Nỗi đau một vùng biển
Một vùng biển nơi có những vịnh xanh hằng ngày đang chịu nỗi đau bởi hàng triệu tấn tro xỉ đe dọa, khai thác thủy sản tận diệt, nước thải sinh hoạt, bùn đất…
Mấy ngày nay, những trận mưa lớn kéo theo bùn, đất đá từ các dự án bất động sản trên đồi cao tại phường Bãi Cháy, TP.Hạ Long (Quảng Ninh) trút bùn xuống biển khiến nước vịnh Hạ Long chuyển màu từ xanh sang nâu. Những trận lũ bùn như xát muối vào vết thương của vùng biển này, vốn đã chịu nhiều nỗi đau từ hàng chục năm nay.
Một người bạn của tôi, đang công tác tại Hà Nội ngạc nhiên, thắc mắc không hiểu vì sao người ta lại dễ dàng để bùn đất đổ ồ át xuống bờ vịnh Hạ Long như thế.
Tôi cũng chỉ biết đáp lại rằng: "Chuyện nó là như vậy đấy! Ai cũng biết, chỉ một vài người cố tình không biết...".
Chỉ trong vòng 10 năm qua, Quảng Ninh trở thành trung tâm nhiệt điện của các nước khi có đến 7 nhà máy nhiệt điện than. Cũng dễ hiểu phần nào vì Quảng Ninh có một ngành công nghiệp than và đang trong giai đoạn khó khăn. Sự phát triển ồ ạt của các nhà máy nhiệt điện than ở Quảng Ninh thành ra “lợi bất cập hại”, khi phải giải quyết hàng triệu tấn tro xỉ mỗi năm. Những bãi tro xỉ đang ngày một đầy lên, nơi thì quá tải, nơi kêu cứu.
Hàng chục năm qua, người dân TP.Cẩm Phả (Quảng Ninh) gánh chịu nỗi đau khi bị tới 4 nhà máy nhiệt điện, 1 nhà máy xi măng cùng hàng loạt các bãi thải mỏ sừng sững bủa vây. Bao nhiêu khói bụi, người dân đã lãnh đủ. Khu vực cửa Lục trên vịnh Hạ Long cũng đầy rẫy những cảng than, nhà máy nhiệt điện, xi măng, hàng loạt hệ thống cống thoát nước chĩa thẳng ra biển. Trong khi đó nguy cơ ô nhiễm môi trường biển ở Quảng Ninh, nhất là vùng di sản vịnh Hạ Long đang hiện hữu.
Đã có những lời cảnh báo được đưa ra, UNESCO đã nhiều lần khuyến nghị về vùng đệm vịnh Hạ Long môi trường cảnh quan đang bị tàn phá.
Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Ninh, trong số hơn 300 loài cá, 450 động vật thân mềm thì trên vùng biển địa phương này có nhiều loài đã biến mất như: bào ngư 7 lỗ ở Cô Tô; tôm he; tôm hùm vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long; hải sâm; tôm mũ ni đỏ...
Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cách đây 1 năm, tỉnh Quảng Ninh đã phát lệnh mở đợt cao điểm truy quét tàu cá sử dụng ngư cụ đánh bắt hải sản bằng phương pháp tận diệt: đánh mìn, kích điện, lồng bát quái... Chỉ sau 1 năm các lực lượng chức năng của địa phương này (Biên phòng, CSGT đường thủy, kiểm ngư...) đã thu giữ hàng nghìn bộ lồng bát quái, cùng hàng nghìn mét dây điện, bộ kích điện.
Xét cho cùng thì ngư dân cũng vừa đáng trách cũng vừa đáng thương. Họ cũng vì mưu sinh mà phải ra biển mò con tôm, con cá… Người ta tố cáo rằng những chiếc lồng bát quái, trông như chiếc hộp vuông ghép bằng lưới và kéo dài hàng trăm mét là một trong những dụng cụ tàn sát các loại tôm cá.
Thế còn bùn đất, vàng dầu nước thải đang ngày ngày chảy ra biển bởi các dự án bất động sản, nhà máy nhiệt điện… thì các cơ quan chức năng lại kết luận rằng không gây nguy hại cho vịnh Hạ Long và nằm trong ngưỡng cho phép(?).
*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người dân sống ở Quảng Ninh.
Vào hồi 6 giờ 35 phút ngày 4-8, tại khu vực Chương Lửa thuộc vùng biển thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, Đội tuần tra kiểm soát Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Hòn Gai, BĐBP Quảng Ninh đã phát hiện và bắt giữ 4 thuyền nan vỏ tre không biển kiểm soát, sử dụng phương tiện đánh bắt hải sản theo kiểu tận diệt.
Trên 4 phương tiện nói trên, ông Lê Văn Đạo (SN 1963), Lê Thị Ngoan (SN 1978), Lê Thị Hường (SN 1978) và Lê Thị Hường (SN 1983), đều trú tại thị xã Quảng Yên, đang sử dụng lồng bát quái để khai thác thủy sản trái phép. Qua kiểm tra ban đầu, trên 4 thuyền vỏ nan có 150 lồng bát quái.
Mặc dù tỉnh Quảng Ninh đã có quy định cấm đánh bắt, khai thác thủy sản trong vùng lõi vịnh Hạ Long, đặc biệt là xử lý nghiêm khắc đối với các trường hợp sử dụng ngư cụ trái phép để đánh bắt theo kiểu tận diệt, nhưng một số ngư dân vẫn cố tình vi phạm.
Bài ảnh: Báo Biên Phòng