Nuôi hàu sữa Thái Bình Dương, cơ hội làm giàu cho nông dân Cẩm Xuyên
Mô hình nuôi hàu sữa Thái Bình Dương treo dây đang được người dân ở huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) thực hiện mang lại nguồn thu nhập ổn định, mở ra cơ hội làm giàu mới cho người dân nơi đây.
Về xã Cẩm Lộc, huyện Cẩm Xuyên, đi dọc theo khu vực sông Quèn đâu đâu cũng thấy những tấm bè tre lớn nuôi hàu treo dây. Những chiếc bè làm bằng tre có diện tích hàng trăm m2 nổi trên mặt nước. Mỗi cây tre được treo vô số những dây hàu lớn nhỏ khác nhau.
Cầm trên tay dây hàu sữa Thái Bình Dương, ông Lê Minh Thông (thôn Tân Trung Thủy, xã Cẩm Lộc) chia sẻ: “Tôi đã đầu tư gần 30 triệu đồng làm bè nuôi hàu trên dòng sông Quèn để thả hơn 10.000 dây hàu giống (8 vỏ/dây) trên diện tích 380 m2. Qua 5 tháng nuôi, đến nay, hàu phát triển nhanh với tỉ lệ sống khá cao, thịt nhiều, giàu dinh dưỡng, chất lượng thơm ngon nên rất được thị trường ưa chuộng”.
Cách đó không xa, tại bè nổi nuôi hàu sữa Thái Bình Dương của chị Lê Thị Nhung, cùng thôn Tân Trung Thủy cũng bước vào kỳ thu hoạch. Chị Nhung phấn khởi nói: "Với giống hàu này, thời gian nuôi ngắn, từ 5 - 6 tháng là cho thu hoạch, trong khi giống hàu truyền thống có thời gian nuôi khá dài, từ 15 - 18 tháng. Tôi nuôi trên diện tích 250 m2, tính ra thu về gần 3 tấn hàu vỏ và 750 kg hàu tách vỏ. Mỗi kg hàu vỏ, tôi bán với giá 30.000 đồng, còn hàu tách vỏ lấy ruột đóng gói bán với giá 120.000 đồng/kg. Tính ra, tôi sẽ thu lãi gấp 4 - 5 lần so với vốn đầu tư ban đầu. Sau khi thu hoạch lứa hàu này, gia đình tôi sẽ mở rộng thêm 1 bè nữa".
Hiện tại, toàn bộ khu vực nuôi hàu sữa Thái Bình Dương thuộc thôn Tân Trung Thủy (xã Cẩm Lộc) có trên 11 hộ tham gia với quy mô hơn 3.600 m2. Số lượng giống thả là 100.000 mảnh (giống nhân tạo), bắt đầu thả từ ngày 2/6/2022, đến nay đã vào mùa thu hoạch. Sản lượng ước tính đạt khoảng 50 - 70 tấn/3.600 m2.
Theo một số người dân địa phương, do những năm gần đây nghề nuôi tôm, cá trong lồng bè gặp nhiều khó khăn như dịch bệnh, giá thành sản xuất cao, đầu ra bấp bênh nên bà con chuyển sang nuôi hàu giống Thái Bình Dương. So với các đối tượng nuôi khác, nuôi hàu chi phí bỏ ra không lớn, kỹ thuật đơn giản, chủ yếu bỏ công lao động chăm sóc, đầu ra và giá cả lại khá ổn định.
Hơn nữa, môi trường khu vực sông Quèn có điều kiện thuận lợi về nguồn nước sạch, lưu thông thường xuyên với dòng chảy nhẹ, có nhiều sinh vật phù du; độ mặn thích hợp để nuôi hàu.
Theo đó, để giàn bè có thể chịu được khối lượng hàu phát triển, người nuôi hàu chia nhỏ nhiều dây nuôi. Cứ 5 giá thể cho hàu bám được bố trí trên một dây; mỗi giá thể trên dây cách nhau 10 - 20 cm, từ dây này đến dây kia cách nhau 20 - 30cm, mỗi hàng dây cách nhau 30 - 40cm.
Một dây hàu sữa Thái Bình Dương có tới 30 - 40 con hàu. Nuôi hàu có 2 thời điểm lấy giống là giai đoạn tháng 3 - 4 và tháng 8 - 9 âm lịch.
Đối với kỹ thuật thì nuôi hàu Thái Bình Dương khá đơn giản, người nuôi không cần cho ăn, thức ăn của hàu chủ yếu là tảo đơn bào, chất hữu cơ lơ lửng trong nước. Người nuôi chỉ cần theo dõi và vệ sinh để hạn chế bị ốc và các sinh vật, đất bùn bám vào làm hàu chết hoặc chậm phát triển.
Nuôi hàu, sau khi cạy tách ruột, người nuôi còn có thể tận dụng vỏ hàu bán cho các cơ sở làm giá thể cấy hàu giống, nuôi hàu bằng giá thể vỏ hàu an toàn, thân thiện với môi trường nước và không gây ô nhiễm.
Theo ước tính, bè hàu sữa có điện tích 100 m2 sẽ cho thu 1,3 - 1,5 tấn hàu vỏ và khoảng 250 kg hàu ruột tách vỏ. Với giá thị trường hiện nay, 1 kg hàu vỏ được bán với giá khoảng 25 - 30.000 đồng, hàu ruột tách vỏ 80 - 120.000 đồng/kg. Điều đáng mừng, hàu nuôi ở ven sông Quèn được thị trường rất ưa chuộng vì ngọt và mang vị đặc trưng. Vì thế, bà con thu hoạch tới đâu, tiêu thụ hết tới đó, giúp người dân có thu nhập khá và yên tâm gắn bó với nghề nuôi hàu.
Với hiệu quả kinh tế mang lại, mô hình nuôi hàu trên dây ở khu vực sông Quèn đang được các hộ nuôi nhân rộng.
Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lộc Nguyễn Văn Tuân cho biết: “Trong tình hình điều kiện nguồn lợi đánh bắt hải sản ngày một cạn kiệt, việc phát triển nuôi hàu đã góp phần mang lại lợi ích kinh tế cho người dân. Đặc biệt, hàu là đối tượng ăn lọc, thức ăn cung cấp cho hàu chủ yếu từ nguồn nước tự nhiên nên nuôi hàu góp phần cải thiện môi trường nước tại khu vực nuôi. Đối với hàu sữa Thái Bình Dương, giống hàu nhân tạo nên bà con chủ động về con giống, mùa vụ; quá trình lựa chọn vùng nuôi có các yếu tố môi trường tốt, năng suất, sản lượng đạt cao hơn. Bên cạnh đó, vốn đầu tư không nhiều, không phải cung cấp thức ăn nên người dân có thể chia thả cuốn chiếu nhiều đợt, cho thu hoạch hàu thương phẩm quanh năm”.