Nhóm bệnh dinh dưỡng trên cá mú và cách phòng trị
Ngoài các nguy cơ lây nhiễm các bệnh liên quan đến virus, ký sinh trùng, vi khuẩn, hoặc nấm, thì cá mú nuôi thương phẩm vẫn có khả năng mắc các bệnh liên quan đến dinh dưỡng, người ta gọi nhóm các bệnh này là bệnh dinh dưỡng (Nutritional Diseases).
1. Bệnh liên quan đến thiếu hụt EFA
Các axit béo thiết yếu (EFA) rất cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển bình thường của cá mú giai đoạn ấu trùng. Cá biển nói chung, không giống như các loại cá nước ngọt, chúng không thể duy trì và khử bão hòa chất béo một cách hiệu quả thành chất béo không bão hòa, do đó cần có sự hiện diện của axit béo không bão hòa trong chế độ ăn. Các axit béo thiết yếu như Axit docosahexaenoic [DHA,22:5(n-3)] và Axit eicosapentaenoic [EPA,20:5(n-3)] thường được tìm thấy trong nguồn thức ăn tươi sống như vi tảo (ví dụ: Nannochloropsis), copepods , luân trùng và Artemia.
Sự thiếu hụt trong các axit béo này có liên quan đến tỷ lệ tử vong của cá ấu trùng được gọi là hội chứng thiếu hụt EFA hay hội chứng Shock, bởi cá mắc bệnh có những biểu hiện không cân bằng khi bơi.
Tác nhân gây bệnh: Liên quan đến hàm lượng axit béo thiết yếu trong thực phẩm sống.
Các giai đoạn bị ảnh hưởng: Cá ấu trùng ngày 21 đối với loại A. malabaricus. Giai đoạn 1 (khoảng ngày 12) và giai đoạn 2 (ngày 23) đối với loài A. tauvina và E. fuscoguttatus.
Dấu hiệu lâm sàng: Đa số sẽ xuất hiện hiện tượng suy nhược cơ thể, tử vong được quan sát thấy bắt đầu từ ngày 21 đối với loài A. malabaricus. Tỷ lệ tử vong cao xảy ra ở giai đoạn 2 và 3 đối với loài E. tauvina và E. fuscoguttatus.
Lây truyền: Bệnh không được truyền cho cá thể khỏe mạnh.
Phương pháp phòng ngừa và kiểm soát: Nuôi dưỡng ấu trùng 15 ngày tuổi với Brine shrimps enriched và dầu cá với lượng 25-50 ml/m3 nước nuôi. Đồng thời cần duy trì môi trường nuôi sạch bằng cách loại bỏ trầm tích và quản lý nước nuôi.
Tránh gây căng thẳng không cần thiết cho ấu trùng, sử dụng sục khí nhẹ và hệ thống quản lý dòng chảy. Tình trạng thiếu hụt EFA có thể được giảm bớt bằng cách làm giàu luân trùng bằng n-3 HUFA hoặc Nannochloropsis (syn.Chlorella). Đưa mức EFA của thực phẩm sống lên khoảng 12% bằng cách thêm và thức ăn.
Bổ sung DHA được ghi nhận sẽ làm chậm tỷ lệ tử vong ở cá mú, trong khi bổ sung EPA thì không có hiệu quả ở các loài sinh vật biển khác.
2. Bệnh do thiếu hụt Thiamin
Một số loài cá thuộc họ cá mòi và cá cơm có chứa các enzyme làm suy giảm thiamin, khi sử dụng chúng làm thức ăn cho cá mú. Tình trạng bệnh do thiếu hụt thiamin khó xảy ra khi nguồn cá tạp đa dạng, nhưng nếu duy trì chế độ ăn các loại thuộc các họ cá bên trên thì nguy cơ cao cá mú sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt thiamin.
Tác nhân gây bệnh: Thiếu vitamin B1 (thiamin) do sử dụng các họ cá mòi hoặc cá cơm làm thức ăn trong thời gian dài.
Các giai đoạn bị ảnh hưởng: Thường sẽ ảnh hưởng ở cá bố mẹ.
Dấu hiệu lâm sàng: Cá bị thiếu hụt vitamin B1 cơ thể đổi màu trắng, hành vi bơi lội thất thường, chấn thương cơ học và xuất huyết trên bề mặt cơ thể, đặc biệt là quanh miệng, vây ngực và bụng.
Thiếu thiamin ở loài Cromileptes alteelsis: a) Màu sắc cơ thể chuyển trắng và b) chấn thương cơ học xung quanh miệng, vây ngực, hành vi bơi lội thất thường (Koesharyani và cộng sự, 2001).
Thiamin là đồng enzyme của nhiều enzyme xúc tác chuyển hóa carbohydrate và rất cần thiết cho các chức năng thần kinh, tiêu hóa và sinh sản bình thường của cá khỏe mạnh. Thiếu thiamin sẽ ảnh hưởng đến các chức năng của hệ thống thần kinh.
Lây truyền: Bệnh là tình trạng thiếu hụt Vit. B1 do nhu cầu dinh dưỡng vì vậy không lây truyền.
Phương pháp phòng ngừa và kiểm soát: Tránh cho cá ăn kéo trong thời gian dài các loại cá họ cá mòi hoặc cá cơm. Nên cho ăn thường xuyên hỗn hợp các loài cá tạp khác nhau và bổ sung (mỗi tuần một lần) các phức hợp vitamin vào thức ăn cho cá. Nên bổ sung nhiều vitamin B1 nếu cá bị thiếu thiamin.
3. Bệnh dinh dưỡng Lipodosis
Lipodosis là một bệnh dinh dưỡng phổ biến ở cá mú với các mức độ khác nhau, Lipodosis đã được quan sát thấy ở gan của cá mú nuôi lồng, trong đó có các loại cá mú: Epinephelus coioides, E. malabaricus và Cromileptes alteelsis ở Indonesia, Thái Lan, Philippines, và nhiều nơi khác.
Nguyên nhân gây bệnh: Cá nhiễm bệnh do được cho ăn bằng thức ăn có nguyên liệu ôi thối, với cá tạp nhiều béo hoặc thức ăn được bảo quản kém có thể gây ra rối loạn mỡ máu ở cá.
Các giai đoạn bị ảnh hưởng: Cá trong giai đoạn phát triển dễ bị bệnh lipodosis.
Dấu hiệu lâm sàng: Cá bị mắc bệnh sẽ biểu hiện phát triển kém, lờ đờ, mắt mờ và có biểu hiện hơi “khó chịu” và phình bụng. Gan cũng nhợt nhạt bất thường.
Cá bị mắc bệnh biểu hiện tăng trưởng kém và tỷ lệ tử vong thấp, gan có vẻ ngoài nhợt nhạt và phần mô học cho thấy sự hiện diện của những giọt chất béo lớn.
Quá trình lây truyền của bệnh: Bệnh Lipodosis không gây nhiễm trùng vì tác nhân gây bệnh không phải là mầm bệnh. Cũng như sự hiện diện của cá bị mắc bệnh trong bầy đàn cũng sẽ không gây nguy hiểm cho những cá thể khác.
Phân bố của bệnh: Bệnh Lipodosis là nhóm bệnh dinh dưỡng phụ thuộc vào cách cho ăn của người nuôi, do đó tất cả các vùng nuôi trên thế giới đều có khả năng phát bệnh, nếu người nuôi không quản lý tốt nguồn thức ăn và phương thức cho ăn.
Phương pháp phòng ngừa và kiểm soát: Tuy nói rằng, bệnh không lây nhiễm trong bầy đàn, nhưng việc phát hiện và kiểm xoát bệnh kịp thời sẽ hạn chế ảnh hưởng về kinh tế.
Người nuôi cần cho ăn hợp lý, đàm bảo dinh dưỡng, vừa đủ, tránh dư thừa thức ăn. Xử lý thức ăn đúng cách, chú ý các phương pháp thực hành bảo quản tốt thức ăn và tránh cho cá ăn nguồn thức ăn hoặc cá tạp được bảo quản kém. Khi xác định cá bị mắc bệnh Lipodosis, người nuôi phải ngay lập tức ngừng sử dụng nguồn thức ăn còn lại và thay thế bằng một loại thức ăn mới, đầy đủ dinh dưỡng và vệ sinh.
Dẫn nguồn, từ đề xuất trong nghiên cứu của Bautista và cộng sự, năm 1994, chúng tôi trình bày các nguyên tắc lưu trữ thức ăn cho cá mú một cách hợp lý nhất:
Đối với nguyên liệu khô và thức ăn nhân tạo
- Đảm bảo khu vực lưu trữ sạch sẽ, khô ráo, an toàn và thông gió tốt. Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời.
- Dán nhãn thức ăn và thành phần thức ăn đúng cách. Sắp xếp thức ăn theo loại và ngày.
- Túi thức ăn chất không cao quá 6 túi trên bục, cách sàn 12-15cm. Ngăn chặn côn trùng, rải vôi xung quanh và dưới bục.
- Bảo quản thức ăn khô không quá 3 tháng. Sử dụng thức ăn cũ trước khi nhận thức ăn mới.
- Không đi, giẫm, đạp trên bao thức ăn.
Đối với thành phần thức ăn ẩm hoặc ướt
- Sử dụng cá tạp tươi ngay hoặc giữ chúng đông lạnh cho đến khi sử dụng.
- Giữ dầu và chất béo bộ sung trong hộp có màu hổ phách, đậy kín hoặc tối màu trong kho lạnh hoặc tủ lạnh. Duy trì nhiệt độ của kho lạnh dưới 10°C. Tránh quá tải và không mở khô khi không cần thiết.
- Giữ vitamin bổ sung trong vật đựng kín không khí, tránh ánh nắng và bảo quản lạnh. Giữ vitamin và khoáng chất trong các thùng chứa riêng biệt.