TIN THỦY SẢN

Nuôi cá nước ngọt gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm: Nhu cầu thiết yếu của người dân

Sản lượng cá điêu hồng hàng năm trên hồ Định Bình rất lớn. Ảnh: NTN NTN

Hồ Định Bình, huyện Vĩnh Thạnh, với tiềm năng nguồn nước dồi dào, hiện có khoảng 30 hộ đang nuôi cá lồng bè, với khoảng 125 lồng, tổng thể tích lồng nuôi lên đến hơn 10.000 m3.

Trong vài năm trở lại đây việc phát triển nuôi cá nước ngọt trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực, đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ nuôi. Ngoài đối tượng nuôi chính là cá điêu hồng với sản lượng hàng năm khoảng 700 tấn, người dân ở đây còn nuôi các loại cá có giá trị kinh tế cao như cá thát lát cườm, cá lăng nha, cá chình bông, cá rô đầu vuông, cá bống tượng,…

Điển hình anh Bùi Văn Nhị, xã Vĩnh Hảo có thâm niên trong nghề nuôi cá lồng trên hồ Định Bình. Trước đây, anh chủ yếu tập trung nuôi các đối tượng như cá điêu hồng, rô phi,…mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho gia đình. Nhưng trong vài năm trở lại đây, nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi và phục vụ nhu cầu của thị trường anh đã mạnh dạn đầu tư và thả nuôi thêm cá thát lát cườm. Hiện tại, cơ sở của gia đình anh có tất cả 10 lồng nuôi cá, với diện tích của mỗi lồng là 50m3, trong đó có 8 lồng nuôi cá điêu hồng và 2 lồng nuôi cá thát lát.

Anh Nhị chia sẻ: “Tôi bắt đầu nuôi cá điêu hồng từ năm 2009, sau vài vụ nuôi thành công, tôi mở rộng quy mô lồng nuôi và đầu tư thêm vốn để thả nuôi các loại cá khác. Đầu năm 2023, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông, tôi thả nuôi 5.000 con cá giống thát lát kích cỡ 6 – 10 cm/con.

Đến thời điểm hiện tại cá phát triển rất tốt, kích cỡ đồng đều trung bình đạt 470 gam/con, ước lãi đến thời điểm hiện tại dao động từ 40 – 42 triệu đồng. Tôi sẽ tiếp tục đầu tư và chăm sóc đến khi đạt trọng lượng thương phẩm để thu hoạch, khi đó hiệu quả kinh tế đem lại sẽ cao hơn. Đây là đối tượng mới nuôi, so với các giống cá hiện đang nuôi, cá thát lát cườm có giá trị kinh tế cao hơn hẳn, cá lớn nhanh và chống chịu được bệnh tốt”.

Tuy nhiên, việc phát triển nuôi cá nước ngọt hiện nay gặp phải một số khó khăn cần giải quyết như việc chưa chủ động được nguồn cá giống có chất lượng, công tác phòng và trị bệnh cho cá nuôi gặp rất nhiều khó khăn, việc sử dụng thuốc điều trị hiệu quả mang lại không cao. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ chưa được ổn định, các hộ nuôi thường bị thương lái ép giá. Vì vậy việc phát triển nghề nuôi cá theo hướng liên kết tiêu thụ sản phẩm là ưu tiên cấp bách trong thời gian đến. Điều cần thiết là các hộ nuôi cần liên kết thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, chi hội để hỗ trợ lẫn nhau về mặt kỹ thuật, cùng nhau hỗ trợ trong sản xuất cũng như tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm.

Cá thát lát cườm, đối tượng nuôi mới có hiệu quả kinh tế. Ảnh: NTN

Ngoài ra, việc phát triển nuôi cá cần phải có sự quản lý, hướng dẫn của các cơ quan chức năng chuyên môn, quy hoạch vùng nuôi phù hợp, tránh phát triển tràn lan; các hộ nuôi phải đăng ký và được cấp phép nuôi cá lồng bè; tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật, thủy sản,…

Anh Nguyễn Trọng Độ, xã Vĩnh Hảo cho biết: Đa số các hộ nuôi cá trên địa bàn huyện đều có kinh nghiệm cũng như được hướng dẫn kỹ thuật từ các cơ quan chuyên môn, có sản lượng cá thương phẩm nhưng đầu ra thì chưa ổn định. Nhiều khi cá đạt kích cỡ thương phẩm thì không có thương lái thu mua hoặc bị ép giá. Chẳng hạn như hiện nay, giá cá rất bấp bênh, cá điêu hồng lúc thì dược 50.000 đồng/kg, có lúc lại giảm xuống chỉ còn 35.000 đồng/kg, nên tâm lý người nuôi rất dao động. Bà con chúng tôi mong các cơ quan chuyên môn giúp đỡ, hỗ trợ trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.

Ông Lê Văn Thuận, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh cho hay: Trong những năm qua, Trung tâm đã phối hợp triển khai nhiều mô hình nuôi cá nước ngọt thương phẩm như cá thát lát, cá điêu hồng, cá chình, cá rô đầu vuông,… đã đem lại thu nhập ổn định, góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục tham mưu UBND huyện xây dựng các mô hình gắn với liên kết trong sản xuất, hỗ trợ các hộ dân ký hợp đồng với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm với giá cả hợp lý, tạo đầu ra ổn định, qua đó giúp các hộ dân yên tâm trong việc phát triển nghề nuôi cá.

Với diện tích mặt nước lớn, huyện Vĩnh Thạnh có nhiều tiềm năng để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt, sản lượng mang lại có thể tăng lên gấp nhiều lần so với hiện nay. Chính quyền địa phương cần có chính xác xây dựng và nhân rộng các mô hình, dự án nuôi cá lồng trên hồ chứa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ người nuôi có thị trường tiêu thụ với giá cả ổn định, yên tâm sản xuất và phục vụ cho nhu cầu chế biến và xuất khẩu của các doanh nghiệp.

NTN