TIN THỦY SẢN

Phòng ngừa nhiễm khuẩn trên tôm

Tôm thẻ chân trắng
Nhận biết những dấu hiệu nhiễm khuẩn trên tôm là vấn đề rất quan trọng giúp người nuôi thủy sản phát hiện sớm. Ảnh: Thủy sản 247 Nhất Linh

Việc nhận biết những dấu hiệu nhiễm khuẩn trên tôm là vấn đề rất quan trọng giúp người nuôi thủy sản phát hiện sớm, chữa trị kịp thời và có giải pháp phòng ngừa hiệu quả nhằm khống chế, gia tăng sản xuất và giảm thiểu thiệt hại cho ao nuôi.

Dấu hiệu nhận biết 

Khi đàn tôm bị nhiễm khuẩn, ao nuôi và tôm sẽ xuất hiện khá nhiều dấu hiệu khác thường có thể quan sát được bằng mắt thường. Cụ thể như thức ăn thừa tồn đọng trong ao, từ sức ăn của tôm có thể đánh giá được tôm đang khoẻ hay bệnh (sau mỗi lượt cho ăn đều tồn đọng nhiều thức ăn thừa trong ao thì chắc chắn tôm đang có dấu hiệu nhiễm bệnh). Bên cạnh đó, việc thức ăn thừa tồn đọng lâu và nhiều sẽ làm bẩn môi trường nước khiến tôm dễ phát sinh nhiều bệnh hơn. 

Tôm nổi đầu, tấp mé bờ, bắt mồi kém: Đây là dấu hiệu bất thường điển hình nên người nuôi cần phải lưu ý. Tình trạng này chỉ xuất hiện khi tôm đang bị bệnh hoặc môi trường nước không tốt. Ngoài ra, vẻ bề ngoài của tôm cũng là một dấu hiệu để nhận biết tình trạng sức khỏe của chúng. Nếu nhận thấy tôm có những dấu hiệu như:  

Phần thân bị đổi màu (một số bệnh sẽ khiến thân tôm đổi màu rõ rệt), tôm chuyển sang màu hơi xanh (do nhiễm vi khuẩn MBV, một loại virus ký sinh ở tế bào biểu mô hình ống gan tuỵ và tế bào biểu bì phía trước ruột giữa), tôm bị chuyển đỏ từng phần cho đến toàn thân (do nhiều nhóm vi khuẩn, virus GAV hoặc bội nhiễm với nhiều chủng virus khác), thân chuyển sang màu trắng đục (do chứng bông vải). 

Vỏ tôm: Bị mềm (có thể do chứng mềm vỏ), xuất hiện nhiều đốm đen (loại virus làm hoại tử cơ quan tạo máu và lập biểu mô của tôm (Hypodermal and Hematopoietic Necrosis Virus, IHHNV), có các đốm trắng (nhiễm virus đốm trắng). 

Tôm bị bệnh đốm trắngTôm bị nhiễm virus đốm trắng xuất hiện đốm trắng ở phần đầu vỏ tôm. Ảnh: Viện LoCi

Các bộ phận bên trong: Trong đầu tôm có màu hơi vàng, xuất hiện mùi hôi khi cắt bỏ (tôm bị nhiễm virus đầu vàng). Đường ruột của tôm ngắn, bị đứt gãy. Hệ thống đường ruột rỗng (có thể do nhiễm vi khuẩn Vibrio - là nhóm vi khuẩn cơ hội, khi tôm sốc do môi trường biến đổi xấu hoặc bị nhiễm các bệnh khác như virus, nấm, ký sinh trùng). Đường ruột có màu nhợt nhạt, trắng đục hoặc đỏ hồng (những cá thể tôm khoẻ mạnh, ăn uống bình thường sẽ có ruột màu vàng sáng hoặc vàng nhạt).  

Mang tôm: Xuất hiện nhiều sợi nấm. Mang chuyển sang màu xanh lục (có thể tôm bị nhiễm các loài ký sinh trùng Protozoa – kí sinh trùng rất phổ biến ở tôm nuôi và tôm giống khi điều kiện trại giống và ao nuôi kém) hoặc mang tôm xuất hiện màu nâu hoặc đen (có thể do bệnh đen mang ở tôm). 

Biện pháp phòng bệnh 

Luôn chọn thức ăn từ nguồn cung cấp uy tín, xuất xứ minh bạch. Nên chọn những loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, để đảm bảo đầy đủ cho nhu cầu sinh trưởng, phát triển của tôm trong suốt mùa vụ. Thức ăn phải sạch, khô ráo, tránh ẩm mốc, hư hỏng. Khi thức ăn đã có dấu hiệu bị mốc nên lập tức loại bỏ, tuyệt đối không tiếp tục sử dụng cho tôm ăn. 

Mỗi ngày cần theo dõi ao nuôi để điều chỉnh liều lượng thức ăn cho phù hợp, không quá ít và cũng không quá nhiều, tránh dư thừa, tồn đọng. Thức ăn thừa tích tụ sẽ gây ô nhiễm môi trường sống của tôm. Ngoài ra, người nuôi có thể bổ sung men vi sinh để cải thiện đường ruột cho tôm. 

Để đảm bảo điều kiện môi trường luôn lý tưởng cho tôm, cần tiến hành kiểm tra nguồn nước thường xuyên. Hàm lượng ôxy hòa tan trong ao tối ưu nhất là 5 ppm, đây là môi trường hoàn hảo cho sự tăng trưởng của tôm, giúp tôm mau lớn, ăn khỏe, phát triển tốt. Nếu mức ôxy hòa tan dưới 4 ppm thì cần áp dụng biện pháp xử lí ngay. 

Nhất Linh