TIN THỦY SẢN

Những ngày quyết gỡ “thẻ vàng” IUU để xây dựng nghề cá phát triển bền vững

Gỡ ‘thẻ vàng” IUU là một nhiệm vụ trọng tâm trước mắt để Việt Nam xây dựng nghề cá phát triển bền vững Ảnh: laodong.vn Sáu Nghệ

Theo kế hoạch của Bộ NN&PTNT, chương trình đón và làm việc với Đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC) lần 4 về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) sẽ diễn ra từ ngày 10 - 18/10/2023.

Trước đó, trong ngày 18/9/2023, Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn đầu sang làm việc với các cơ quan của EC tại Bỉ đã khẳng định, gỡ ‘thẻ vàng” IUU là một nhiệm vụ trọng tâm trước mắt để Việt Nam xây dựng nghề cá phát triển bền vững.

Lịch làm việc của Đoàn thanh tra

Đoàn thanh tra của EC dự kiến gồm đại diện Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản (DG-MARE) cùng Phái đoàn EC tại Việt Nam. Thanh tra nhằm đánh giá kết quả triển khai các khuyến nghị của EC về chống đánh bắt IUU, trong đó tập trung kiểm tra các khuyến nghị sau chuyến thanh tra lần 3 vào tháng 10/2022 để đưa ra kết luận có gỡ bỏ hay không cảnh báo ‘thẻ vàng’ với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam.

Cụ thể, Đoàn đến Việt Nam ngày 10/10, sẽ kiểm tra thực địa và làm việc kỹ thuật từ ngày 10 - 17/10. Trong đó, ngày 11 - 15/10, Đoàn làm việc với Cục Thú y; Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường; một số doanh nghiệp xuất khẩu; kiểm tra thực địa tại cảng cá chỉ định theo Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng (PSMA) và tại địa phương. Ngày 16 - 17/10, Đoàn làm việc kỹ thuật với Cục Kiểm ngư, Cục Thủy sản, Cục Thú y và Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cùng một số đơn vị có liên quan.

Một tàu cá ở Quảng Ngãi được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình

Ngày 18/10, Đoàn sẽ đối thoại cấp cao với lãnh đạo Bộ NN&PTNT. Bộ nêu rõ mục tiêu làm việc: Tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam chống khai thác IUU, tiến tới hài hòa quy định quốc tế và phát triển bền vững ngành khai thác hải sản Việt Nam.

Đồng thời, tạo được niềm tin và sự hiểu biết lẫn nhau đối với hiện trạng, những nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam trong chống khai thác IUU cũng như trong chuyển đổi từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm và phát triển bền vững qua thực thi Luật Thủy sản. Việt Nam chủ động tăng cường hợp tác với EU trong việc thúc đẩy và triển khai có kết quả các khuyến nghị của EC tại "cảnh báo thẻ vàng" IUU.

Việt Nam quyết gỡ "thẻ vàng" với hoạt động thực tế: Không để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài. Toàn bộ tàu cá tại địa phương khớp số liệu giữa báo cáo với Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase); kiểm soát 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên xuất, nhập bến; giám sát 100% sản lượng hải sản khai thác theo quy định, đặc biệt là khối tàu từ 15m trở lên.

Hướng tới nghề cá phát triển bền vững

Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn đầu Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT làm việc với các cơ quan của EC tại Brussel, Bỉ ngày 18/9/2023. Ảnh: vnbusiness.vn

Cũng nỗ lực gỡ “thẻ vàng” IUU, Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn đầu đã sang làm việc với các cơ quan của EC tại Brussel, Bỉ ngày 18/9/2023. Phía EU có Cao ủy Môi trường, đại dương và nghề cá cùng Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản (DG-MARE), Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ quan điểm của Việt Nam xác định chống khai thác IUU là trách nhiệm để giữ uy tín trên trường quốc tế. Gỡ "thẻ vàng" cũng là cơ hội cho ngành khai thác hải sản Việt Nam chuyển đổi từ nghề cá truyền thống, quy mô nhỏ, nhiệt đới, đa nghề, đa loài sang một nghề cá có trách nhiệm, phát triển bền vững.

Thực hiện mục tiêu đã đề ra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan giới thiệu, Việt Nam đã xây dựng được khung pháp lý đầy đủ về quản lý nghề cá và chống khai thác IUU. Tổ chức quản lý tàu cá khá hiện đại, đã xây dựng và vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về tàu cá (đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác) kết nối từ Trung ương đến địa phương, liên thông với các lực lượng thực thi pháp luật (Kiểm ngư, Biên phòng, Cảnh sát biển). 

Trên 98% tàu cá hoạt động vùng khơi (có chiều dài từ 15m trở lên) đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Công tác truy xuất nguồn gốc hải sản chuyển biến tốt. Thực thi pháp luật nghiêm túc nên năm 2023, tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài giảm 84,35% so với năm 2016, chấm dứt tàu cá vi phạm các quốc đảo Thái Bình Dương.

Đặc biệt, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Việt Nam đang có chiến lược giảm cường lực khai thác, giảm đội tàu và chuyển sang phát triển nuôi trồng để phát triển ngành thủy sản bền vững.

Trước những kết quả Bộ trưởng Lê Minh Hoan giới thiệu, đại diện EC bày tỏ sự vui mừng về sự hợp tác giữa hai bên không ngừng phát triển và mong muốn hỗ trợ Việt Nam trở thành một hình mẫu của thế giới trong việc phát triển bền vững ngành thủy sản và chống khai thác IUU.

Sáu Nghệ