Những mảnh đời ngư phủ: Độc đáo nghề "nghe" cá
"Mỗi con kêu mỗi khác, con cá sóc nanh kêu cụp cụp, cá sóc trắng kêu tọc tọc. Lặn xuống dưới nửa mét nước rồi vểnh tai lên nghe, con cá bơi gần tới là nó kêu to lắm. Người đi nghe cá phải có đôi tai thính thì mới có thể phân biệt được có cá dưới nước, và số lượng bao nhiêu", cao thủ "nghe" cá Bảy Liễu cho biết.
Xóm chài biết "nghe" cá
Sau khi đi thẳng theo một con đường dài lát nhựa phẳng lỳ, tôi tìm đến thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ, Bà Rịa - Vũng Tàu) để hoàn tất chuyến đi của mình với cái nghề khá kì thú ở đây: Nghe cá.
Lấy làm lạ, bởi từ xưa đến nay tôi chỉ nghe nhiều đến nghề đánh cá, giăng lưới chứ chưa bao giờ nghe thấy ai "nghe" cá cả.
Gặp gỡ các ngư dân đang tích cực sửa chữa, kiểm tra lưới cho chuyến đi buổi sớm, tôi được các anh cho hay, làng chài này có khoảng gần 40 người biết nghe cá, chủ yếu là trai trẻ chứ không có đàn bà phụ nữ. Dò hỏi mãi, tôi tìm đến nhà anh Nam cũng làm nghề này. Ngồi trò chuyện, anh cho biết: "Cái nghề này học đâu phải dễ dàng gì, người bình thường thì làm gì nghe được tiếng cá. Phải làm quen với con cá trước, rồi lặn xuống dưới nước ấy, vểnh tai mà nghe, 2 - 3 tháng đầu sai là bình thường".
Mới đầu, lặn xuống nước, căng tai nghe cũng chả thấy gì, chỉ nghe thấy tiếng máy nổ của thuyền phía trên và tiếng nước ùng ục. Vài tháng đầu tiên thì hầu như đoán gì cũng sai nên không dám đi theo ghe, thuyền, toàn phải tự tập. Đến khi có kinh nghiệm, nghe đúng nhiều rồi thì mới bắt đầu mới xin đi cùng những chuyến cá lớn để các bậc “tiền bối” chỉ dạy thêm bí quyết.
Làm nghề "nghe" cá nhanh giàu, sau mỗi lần đi biển, các thuyền viên khác được một phần thì người nghe cá được tới bốn phần. Bởi công việc của họ cực khổ mà cũng quan trọng bậc nhất, quyết định cho việc thành bại của cả một chuyến đi. Đến mỗi vị trí, họ phải lặn xuống trước tiên, sâu khoảng nửa mét dưới ghe để có không gian yên tĩnh nhất. Lúc này, nếu có cá hướng nào thì luồng nước sẽ mạnh lên hướng đó nên chỉ cần nhắm theo một hướng mà nghe xem số lượng bao nhiêu để báo cho các thuyền viên phía trên giăng lưới.
Gặp cao thủ "nghe" cá
Nghe người dân đây kể, khu phố Hải Trung (thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ) có một người nghe cá rất tài, nổi tiếng khắp trong ngoài, đó là ông Bảy Liễu.
Tìm đến nhà nhưng ông lại đi vắng. Trong lúc ngồi chờ ông Liễu, tôi nói chuyện với một số người dân xung quanh thì được hay, ông Bảy Liễu này nghe cá giỏi lắm, nhất khu vực này luôn. Một bà bảo: "Ghe tôi trước cũng mời ổng đi nghe cá giùm, ổng nghe chính xác đến mức biết cả loài cá nào đang tới và số lượng bao nhiêu tấn nên vụ đó trúng cũng khá”. Nhiều người, ai cũng biết đến ông Bảy Liễu vì cái tài trời phú này.
Một hồi lâu sau, tôi tiếp chuyện với ông, tuy đã ở tuổi 65 nhưng trông ông vẫn còn rất nhanh nhẹn. Hết làm việc này xong, ông lại quay sang nói chuyện với người khác, đôi mắt tinh anh, sắc lẹm của ngư dân chài lưới quả không lẫn vào đâu được. Ông cười bảo: “Nghề này vất vả thật nhưng thú vị lắm. Con người không dạy mình nghe cá mà chính con cá nó dạy. Nó kêu vào tai mình, cho mình nghe nó thế là biết.”
Ông Bảy Liễu hào hứng kể về nghề độc đáo của mình
Tên thật của ông là Bạch Văn Liễu, bắt đầu nghe cá từ năm 18 tuổi vì một thời gian dài, ông theo cha học nghề này trên các chuyến ghe tàu. Trời phú cho ông đôi tai nhạy bén nên người ta mất 2, 3 tháng thì mới nghe chính xác được tiếng cá, còn ông chỉ mất chưa đầy 1 tháng. Cái nghề này theo gắn bó với gia đình ông đã ba đời, từ đời ông nội, truyền lại cho ba, ba truyền lại cho ông.
Ông kể, để nghe cá không cần đồ dùng gì cả, chỉ mặc độc có cái quần xà lỏn, nhảy xuống nước, cách bờ 0,5 m. Phạm vi nghe có thể lên tới 50 km, cho nên nếu có cá thì chỉ cần 1 phút sau, theo nhịp nước chảy là ta có thể đoán được số lượng nhiều hay ít. Kinh nghiệm cho hay, nước chảy mạnh, có tiếng vù vù thì cá khá là nhiều nhưng là loài nhỏ, còn nước chảy mạnh, đều là cá lớn. Khi cá vào chừng 100 m là có thể nghe rõ tiếng kêu của nó. Mỗi loài cá kêu mỗi khác nhưng không phải cá nào cũng kêu. Loài cá nấu (cá trích, cá thu ẩu) thì không kêu, chỉ có các loại như sóc nanh, cá ngao vàng đuôi, cá sóc trắng, cá lù đù, cá đỏ dạ mới kêu thôi.
Mỗi loại có tiếng kêu đặc biệt khác nhau, qua đó phân biệt được loài nào với loài nào. Chẳng hạn như cá sóc nanh kêu cụp... cụp, cá sóc trắng thì tọc... tọc, cá ngao vàng đuôi lại kêu lục đục lục đục. Để phân biệt được như vậy, phải lặn nhiều, nghe nhiều, sai vài lần thì lần sau tự khắc đúng. Biết loài cá, nghề này cũng nắm được đến 90% số lượng mỗi đàn bơi vào, qua đó việc giăng lưới thành phạm vi cũng dễ dàng hơn. Cái nghề này cực, 4h sáng phải lặn trước, tìm vị trí, nơi này không có ra nơi khác tìm, nhưng phải lặn tìm ít nhất 5 phút mới đi chỗ khác.
Theo nghề gần 50 năm, ông Liễu không kể hết là đã ra khơi bao nhiêu lần cũng nhu số lần đoán biết cá chính xác. Chỉ biết, khắp người dân vùng này, nhắc đến “Bảy Liễu nghe cá” thì ai cũng biết đến ông như một bậc thầy cừ khôi vậy. Tuy đã nghỉ hưu nhưng hai con trai của ông cũng đã tiếp bước cha để phát triển nó.
Hiện giờ, ông Liễu vừa đảm nhận chức Trưởng ban Công tác Mặt trận khu phố Hải Tân (thị trấn Phước Hải) vừa là thành viên trong Ban Quản lý Dinh Ông Nam Hải (khu phố Phước An). Gia đình ông có 9 người con nay đều có cuộc sống ổn định, làm việc nhà nước, 2 người con trai của ông cũng đang cho thấy sự xuất sắc không thua kém cha mình trong nghề nghe cá này.