Nuôi tôm thẻ ứng dụng công nghệ Biofloc, thu lợi nhuận hơn 1,2 tỷ/ha/năm
Trung bình người dân thu được 1,2 tỷ đồng/ha/năm khi nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn bằng công nghệ Biofloc.
Thay đổi tư duy
Ngày 30/11, tại Hải Phòng, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT Hải Phòng phối hợp tổ chức Hội thảo tổng kết dự án "Xây dựng mô hình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn bằng công nghệ Biofloc gắn tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh phía Bắc".
Hội thảo được kết nối trực tuyến với các điểm cầu tại Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thanh Hoá, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình, Trung tâm Khuyến nông Nam Định.
Theo Trung tâm Khuyến nông (TTKN) Hải Phòng, dự án được triển khai từ tháng 3 đến tháng 12/2021 với 5 mô hình tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định và Thanh Hóa.
Tổng diện tích triển khai dự án là 5,883 ha, trung bình từ 1- 1,5ha/mô hình, trong giai đoạn 1 mật độ nuôi thử nghiệm là 1.200 con/m2, tỷ lệ sống đạt ≥ 90%, thời gian nuôi 20-25 ngày, còn giai đoạn 2, mmật độ 120 con/m2, tỷ lệ sống đạt ≥ 75%, năng suất ≥ 18 tấn/ha, thời gian nuôi 65-80 ngày.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn bằng công nghệ biofloc đạt lợi nhuận bình quân 1.229.525.000 đồng/ha, so với các hộ nuôi theo hình thức truyền thống không áp dụng công nghệ biofloc hoặc nuôi 2 giai đoạn đạt 754.223.000 đồng/ha cao hơn 63%.
Cụ thể, tại Quảng Ninh, tổng diện tích nuôi theo mô hình là 1,11ha, đạt năng suất 18,67 tấn/ha, tỷ lệ sống trung bình đạt 80%, cỡ thu hoạch đạt 18gr/con, lãi sau khi trừ chi phí đạt hơn 1,3 tỷ đồng/ha.
Tại Hải Phòng, quy mô nuôi theo mô hình là 1,4ha, thời gian nuôi là 95 ngày, tỷ lệ sống đạt 75,4%, năng suất đạt 23,46 tấn/ha, thu lợi nhuận 1,523 tỷ đồng/ha.
Tại Nam Định, tổng diện tích nuôi theo mô hình là 1,11ha, thời gian nuôi là 88 ngày, năng suất đạt 20,15 tấn/ha, lợi nhuận đạt 682 triệu đồng/ha.
Tại Thái Bình, tổng diện tích nuôi là theo mô hình là 1,11ha, thời gian nuôi là 104 ngày, năng suất đạt 21.6 tấn/ha, hiệu quả kinh tế đạt 1,4 tỷ đồng/ha, cao hơn so với nuôi tôm ngoài mô hình 19%.
Tại Thanh Hóa, mô hình được triển khai tại 1,11ha, thời gian nuôi là 113 ngày, năng suất đạt 20,72 tấn/ha, lợi nhuận đạt 1,6 tỷ đồng/ha.
Mô hình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn bằng công nghệ biofloc gắn tiêu thụ sản phẩm triển khai năm thứ 3 đã giúp người nuôi thay đổi tư duy, tích cực ứng dụng công nghệ mới để phát triển bền vững.
Người dân đã nhận thức được những lợi ích thiết thực đó là giảm chi phí thức ăn, hóa chất, giảm dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm và tăng tỉ lệ sống, tạo ra sản phẩm chất lượng phục vụ người tiêu dùng. Hiệu quả đạt được cao hơn và khả năng nhân rộng của mô hình rất lớn.
Qua kết quả kiểm tra hàng tháng của các cán bộ kỹ thuật cho thấy tốc độ sinh trưởng ở giai đoạn 1 nhanh nhất, đặc biệt đối với các hộ ương trong nhà bạt, kiểm soát rất tốt các yếu tố môi trường, duy trì mật độ Biofloc tốt, tôm đạt cỡ 700 - 1000 con/kg, tỉ lệ sống 90 - 92%.
Trong đó, giai đoạn tháng nuôi thứ 3 tốc độ sinh trưởng có chậm hơn do thời tiết nắng nóng xen mưa lớn làm hệ thống biofloc biến động, các hộ dân tích cực khôi phục hệ thống floc và ổn định môi trường giúp tôm sinh trưởng phát triển tốt.
Mặt khác do kiểm soát tốt các yếu tố môi trường, dịch bệnh, mô hình đã tạo ra sản phẩm có chất lượng cao hơn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ cho người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu.
Ông Vũ Văn Tin, hộ nuôi tôm ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng cho biết: Trước đây gia đình tôi theo phương pháp truyền thống, chúng tôi không quản lý được môi trường, dịch bệnh nên hệ số thức ăn cao, tôm sinh trưởng chậm và tỷ lệ sống đạt thấp.
Mặt khác, do tình hình thời tiết thay đổi, môi trường, nguồn nước vùng nuôi ngày càng ô nhiễm nên dịch bệnh thường diễn biến phức tạp, khó kiểm soát khiến hiệu quả kinh tế giảm, thu nhập bấp bênh.
Nay, được thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn bằng công nghệ Biofloc, những khó khăn vướng mắc trước đây dần được khắc phục, thời gian nuôi và chi phí đều giảm, hiệu quả kinh tế tăng lên rõ rệt.
“Gia đình tôi nuôi theo mô hình từ năm 2020 với diện tích 4.000 m2, thời gian nuôi rút ngắn xuống còn 89-90 ngày, tôm đạt cỡ 48-50 con/1 kg, tỷ lệ sống đạt trên 70%, lãi ròng từ 500-600 triệu đồng/2 vụ”, ông Tin chia sẻ.
“Dự án giúp người dân thay đổi tư duy nhận thức về việc tiếp cận các công nghệ cao trong nuôi tôm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, giảm hệ số thức ăn, giảm chi phí sản xuất và tăng tỷ lệ sống, gối vụ được nhiều vụ, một năm có thể nuôi được 4 đợt (truyền thống chỉ 2 đợt). Mặt khác, sản phẩm làm ra đảm bảo an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích nuôi”, Thạc sĩ Đặng Thị Thanh – Trưởng phòng Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng cho biết.
Hội thảo được kết nối trực tuyến với TTKN Quốc gia và 5 tỉnh, thành tham gia dự án. Ảnh: Đinh Mười.
Nông dân yên tâm sản xuất
Quá trình thực hiện dự án, một số đơn vị như Trung tâm khuyến nông Hải Phòng, Quảng Ninh đã đưa chỉ tiêu cam kết tiêu thụ sản phẩm cho các hộ tham gia dự án là một điều kiện bắt buộc đối với đơn vị cung cấp con giống, vật tư.
Doanh nghiệp vừa cung cấp vật tư đầu vào để mở rộng thị trường, vừa giúp người nuôi tiêu thụ sản phẩm với giá cả phù hợp theo thị trường. Như vậy, cả hai bên đều có những lợi ích thiết thực.
Kết quả thực tế cho thấy, các đơn vị tiêu thụ sản phẩm đã thực hiện nghiêm túc các điều khoản trong hợp đồng liên kết. Công ty TNHH Khoa Thành thu mua tại Hải Phòng 30,5 tấn, tại Nam Định 20,159 tấn.
Việc liên kết đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nuôi, giá cả cũng phụ thuộc thị trường tuy nhiên không bị ép giá, sau 3 năm triển khai dự án, việc liên kết, giới thiệu các công ty, hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm giúp các hộ nuôi yên tâm sản xuất.
Người dân thu lãi lớn khi nuôi tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ Biofloc. Ảnh minh họa.
Song song với việc được hướng dẫn chuyển giao toàn bộ quy trình kỹ thuật mới, tiến bộ, được hưởng lợi từ sự gia tăng sản xuất do áp dụng tiến bộ kỹ thuật, người nuôi còn được hưởng lợi từ sự hỗ trợ không thu hồi về giống, vật tư, hộ dân có vốn để quay vòng sản xuất.
“Qúa trình thực hiện dự án, các nhóm hộ, có hội thảo trao đổi giữa các tỉnh, để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, mở rộng các mối quan hệ trong sản xuất, liên kết tiêu thụ từ trong kỹ thuật, đến tiêu thụ. Mặt khác, nông dân được hướng dẫn xây dựng các video, chia sẻ những thông tin về mô hình cũng như sản phẩm của mô hình sản xuất tôm để quảng bá trên các trang mạng xã hội, giúp người dân làm quen và sau đó là chủ động trong việc Maketing sản phẩm của mình làm ra”, ông Nguyễn Ngọc Đam – GĐ TTKN Hải Phòng cho biết.