Những “điểm nghẽn” phát triển kinh tế biển ở ĐBSCL
Mặc dù có nhiều lợi thế nhưng vùng biển Đồng bằng sông Cửu Long chưa được khai thác nhiều, một mặt do kết cấu hạ tầng kinh tế biển của vùng này hiện còn rất yếu, gây trở ngại lớn cho phát triển kinh tế xã hội của vùng.
Các địa phương ven biển Đồng bằng sông Cửu Long đến nay mới chỉ phát triển kinh tế biển chủ yếu dựa vào tài nguyên trong đất liền. Nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản được phát huy nhưng phương tiện đánh bắt xa bờ còn hạn chế. Hạ tầng vùng nuôi còn khó khăn, phương tiện đánh bắt thô sơ, đây là những “điểm nghẽn” hạn chế sự phát triển kinh tế biển của vùng.
Hạ tầng vùng nuôi chưa đáp ứng
Hầu hết hạ tầng cơ sở cho vùng nuôi thủy sản của các địa phương ven biển đều thiếu đồng bộ, các đề tài nghiên cứu khoa học, dự án phát triển công nghệ về lĩnh vực chế biến thủy sản chưa được phổ biến nhiều vào thực tiễn. Công tác quản lý chất lượng nguyên liệu đầu vào cũng như đầu tư phát triển khoa học công nghệ của các nhà máy chế biến còn hạn chế, dẫn đến nhiều lô hàng sản xuất không đạt tiêu chuẩn quy định. Điều này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến uy tín chung của doanh nghiệp, thị trường tiêu thụ có thể bị thu hẹp.
Theo ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cà Mau, mặc dù có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long nhưng cơ sở hạ tầng để phục vụ nuôi trồng thủy sản của tỉnh hiện tại chưa đáp ứng được cho diện tích trên 296.000ha. Để đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ cho vùng nuôi này cần khoảng 15.000 tỷ đồng, trong khi hiện tại mỗi năm ngân sách của tỉnh chỉ đầu tư được khoảng 200 tỷ đồng.
Đặc điểm của vùng đất Cà Mau sông ngòi chằng chịt, muốn nuôi tôm được, hệ thống sông ngòi phải được nạo vét thông thoáng, bờ bao phải được tôn cao lên để giữ nước triều cường và chủ động xả nước ra và nguồn nước cung cấp cho vùng nuôi phải được thông thoáng ra tới biển. Bên cạnh đó, vùng nội đồng bên trong cũng phải có hệ thống cấp, thoát riêng. Với hệ thống kênh rạch chằng chịt như vậy và nguồn ngân sách hạn chế, muốn đầu tư phải tính đến việc cắt cụm ra từng vùng, từng khu vực và phải tính toán làm chỗ nào trước, chỗ nào sau. Ngoài ra môi trường vùng nuôi ô nhiễm, ý thức bảo vệ môi trường của người dân tác động rất lớn đến nuôi trồng thủy sản.
Mặt khác, tỉnh chưa có nhà máy chế biến thức ăn phục vụ nuôi trồng thủy sản, mà nhu cầu lên đến 200.000 tấn/năm; nhu cầu vật tư thủy sản: thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học… rất lớn nhưng chưa có doanh nghiệp đầu tư. Chất lượng con giống nuôi trồng thủy sản cũng còn rất bấp bênh, hiện tại tỉnh có hơn 800 trại sản xuất tôm giống nhưng nằm rải rác khắp nơi, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, sản xuất ra chất lượng con giống không cao, chỉ đủ cung cấp 50% nhu cầu.
Do chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiệt độ, thời tiết thay đổi, triều cường nước dâng, các tỉnh ven biển Tiền Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Kiên Giang còn đối mặt với tình trạng nghêu chết hàng loạt, chất lượng con giống giảm khiến thu nhập của người dân bị ảnh hưởng. Theo ông Nguyễn Thanh Cẩn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang, thủy sản là ngành chịu nhiều rủi ro nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, môi trường tự nhiên trên biển lại rất khó kiểm soát.
Chỉ trong khoảng nửa cuối tháng Hai đến nửa đầu tháng Ba, tỉnh Tiền Giang thiệt hại khoảng 14.000 tấn nghêu, với diện tích 600ha của 130 hộ dân thuê nuôi. Riêng huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) bị thiệt hại nặng nhất, chỉ trong quý 1/2013 nghêu chết hàng loạt với diện tích 1.508/2.000ha, tỷ lệ thiệt hại khoảng 60% với sản lượng 14.430 tấn, ước tính giá trị thiệt hại 259 tỷ đồng. Đây là thiệt hại không chỉ đối với các hộ tham gia nuôi nghêu mà còn ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng con giống của tỉnh. Nguyên nhân được xác định là do nắng nóng, môi trường khắc nghiệt, độ mặn cao cộng với việc nông dân thả nuôi với mật độ cao.
Đầu tư cho khai thác còn yếu
Các địa phương ven biển đều có định hướng đầu tư cảng, trang thiết bị hiện đại để khai thác nguồn tài nguyên vô giá từ biển. Song, nhiều năm qua, phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên ở đất liền, kinh tế biển chưa được khai thác đúng mức. Đồng bằng sông Cửu Long mới phát triển một phần trong kinh tế biển là nuôi trồng thủy sản, đánh bắt thủy hải sản, nhưng phương tiện đánh bắt còn thô sơ, tàu công suất lớn phục vụ đánh bắt xa bờ còn nhiều hạn chế.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau, tài nguyên biển Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi rất đặc thù với chiều dài bờ biển 254km, 2 ngư trường biển Đông và biển Tây, hàng trăm cửa sông đổ ra biển, hơn 20 xã ven biển, nguồn lợi thủy sản phong phú, người dân sống bằng nghề biển có truyền thống và kinh nghiệm rất lâu đời. Tuy nhiên, thời gian qua phát triển rất hạn chế do nguồn nhân lực và vật lực chưa đáp ứng đủ, hệ thống bến cá, cảng cá, cơ sở hạ tầng nghề cá, đội tàu cá, dịch vụ hậu cần còn dàn trải, chưa phát huy tốt. Thống kê kinh phí đầu tư cho các cảng cá, bến cá từ trước đến giờ chưa đến 200 tỷ đồng.
Ông Đỗ Chí Sĩ, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Cà Mau cho biết, hiện toàn tỉnh có 4.600 tàu cá nhưng chỉ có 985 chiếc khai thác xa bờ, trang thiết bị cũng hạn chế. Sản phẩm đánh bắt chủ yếu là mực và một số loại cá nổi tiêu thụ nội địa chứ chưa thể xuất khẩu. Muốn đầu tư một chiếc tàu đủ chuẩn để khai thác xa bờ mất từ 5-6 tỷ đồng, người dân không có khả năng đầu tư, chưa kể thời điểm giá xăng dầu tăng cao khoảng 20% tàu phải nằm bờ.
Cảng cá Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) được xây dựng và đưa vào sử dụng với tổng diện tích 16ha, có cầu cảng hình chữ T dài 120m cho tàu 600CV trở lên neo đậu. Vì là cảng gần với ngư trường khai thác nhất (cách cửa biển 12km), hàng năm có khoảng 3.500 tàu cá ra vào mua bán cá và hơn 16.000 phương tiện vận tải tiếp nhận xăng dầu, nước đá, lương thực. Đây còn là bến đậu an toàn cho các tàu cá từ khu vực miền Trung trở vào tránh trú bão.
Đặc biệt là nơi gần nhất giữa đất liền và quần đảo Trường Sa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển cảng cá và giúp cho việc vận chuyển cá của tàu được nhanh chóng, làm giảm chi phí hoạt động đánh bắt. Tuy nhiên vấn đề lớn nhất luồng lạch từ cảng ra biển thường xuyên bị mắc cạn khiến tàu cá ra vào bị ách tắc.
Cảng cá Định An (tỉnh Trà Vinh) cũng đang thực hiện tốt công tác dịch vụ hậu cần nghề cá, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương, thu hút nhiều tàu cá ngoại tỉnh ra vào neo đậu, tránh trú bão nhưng cũng đang gặp tình trạng ách tắc về luồng lạch, tàu ra vào khó khăn. Việc thông luồng là nguyện vọng không chỉ của ngư dân mà cả Ban quản lý cảng, nhưng do chi phí quá lớn nên hiện nay vẫn chưa thông luồng được.
Ông Trần Văn Chiểu, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Trần Đề cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long có nguồn tài nguyên biển phong phú nhưng không phải vô tận, các ngành chuyên môn cần phối hợp để hướng dẫn, tạo việc làm mới cho những người hành nghề khai thác mang tính hủy diệt, gây ảnh hưởng nguồn lợi thủy sản chung. Mặt khác, từ trước đến giờ công tác chỉ đạo nặng về khâu nuôi trồng mà ít đầu tư cho khai thác, chưa bảo vệ tốt nguồn lợi. Các doanh nghiệp chỉ đầu tư nhà máy chế biến tôm, chưa chú trọng đến việc xây dựng nhà máy tinh chế các sản phẩm khai thác từ biển, sản phẩm khai thác được phục vụ nội địa là chủ yếu./.