Nuôi tôm công nghệ cao: Giải quyết vốn thôi thì chưa đủ!
Phải chăng chỉ cần giải quyết vấn đề vốn là đã đủ để việc ứng dụng nuôi tôm công nghệ cao đi đến thành công?
Doanh nghiệp lo ngại
Theo gợi ý của ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, một trong những hướng giải quyết vốn để lan rộng mô hình nuôi tôm công nghệ cao có thể bắt đầu từ doanh nghiệp. Nghĩa là các doanh nghiệp chế biến tôm sẽ đứng ra vay vốn ngân hàng rồi hỗ trợ trực tiếp cho người nuôi tôm và bao tiêu sản phẩm của họ.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Quốc Tuấn, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc điều hành tập đoàn Việt Úc (đơn vị có mô hình nuôi tôm mới, bước đầu thành công ở Bạc Liêu), định hướng này cần phải có thời gian mới có thể triển khai được. Ông cho rằng việc nuôi tôm có rủi ro lớn và nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao thì cần vốn đầu tư khá nhiều. “Việc nuôi thành công hay thất bại chủ yếu nằm ở phía nông dân vì họ là người trực tiếp nuôi. Nhưng trong trường hợp thất bại thì rõ ràng doanh nghiệp phải gánh chịu rủi ro tổn thất tài chính. Tôi thấy hướng giải quyết này không chặt chẽ ở chỗ người giữ quyền quyết định thì không chịu rủi ro, còn người không có quyền quyết định lại phải hứng chịu rủi ro...”.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại Bạc Liêu. Ảnh: Trung Chánh
Ở góc độ người nông dân, ông Võ Hồng Ngoãn, người được mệnh danh là “vua tôm”, cho biết ông ủng hộ hướng đề xuất của ông chủ tịch tỉnh Bạc Liêu. Theo ông Ngoãn, nếu cả doanh nghiệp chế biến lẫn các tập đoàn giống, thức ăn cùng bắt tay liên kết với nông dân thì chẳng những giúp nông dân có vốn đầu tư, mà còn giúp giảm bớt gánh nặng cho các đơn vị quản lý chuyên ngành vì sản phẩm không phải qua trung gian. “Nhưng trên thực tế, doanh nghiệp chỉ chọn một vài hộ điển hình để cho vay ưu đãi, còn công ty giống thì cũng chỉ giảm giá con giống chứ không chịu đứng ra vay rồi đầu tư cho nông dân...”, ông Ngoãn cho biết do nghề nuôi tôm có quá nhiều rủi ro nên doanh nghiệp nào cũng sợ.
Ông Trần Văn Phẩm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (STAPIMEX), cũng bày tỏ sự băn khoăn về tính khả thi của giải pháp mà ông chủ tịch tỉnh Bạc Liêu đã gợi ý. Theo ông Phẩm, trong khi chính sách cho doanh nghiệp vay tín chấp vẫn chưa cụ thể, rõ ràng thì chuyện doanh nghiệp phải vay bằng thế chấp tài sản là rất khó lòng, cũng bởi việc nuôi tôm rủi ro cao, doanh nghiệp rất sợ mất vốn.
Mấu chốt là tăng tỷ lệ nuôi thành công
Theo ông Tuấn của tập đoàn Việt Úc, “nuôi tôm là ngành siêu lợi nhuận (vốn đầu tư 70.000 đồng/ki lô gam nhưng có thể bán được 140.000 đồng/ki lô gam) nên chỉ cần vụ nuôi thành công là nông dân sẽ có tiền”. “Nếu một năm thành công hai vụ thì chỉ cần hai năm, người nuôi đã có vốn để làm các vụ tiếp theo mà không cần vay mượn”, ông nói.
“Nhưng tại sao người dân cứ luôn thiếu vốn, cứ phải lo đi vay?”. Trả lời câu hỏi này, ông Tuấn cho rằng chính bởi vì nhiều vụ nuôi không thành công. Ông nói: “Tôi nghĩ thay vì giải quyết bài toán về vốn thì nên tập trung vào việc làm sao để tăng tỷ lệ nuôi thành công”. Theo ông Tuấn, khi tỷ lệ này tăng cao thì tự nhiên người dân sẽ có nhiều sáng kiến và nhiều điều kiện để huy động các nguồn vốn hùn hạp và bài toán vốn sẽ được giải quyết.
“Vậy làm sao để nuôi tôm thành công?”. Ông Tuấn cho biết chuỗi giá trị ngành tôm ảnh hưởng bởi nhiều khâu, từ giống, thức ăn đến quá trình nuôi. Và để nuôi tôm thành công thì giống là phần quan trọng nhất. “Giống phải thật chuẩn và người nuôi có quyền quyết định chọn loại giống nào. Đây là vấn đề khó của lĩnh vực tôm trong khi nhiều nông dân vẫn thiếu thông tin. Họ vẫn nghĩ theo kiểu “giống nào cũng là giống” và cách chọn giống an toàn lại là chọn con giống có giá rẻ, bởi lỡ có thất bại thì thiệt hại sẽ ít hơn! Ông Tuấn cho rằng chính với tư tưởng đó nên nhiều người nuôi đã không thật sự quan tâm đến chất lượng tôm giống, trong khi đây là yếu tố đầu vào quan trọng hàng đầu.
Cũng theo ông Tuấn, việc kiểm soát chất lượng giống thuộc trách nhiệm của quản lý nhà nước. Các cơ quan hữu trách cần phải thiết lập được một hệ thống chuẩn mực: như thế nào là giống tốt, như thế nào là trại giống đạt chuẩn, làm thế nào kiểm soát giống trên thị trường để đảm bảo con giống đến tay người nuôi đạt chất lượng.
Ngoài giống, các yếu tố đầu vào khác cũng cần phải được kiểm soát, đó là về men vi sinh, thuốc, kháng sinh... Ông Tuấn nhận xét tuy Việt Nam là cường quốc về tôm nhưng các ngành bổ trợ thì lại cực kỳ yếu. “Nó giống như câu chuyện Samsung muốn mua mấy con ốc vít nhưng ta không cung cấp được”. Chính do mọi thứ hầu như đều phải nhập từ nước ngoài về rồi mới sang chiết, đóng nhãn mác để bán ra thị trường nên dẫn đến hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan.
Còn trong quá trình nuôi, theo ông Tuấn, tôm là sinh vật tương đối nhạy cảm với môi trường và dịch bệnh nên cần hết sức chú trọng phòng bệnh, vì một khi chúng đã nhiễm bệnh thì rất khó cứu chữa. Do vậy, nông dân cần xóa bỏ cách nghĩ xưa nay là nên học theo người này, người kia có “mẹo” nuôi tôm hay mà cần chuyển sang tiếp cận việc nuôi tôm theo hướng khoa học.
Trong khi đó, ông Phẩm lưu ý vốn đầu tư chỉ là yếu tố cần nhưng chưa đủ. Việc ứng dụng nuôi tôm công nghệ cao cần có những con người tương thích. “Ví như anh mua một cái máy mà giao cho một anh nông dân không có kiến thức gì về nó thì anh ấy cũng không vận hành tốt được”, ông nói và đặt vấn đề nền giáo dục cần phải thay đổi để tạo ra những thế hệ nông dân có thể nhanh chóng thích nghi với những tri thức mới, công nghệ mới.