao, không cào hến được thì chưa biết làm gì để sống. Chắc khi đó tôi theo nghiệp đoàn máy gặt đập liên hợp, cũng kiếm được tiền nhưng không phải có việc hoài, làm một bữa nghỉ hai, ba bữa”. Nhìn nét âu lo trên gương mặt anh, chúng tôi như thấy được sự vất vả của những con người đã ngụp lặn nhiều năm cùng nghề cào hến.

Nói về những cơ cực của nghề, anh Nguyễn Văn Thiền ở gần đó bộc bạch: “Nghề này cực lắm, mình phải ngụp lặn dưới nước suốt ngày, lạnh không chịu nổi. Những tháng gió bấc về, lạnh tới mức không dám đụng chân xuống nước, nhưng vì cuộc sống phải ráng nhảy xuống kênh mà cào hến”. Để chuẩn bị cho những chuyến đi đồng xa, anh Thiền và nhiều người khác phải dậy từ 3 giờ sáng, mang cơm nước xuống xuồng rồi rong ruỗi đến những cánh đồng xa tìm hến. Có những chuyến đi vô cùng mệt mỏi, mưa gió nhiều, không cào hến được các anh phải trở về xuồng không. Quay về mà trong lòng nặng nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền nên nhiều người bỏ nghề ra Bình Dương tìm kế mưu sinh. Dù rất cực nhọc mới có thể bảo bọc gia đình nhưng anh Thiền vẫn cố gắng cho con ăn học. Anh tâm sự: “Tôi sẽ ráng lo cho con đi học. Tôi không muốn tụi nó đi cào hến như mình. Đời tôi ngụp lặn đủ rồi, không muốn con cái khổ cực nữa”. Vừa nhanh tay khuấy nồi hến luộc đang sôi sùng sục, anh kể thêm cho chúng tôi nghe những đắng cay của nghề, có khi tới được chỗ cào hến thì bị người dân bản xứ đuổi đi vì họ sợ anh làm lở bờ kênh. Những lúc đó, anh Thiền chỉ biết quệt nước mắt mà tìm chỗ khác. Nhìn gương mặt sạm nắng của anh, chúng tôi càng hiểu hơn về sự gian truân, bấp bênh của nghề cào hến.

Khoảng 2 năm nay, do ngày càng có nhiều người đi cào hến nên anh Bình, anh Thiền vốn đã vất vả lại càng vất vả hơn. Nguồn hến trở nên hiếm hoi, cuộc sống của gia đình các anh chật vật hơn nhiều. Họ luôn mơ ước có đủ đồng vốn để tìm hướng làm ăn khác, ổn định kinh tế gia đình và lo cho các con đi học. Tuy nhiên, với cái nghề “bà cậu” này chỉ mong đủ sống qua ngày, chứ không thể dư dả gì. Mỗi khi gia đình có biến cố cần tiền bạc thì đa số đều phải đi mượn nợ,...

Trở về, bước chân đạp lạo xạo trên vỏ hến, chúng tôi cứ nghĩ đến sự nhọc nhằn của những phận đời cào hến. Nghề cào hến xưa nay có mấy ai giàu có?

Bài, ảnh: THANH TIẾN Báo An Giang