TIN THỦY SẢN

Phát triển nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao tại Bình Định

Ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc trong nuôi tôm thẻ chân trắng ngày càng được nhân rộng. Ảnh: Tép Bạc NTN

Bình Định hiện có hơn 3.400 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, trong đó nuôi thủy sản nước lợ hơn 2.200 ha, nuôi thủy sản nước ngọt trên 1.000 ha, còn lại hơn 60 ha nuôi thủy sản nước mặn tập trung tại các vùng biển gần bờ ở thành phố Quy Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ và Hoài Nhơn.

Năm 2002, sản lượng nuôi trồng thủy sản của toàn tỉnh đạt hơn 13.200 tấn, trong đó sản lượng tôm đạt hơn 9.100 tấn. Đây là đối tượng nuôi chính của tỉnh với diện tích hơn 2,100 ha. 

Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản đã góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên qua thực tế triển khai, công tác này vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức như: việc liên kết giữa sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa chặt chẽ, sản xuất còn nhỏ lẻ nên ứng dụng công nghệ chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, việc liên kết sản xuất giữa các HTX, doanh nghiệp chưa bền vững, chi phí đầu tư cao.

Theo ông Lý Văn Vĩ, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phù Mỹ, cho biết: trong thời gần đây, việc nuôi tôm của bà con gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng do tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh,… nên việc ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm là vấn đề hết sức cấp bách.

Trên điạ bàn huyện, Công ty TNHH Việt Úc đang triển khai mô hình nuôi tôm áp dụng công nghệ Semi-Biofloc tại xã Mỹ Thành, với diện tích 116,34 ha, năng suất đạt trên 40 tấn/ha. Ngoài ra, ngành nông nghiệp của huyện đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao với năng suất đạt khoảng 22 tấn/ha. Tính đến năm 2023, toàn huyện đã chuyển đổi được 10 ha diện tích nuôi tôm tham canh bán thâm canh sang nuôi tôm công nghệ cao.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá cả bấp bênh nhưng do người nuôi đã chủ động đổi mới công nghệ, áp dụng các kỹ thuật nuôi mới nên nghề nuôi tôm của tỉnh đã có những bước phát triển khởi sắc. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đã ngày càng xuất hiện nhiều công ty, hợp tác xã nuôi trồng thủy sản theo quy trình hiện đại, công nghệ cao, mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn.

Áp dụng công nghệ Biofloc có nhiều ưu điểm hơn so với thông thường như không sử dụng kháng sinh, ít thay nước,... Ảnh: Tép Bạc

Ông Nguyễn Văn Thảo, Giám đốc Công ty TNHH Việt Úc Phù Mỹ, cho biết: đây là hướng đi tất yếu giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế cao. Áp dụng công nghệ Biofloc có nhiều ưu điểm hơn so với thông thường như: tận dụng sinh khối floc làm thức ăn cho tôm, không sử dụng kháng sinh, ít thay nước, môi trường ao nuôi ổn định giúp tôm phát triển tốt, hệ số FCR thấp, tôm đạt chất lượng phục vụ xuất khẩu.

Với sản lượng thu hoạch khá cao, năm 2021 thu hoạch được 1.100 tấn, năm 2022 là 1.250 tấn, năng suất bình quân đạt 40 – 60 tấn/ha, nuôi được 3 – 4 vụ/năm, giải quyết cho 209 lao động địa phương với thu nhập ổn định. Sắp tới, Công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới vào trong nuôi tôm như: máy sang tôm nhập khẩu từ Nauy, công nghệ sóng Sonar để quan sát và đếm tôm, xử lý nước theo công nghệ cao không sử dụng hóa chất,… 

Theo ông Phạm Thanh Nhân, Phụ trách phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản Bình Định: Nuôi trồng thủy sản nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói chung và trong nuôi tôm nói riêng đem lại một sản lượng hàng hóa lớn phục vụ cho nhu cầu chế biến xuất khẩu cũng như tiêu thụ nội địa.

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao được các cấp, các ngành rất quan tâm. Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản hiện nay đang áp dụng công nghệ Biofloc và Semi-Biofloc trong nuôi tôm thẻ chân trắng đã giúp giảm thiểu dịch bệnh, tăng năng suất cũng như chất lượng sản phẩm.

Trong thời gian tới ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục hướng dẫn và hỗ trợ người nuôi đủ điều kiện để chuyển sang nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 50 ha nuôi tôm công nghệ cao. Mục tiêu trong năm 2023 sẽ chuyển đổi được 65 ha, đến năm 2025 có 148 ha, năm 2030 có 197 ha. 

Với bờ biển dài hơn 134 km với nhiều đầm, hồ, vịnh, cửa biển, ngành nuôi trồng thủy sản của tỉnh đã có những bước phát triển khá nhanh và đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương ven biển. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm vùng nuôi, dịch bệnh diễn biến phức tạp và giá cả bấp bênh nên việc chuyển từ nuôi trồng thủy sản truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao là điều hết sức cần thiết, giúp cho ngành thủy sản phát triển theo hướng ngày càng bền vững.

NTN