TIN THỦY SẢN

Những nhân tố ảnh hưởng đến năng suất nuôi cá lồng

Nuôi cá lồng ở Hòa Bình Lệ Thủy Tổng hợp

Bài viết được tóm tắt từ nghiên cứu của Lưu Thị Thảo (2018) được đăng trên tạp chí Tạp chí Khoa học - Công nghệ Thủy sản số 1 năm 2019 để cho thấy những nhân tố ảnh hưởng đến năng suất nuôi cá lồng.

Nghề nuôi cá lồng là một nghề nuôi trồng thủy sản được phát triển mạnh trong những năm gần đây. Với nhiều ưu điểm so với nuôi trong ao như nước thường xuyên thay đổi nên có thể nuôi cá ở mật độ cao; môi trường nuôi cá sạch, không bị ô nhiễm bởi các chất thải của cá nên cá lớn nhanh; hao hụt ít, hạn chế được dịch hại; quản lý, chăm sóc, thu hoạch thuận lợi; năng suất cao… Nuôi cá lồng không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với việc gia tăng sản lượng thủy sản, mang lại nguồn thu cho quốc gia, cải thiện đời sống người dân mà còn giúp tái tạo và bảo vệ nguồn gen, môi trường sinh thái.

Hình 1: Mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến năng suất cá lồng

Năng suất sản xuất: Theo Adam Smith, năng suất (Productivity) là thước đo lượng đầu ra được tạo ra dựa trên các yếu tố đầu vào. Đối tượng nuôi chủ yếu của các hộ tại huyện Đà Bắc chủ yếu là cá Trắm cỏ, cá Chép, cá Diêu hồng. Do vậy trong nghiên cứu này, tác giả tập trung nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến năng suất của các loại cá này. 

Mật độ thả giống (con/m³): Mật độ thả giống là số lượng con giống hoặc trọng lượng giống được thả trên một đơn vị diện tích mặt nước hay lồng bè nuôi. Để xác định mật độ thả thích hợp cho diện tích nuôi hay lồng nuôi và từng phương thức nuôi, các yếu tố cần quan tâm là diện tích mặt nước, nguồn thức ăn, năng lực của người nuôi… Nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới đã kết luận rằng năng suất nuôi tỉ lệ thuận với mật độ giống thả, tới một điểm cực đại thì năng suất bắt đầu giảm. Do vậy, với các yếu tố và nguồn lực sẵn có của người nuôi thì nhân tố này sẽ có mối quan hệ dương với năng suất cá lồng.

Kinh nghiệm nuôi (Năm nuôi cá lồng): Thể hiện số năm hoạt động trong nghề nuôi cá lồng. Kinh nghiệm được tích lũy qua nhiều năm từ những vụ nuôi, học hỏi kinh nghiệm của bạn bè, càng trải qua nhiều vụ nuôi thì người dân sẽ càng hiểu rõ được đối tượng nuôi của mình. Những kinh nghiệm đó sẽ giúp cho người nuôi nắm bắt kịp thời và xử lý một cách có hiệu quả trong vụ nuôi, biết được mùa vụ thích hợp, thời điểm thả giống, cách cho ăn và quản lý chăm sóc lồng nuôi,…

Chi phí thức ăn (nghìn đồng/ha): Thức ăn là nhân tố không kém phần quan trọng trong hoạt động nuôi. Thức ăn cá tạp tươi hay thức ăn công nghiệp có chất lượng sẽ thúc đẩy nhanh quá trình tăng trưởng, phát triển của cá giúp cho người nuôi rút ngắn thời gian nuôi, giảm chi phí. 

Chi phí lao động là Chi phí lao động trên 1 đơn vị diện tích nuôi (triệu đồng/m³ lồng nuôi).

Thể tích lồng nuôi(m³): Thể hiện quy mô lồng nuôi

Trình độ học vấn: Trình độ học vấn càng cao thì người nuôi có khả năng tiếp cận với những kiến thức mới hơn, hiệu quả hơn áp dụng vào cơ sở sản xuất, do đó làm tăng năng suất nuôi và tăng thu nhập cho hộ gia đình.

Khoảng cách giữa các lồng (m): Trong diễn đàn về hiệu quả nuôi cá lồng bè bền vững trên sông, hồ vùng Trung du miền núi phía Bắc chỉ ra rằng đối với hồ chứa, mỗi cụm bố trí từ 10 – 15 lồng, các cụm lồng cách nhau từ 200 – 300m, đặt so le nhau. Tại hồ chứa tổng diện tích lồng, bè không quá 0,2% diện tích khu vực đặt lồng. Cụ thể là 1ha mặt thoáng hồ chứa chỉ được nuôi 1 cụm lồng 20m². Nuôi nhiều hơn sẽ bị ô nhiễm

Tập huấn kỹ thuật: Vấn đề tập huấn kỹ thuật nuôi có vai trò rất quan trọng vì nuôi cá lồng bè mới là phương pháp mới cần áp dụng khoa học kỹ thuật để thực hiện vụ nuôi nhằm đạt hiệu quả cao. Việc hiểu được tầm quan trọng khi thả nuôi đúng thời vụ, xây dựng lồng bè, chọn con giống, cho ăn hợp lý... đều là những bước quyết định đến kết quả sản xuất sau cùng. Do vậy, nghiên cứu kỳ vọng rằng những hộ được tập huấn kỹ thuật sẽ có tác động tích cực đến hiệu quả nghề nuôi.

Kết quả nghiên cứu cho thấy các yếu tố ảnh hưởng tới năng suất nuôi tại khu vực này bao gồm: Trình độ học vấn của chủ hộ, chi phí thức ăn, Mật độ lồng nuôi và Tập huấn trong nuôi trồng thủy sản. Trong các yếu tố trên, thì được tập huấn trong NTTS và Chi phí thức ăn là hai yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng đề xuất một số khuyến nghị nhằm nâng cao năng suất nuôi cho các hộ nuôi cá lồng bè tại khu vực này, đó là: 

Thứ nhất, cần nghiên cứu các loại thức ăn công nghiệp phù hợp với những đối tượng nuôi này để thay thế thức ăn tươi sống mà các hộ nuôi đang sử dụng như hiện nay. Kết quả khảo sát cho thấy chi phí thức ăn chiếm phần lớn trong cơ cấu chi phí nghề nuôi cá lồng tại khu vực này và ảnh hưởng có ý nghĩa thống kê tới năng suất nuôi của hộ gia đình. Tuy nhiên, việc sử dụng thức ăn công nghiệp sẽ làm giảm đáng kể chi phí nuôi, nâng cao hiệu quả nghề nuôi, đồng thời vừa đảm bảo được môi trường nuôi không bị ô nhiễm do dư lượng thức ăn tươi sống gây ra. 

Thứ hai, nâng cao trình độ đối với lao động làm nghề nuôi cá biển.

Nghiên cứu của Lưu Thị Thảo (2018) được đăng trên tạp chí Tạp chí Khoa học - Công nghệ Thủy sản số 1 năm 2019.

Lệ Thủy Tổng hợp