Phát hiện nhiều mẫu rau, thịt, thủy sản... vượt ngưỡng an toàn cho phép
Trong 7 tháng đầu năm 2016, qua kiểm tra, lực lượng chức năng TP.HCM đã phát hiện 152/2.120 mẫu phân tích thực phẩm vượt ngưỡng an toàn cho phép; đồng thời cũng liên tục “khui” ra hàng loạt vụ sản xuất, chế biến thực phẩm bẩn, gây lo ngại cho người tiêu dùng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, trong tháng 7.2016, cơ quan này đã tổ chức kiểm tra, lấy 285 mẫu phân tích các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, trong đó 89 mẫu rau quả, 24 mẫu chất cấm trong chăn nuôi và 172 mẫu thủy sản. Lũy kế 7 tháng lấy 2.140 mẫu, trong đó có 410 mẫu rau quả, 1.283 mẫu chất cấm trong chăn nuôi và 447 mẫu thủy sản.
Kết quả có 152/2.120 mẫu vượt ngưỡng an toàn cho phép. Cụ thể, có 5/390 mẫu rau phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, 128/1.283 mẫu chất cấm trong chăn nuôi vượt ngưỡng cho phép, 19/447 mẫu thủy sản phát hiện dự lượng hóa chất cấm sử dụng.
Sở NN-PTNT cũng đã thanh tra, kiểm tra, xử lý 186 trường hợp vi phạm, trong đó trồng trọt 2 trường hợp, chăn nuôi 179 trường hợp và thủy sản 5 trường hợp. Lũy kế 7 tháng xử phạt 1.201 trường hợp, trong đó trồng trọt 7 trường hợp, chăn nuôi 1.150 trường hợp và thủy sản 44 trường hợp với số tiền là 4,284 tỉ đồng.
Trong khi đó, theo số liệu từ Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NN-PTNT), sau 6 tháng đầu năm, tỷ lệ mẫu thịt chứa hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng cho phép vẫn chiếm 1,3%; mẫu thủy sản các loại chứa hóa chất, kháng sinh là 5,3%; tình trạng vi phạm về thuốc bảo vệ thực vật trong rau củ quả vẫn chưa đạt mong muốn khi còn 3,98% mẫu vi phạm.
Không những vậy, các cơ quan chức năng cũng liên tục phát hiện hàng loạt vụ sản xuất, chế biến thực phẩm bẩn, gây lo ngại cho người tiêu dùng. Đơn cử, chỉ từ ngày 13-20.7, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã phát hiện và xử lý 50 vụ vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu hủy 1.196 con gà, vịt; 661kg thịt gia súc, gia cầm và 2.389 quả trứng gia cầm.
Như vậy, mặc dù các cơ quan chức năng đã liên tục kiểm tra và đưa ra nhiều chương trình “tuyên chiến” với thực phẩm bẩn, nhưng tình trạng rau nhiễm thuốc trừ sâu, thịt heo chứa chất cấm, thủy sản chứa hóa chất…vẫn tiếp diễn.
Đáng chú ý, bên cạnh xử lý thực phẩm bẩn, Sở NN-PTNT TP.HCM cũng tổ chức kiểm tra, đánh giá và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho một số cơ sở. Theo đó, trong tháng 7, cơ quan này đã cấp 162 giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, trong đó lĩnh vực trồng trọt 20 cơ sở, chăn nuôi 8 cơ sở và thủy sản 134 cơ sở. Trong 7 tháng, Sở đã cấp 573 giấy cho doanh nghiệp, cơ sở, trong đó lĩnh vực trồng trọt 88 cơ sở, chăn nuôi 33 cơ sở và thủy sản 452 cơ sở.
Về chứng nhận VietGAP, trong lĩnh vực trồng trọt, từ đầu năm 2016 đến nay, TP.HCM đã chứng nhận VietGAP cho 15 tổ chức, cá nhân sản xuất rau với tổng diện tích 28,03 ha diện tích canh tác, tương đương 110,42 ha diện tích gieo trồng, sản lượng ước tính 1.644,30 tấn/năm. Từ khi triển khai chương trình đến nay, TP đã chứng nhận cho 809 tổ chức, cá nhân, với tổng diện tích 505,32 ha, tương đương 2.567,80 ha diện tích gieo trồng, sản lượng dự kiến 55.040,53 tấn/năm.
TP cũng đã chứng nhận 744/848 hộ chăn nuôi heo tham gia mô hình, với tổng đàn 45.678/49.536 con. Đến nay, Ban Quản lý đề án chuỗi thực phẩm an toàn thành phố cũng đã cấp 96 giấy chứng nhận cho trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế vào chuỗi cho 55 cơ sở thuộc địa bàn thành phố và 11 tỉnh, với sản lượng 45.407 tấn/năm, 655.000 quả trứng/ngày và 4,4 triệu lít nước mắm/năm.
Theo Sở Công Thương TP.HCM, hiện tại, thực phẩm an toàn đạt tiêu chuẩn (VietGAP, GlobalGAP, HACCP) đưa vào thị trường thành phố đạt hơn 38.000 tấn/năm, trong đó rau củ quả cung ứng gần 18.000 tấn, nước mắm 3,6 triệu lít, thủy sản 1.576 tấn… Các sản phẩm này hiện đang được tiêu thụ tại 246 địa điểm phân phối trong hệ thống chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích và chuỗi kinh doanh của các doanh nghiệp.