“Nhộn” tình trạng mua bán cá non
Mùa mưa chính là thời điểm sinh sản của các loài thủy sản, trong đó, đặc biệt là nguồn lợi cá đồng. Dù ngành chức năng khuyến cáo, hướng dẫn, thậm chí có những biện pháp cứng rắn để ngăn chặn, nhưng hễ bước vào mùa mưa, tình trạng người dân lại đổ xô giăng bắt, mua bán các loại cá non đã trở thành điệp khúc chưa có hồi kết.
Dạo quanh các điểm chợ trên địa bàn TP. Cà Mau, không khó để bắt gặp hình ảnh bày bán cá non. Bất chấp sự can thiệp của ngành chức năng, các hộ dân ngang nhiên mua bán, “chào giá” sản phẩm “đặc sản” với khách hàng.
Tình trạng này còn dễ nhận thấy hơn trên các tuyến đường về các địa phương vùng ngọt: Huyện Trần Văn Thời, U Minh. Tại đây, bằng nhiều cách thức đa dạng, người dân vừa trực tiếp đánh bắt vừa bày bán ngay tại nhà, dù biết việc làm này là vi phạm quy định.
Xã Nguyễn Phích (huyện U Minh) là một trong những khu vực có nguồn lợi cá đồng khá nhiều. Mặc dù thường xuyên kiểm tra và nhắc nhở nhưng tình trạng giăng bắt cá non vẫn tiếp tục tái phạm.
Cá non đang “hút hàng” ở các chợ.
Để ngăn chặn tình trạng này, ngay từ đầu năm, ngành chức năng đã có nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường các biện pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản; kiểm tra, ngăn chặn tình trạng bắt cá non trên địa bàn. Nhưng rồi “đâu cũng vào đấy”. Một phần do cuộc sống mưu sinh nhưng phần lớn là do ý thức của một bộ phận người dân chưa cao, nên thực tế hễ cứ bước vào mùa mưa thì lại “nhộn” tình trạng mua bán cá non.
Tình trạng mua bán cá non diễn ra tràn lan tại các khu chợ.
Với giá từ 120 - 150 ngàn đồng/kg, cá non (cá sặt, lòng ròng) là mặt hàng đang bị “hút” ngoài thị trường. Vì là sản phẩm “hiếm” nên các thương lái phải tranh thủ đến các vùng sâu để mua.
Thiết nghĩ, để giải quyết vấn đề này, ngành chức năng cần phải mạnh tay hơn nữa với những biện pháp chế tài, xử lý nghiêm nhằm ngăn chặn kịp thời và tránh để nguồn lợi cá đồng bị cạn kiệt.