TIN THỦY SẢN

Quảng Nam: Thất thu vụ cá chính

Sản lượng đạt thấp khiến ngư dân thất thu trong vụ cá chính. Ảnh: QUANG VIỆT Việt Quang

Vụ cá chính (ngày 1.4 - 30.9) đã khép lại với nhiều lo toan của ngư dân khi sản xuất thất thu, đầu vào tăng cao, đầu ra bấp bênh.

Mùa chính vụ thất bát

Cập bờ sau chuyến biển vừa qua, nhiều ngư dân lo lắng vì vụ cá chính đã ngưng nhưng thu nhập rất thấp trong khi đó, vụ cá bắc đang tới phải sản xuất trong điều kiện biển động thường xuyên. Ngư dân Nguyễn Đức Nghiệp (thôn Đông Tuần, xã Tam Hải, Núi Thành) - chủ tàu QNa-90747 hành nghề lưới vây ngày cho biết, mỗi chuyến biển gần 1 tháng trời ở ngư trường Hoàng Sa với 15 lao động tốn kém 200 triệu đồng, trong đó, chi phí nhiên liệu lên đến 180 triệu đồng. Trong 6 chuyến biển của vụ chính vừa qua, 4 chuyến thu đủ bù chi, 2 chuyến dư dôi không nhiều. “Tôi quan niệm vụ này thất thu thì có thể bù lại bằng vụ khác. Chỉ sợ các bạn biển tìm tàu khác, bởi hiện nay thiếu lao động nghiêm trọng” - ông Nghiệp nói. Ông Nguyễn Đức Thu - bạn biển cùng quê với ông Nghiệp tiếp lời: “Khó khăn lắm, chi tiêu mỗi ngày một tăng mà sản xuất không đạt. Tôi muốn có trước có sau nhưng làm ăn thất bát phải tìm chủ tàu mới đi biển vì sinh kế”.

Tại huyện Duy Xuyên, các chủ tàu công suất lớn cũng trong tình trạng tương tự. Hàng loạt tàu cá đã nằm bờ vì chi phí sản xuất quá cao trong khi sản lượng thu được quá thấp. Ông Võ Quốc Hai - cán bộ phụ trách thủy sản của UBND xã Duy Hải cho biết, nghề khai thác hải sản mất mùa kéo dài. Nghề chụp mực có sản lượng đạt thấp kỷ lục, chỉ bằng 15% so với cùng kỳ. Một số tàu theo nghề lưới vây chỉ thu đủ bù chi, nhiều tàu lỗ nặng. Nghề rập ghẹ duy trì cầm chừng. Tại xã Duy Vinh (Duy Xuyên), ngư dân Đỗ Văn Thành và Đỗ Văn Tiến đều cho hay, đánh bắt hải sản vụ này thua lỗ. “Nợ quá hạn, nợ xấu tăng lên, cứ đà sản xuất thất bát thì đến lúc ngân hàng cho vay vốn sẽ thu hồi tàu để bán” - anh Thành - chủ tàu vỏ thép QNa-93454 nói. Còn ông Tiến - chủ tàu vỏ thép QNa-93455, cho biết: “Dầu tăng liên tục từ tháng 4 đến nay đã kéo theo chi phí đầu vào tăng vọt. Cá thu ngày một ít ỏi khiến sản lượng quá thấp. Bạn biển cũng nghỉ vì không đủ thu nhập”.

Lo với tàu lớn

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, trong tổng số 39 tàu vỏ thép và composite hoạt động đến thời điểm này, đã có 26 tàu lay lắt, gồm 13 tàu theo nghề lưới vây và 13 tàu theo nghề lưới rê hỗn hợp. Kiêm nghề được xem là giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các tàu này nhưng không khả thi vì không thể huy động được vốn để đầu tư ngư lưới cụ và cải hoán thân tàu có giá trị lên đến hàng tỷ đồng. Các tàu lớn này không nằm bờ hoàn toàn, thi thoảng cũng vươn khơi để... nhắn tin về bờ, qua đó được nhận hỗ trợ tiền dầu với mức 400 triệu đồng/4 chuyến biển/năm. Nguyên nhân thất bại của các dự án tàu công suất lớn này, theo ngành chức năng là khai thác các công năng của tời kéo lưới, máy dò ngang, hầm bảo quản hải sản và các trang thiết bị phụ trợ khác không đạt. Thứ nữa, nhiều tàu vẫn còn gặp trở ngại khi vận hành các máy móc, thiết bị hiện đại khiến cho gián đoạn sản xuất và tăng chi phí đầu vào chuyến biển. Ngoài ra, suy giảm nguồn lợi cũng là vấn đề lớn khiến sản lượng giảm, vụ mùa thất bát.

Trước những khó khăn của các tàu công suất lớn nói riêng, nghề cá nói chung, Quảng Nam đang chờ hỗ trợ giải quyết từ trung ương. Ông Nguyễn Đình Toàn - Trưởng phòng Khai thác & phát triển nguồn lợi thủy sản (Chi cục Thủy sản Quảng Nam) cho rằng, mặc dù vẫn triển khai dự báo ngư trường và phổ biến đến ngư dân nhưng công tác này còn bất cập do không thể điều tra, quan trắc ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Để tháo gỡ khó khăn, ngành thủy sản đã tham mưu Sở NN&PTNT đề xuất Bộ NN&PTNT đầu tư nhân lực, vật lực điều tra, quan trắc, phổ biến ngư trường, nguồn lợi ở các vùng biển này để ngư dân phát hiện nguồn hải sản lớn, thu được sản lượng hải sản cao hơn. Về đầu ra hải sản, ông Toàn cho rằng rất bấp bênh vì quá phụ thuộc vào đầu nậu, tư thương. Đến thời điểm này, Quảng Nam vẫn chưa hoàn thiện các khu vực hậu cần nghề cá ở Tam Quang (Núi Thành) và Duy Nghĩa (Duy Xuyên) nên các ngành chức năng cần khẩn trương triển khai, qua đó giúp ngư dân ổn định đầu ra. Ngoài ra, các chủ tàu cần áp dụng công nghệ mới trong bảo quản hải sản để nâng cao giá trị kinh tế thu được.

Việt Quang Báo Quảng Ngãi