TIN THỦY SẢN

Nông dân Vĩnh Châu vào vụ sản xuất Artemia năm 2019

Thu hoạch artemia. Chí Thanh

Năm 2019, theo kế hoạch thị xã Vĩnh Châu sẽ thả nuôi khoảng 800 ha artemia. Đến thời điểm này, diêm dân ở đây đã thả nuôi được 650 ha artemia, đạt trên 83% kế hoạch. Chủ yếu ở các xã Lai Hòa, Vĩnh Tân và phường Vĩnh Phước.

Hiện nay, Vĩnh Châu đã thu hoạch được 414 kg trứng tươi artemia, giá 1 kg là 1 triệu đồng và trên 3 tấn sinh khối, giá mỗi kg là 55.000 đồng đến 60.000 đồng. Ông Sơn Mạnh ở khóm Biển Dưới, phường Vĩnh Phước có 3.000m2 nuôi artemia. Mỗi ngày thu hoạch 2 kg trứng artemia, ông Sơn Mạnh thu về 2 triệu đồng. Ông chia sẻ: “Nhờ nuôi artemia nên tôi thấy cuộc sống của nông dân ở đây ổn hơn”. Còn với ông Huỳnh Văn Hải ở khóm Biển Dưới phường Vĩnh Phước thì cho rằng: Hiện nay bình quân 1 ngày ao nuôi artemia của tôi thu hoạch hơn 1 kg trứng. Hiện nay giá trứng artemia 1 triệu là tương đối ổn. Nếu thời tiết nắng kéo dài thì thu hoạch trứng artemia được lâu hơn.

Artemia là loài giáp xác thủy sinh sống trong điều kiện nước có độ mặn cao từ 60 ‰ - 120 ‰. Theo nhận định của Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Trung tâm ứng dựng và chuyển giao công nghệ thủy sản thuộc Khoa Thủy sản trường đại học Cần Thơ thì trên thế giới có rất ít nước nuôi được artemia và độ đạm của trứng artemia không cao bằng Việt Nam. Riêng trứng artemia sản xuất tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng luôn được khách hàng quốc tế đánh giá có chất lượng cao nhất thế giới. Vì vậy, luôn bán được giá cao hơn so với trứng artemia của các nước khác.

Với hàm lượng dinh dưỡng cao, trứng artemia ở Vĩnh Châu không những cung cấp cho thị trường trong nước làm thức ăn cho tôm giống, cua giống, cá cảnh mà còn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, mang lại nguồn thu nhập lớn, giúp nhiều hộ dân nuôi artemia ở đây thoát nghèo.


Trứng artemia.

Năm 2019, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nuôi artemia đạt hiệu quả cao, các đơn vị chuyên ngành thị xã Vĩnh Châu đã thực hiện tốt việc phổ biến thời vụ nuôi hợp lý, hướng dẫn bà con từ khâu làm đất, lấy nước đến quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn trên quy mô rộng, nhằm cải tiến môi trường kỹ thuật nuôi artemia truyền thống để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Thạc sĩ Lê Văn Thông, Khoa thủy sản trường đại học Cần Thơ, phụ trách trại thực nghiệm artemia Vĩnh Châu, khuyến cáo: Hiện nay nhiệt độ ban ngày dao động từ khoảng 37- 41 độ C, bà con nuôi Atemia không nên sử dụng phân chuồng và phân hóa học trực tiếp xuống ao giống mà phải có diện tích ao riêng. Để bón phân gây màu tảo bà con phải cung cấp tảo vô ao, vừa để hạ độ mặn vừa cung cấp thức ăn tươi cho artemia thì sẽ hạn chế được sự ảnh hưởng.

“Về độ sâu mặt nước, thường thì bà con giữ được mặt nước khoảng 1 tấc 2 tấc, nhưng quan trọng là độ mặn. Nếu độ mặn cao thì ao rất là nóng nên bà con phải nâng mặt nước lên và có tảo trong đó. Một số bà con thấy nóng quá cho nước phù sa ngoài kinh sáng vào ao, nước trong ao không có thức ăn thì artemia chỉ có thể tốt nhất thời, nhưng sau đó artemia sẽ yếu và chết do không có gì để ăn”, thạc sĩ Lê Văn Thông cho biết thêm. 

Hiện nay bà con ở  thị xã Vĩnh Châu đang tiếp tục thả nuôi artemia và sẽ kết thúc thời vụ xuống giống loại giáp xác thủy sinh này vào tháng 5 âm lịch. Trong những năm gần đây nhiều người dân ở Vĩnh Châu đã chuyển đổi từ làm muối hoặc nuôi tôm sang nuôi artemia, qua đó cho thấy mô hình này dần khẳng định được hiệu quả kinh tế là 1 trong 5 đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh Sóc Trăng cần phải được đầu tư phát triển.

Chí Thanh THST