Quãng Ngãi: Kiểm soát tất cả tàu cá ra, vào bến
Để chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, Sở NN&PTNT vừa quyết định thành lập Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá, hoạt động tại cảng cá Tịnh Kỳ và cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa. Sau khi đi vào hoạt động (ngày 20.3.2018), lực lượng kiểm soát sẽ kiểm tra 100% tàu cá khi xuất, nhập bến tại các cửa biển, đồng thời sẽ xử lý nghiêm đối với tàu cá vi phạm.
Thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật trong khai thác hải sản vẫn còn diễn ra trên các vùng biển, đặc biệt là tàu cá và ngư dân trong tỉnh xâm phạm vùng biển nước ngoài, để khai thác hải sản trái phép vẫn chưa chấm dứt. Chính vì thế, việc ra đời Văn phòng kiểm soát nghề cá, được phối hợp thực hiện của nhiều cơ quan liên quan là hết sức cần thiết. Để hiểu thêm về vấn đề này, phóng viên Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phùng Đình Toàn - người đứng đầu Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá.
PV: Ông có thể cho biết cơ chế hoạt động của Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá vừa mới được thành lập?
Ông PHÙNG ĐÌNH TOÀN: Thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg, ngày 13.12.2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện và giao trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, tổ chức. Mục tiêu là, đến 30.6.2018, phải chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân của tỉnh khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố có biển tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt hơn công tác này. Theo đó, từ ngày 20.3, 100% tàu cá khi xuất, nhập bến tại cảng cá Tịnh Kỳ và cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa phải được Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá thực hiện kiểm tra, kiểm soát; 100% tàu cá khi xuất, nhập bến tại các cửa biển, bãi ngang ven biển, đảo phải được lực lượng bộ đội biên phòng quản lý, đặc biệt chú trọng đến việc kiểm tra chặt chẽ các tàu nằm trong danh sách vi phạm, hoặc có dấu hiệu nghi ngờ đánh bắt thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Đây là lần đầu tiên ở tỉnh ta thành lập Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá, nên chắc chắc sẽ gặp không ít khó khăn trong hoạt động. Cảng cá Tịnh Kỳ và cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa là hai cảng lớn của tỉnh, có nhiều tàu cá cập bến, vì vậy UBND tỉnh giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức cùng nhau phối hợp thực hiện. Trong đó, trọng tâm là kiểm tra, xử lý tình trạng tàu cá công suất lớn hành nghề lưới kéo đôi hoạt động trong vùng biển ven bờ của tỉnh, tình trạng sử dụng chất nổ khai thác thủy sản vùng ven biển. Bắt buộc chủ tàu khai thác hải sản xa bờ phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, khi xuất bến phải bật thiết bị 24/24 giờ, để kết nối với trạm bờ của Chi cục Thủy sản tỉnh...
PV: Hướng xử lý những tàu cá, ngư dân cố tình vi phạm như thế nào thưa ông?
Ông PHÙNG ĐÌNH TOÀN: Trong một thời gian dài, chúng ta đã nỗ lực tuyên truyền cho các chủ tàu cá, ngư dân hiểu về Luật Thủy sản 2017. Vì vậy với những trường hợp cố tình vi phạm quy định đánh bắt hải sản thì cơ quan chức năng sẽ có những biện pháp xử lý mạnh hơn. Trước hết, cơ quan chức năng sẽ tổ chức kiểm điểm công khai đối với chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép. Cùng với đó là, xem xét xử lý trách nhiệm đối với chủ tịch UBND cấp xã có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, nhất là ở các xã Bình Châu (Bình Sơn), An Vĩnh, An Hải (Lý Sơn), chủ tịch UBND các huyện, thành phố có biển. Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn và Lý Sơn phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh, nếu còn tình trạng tàu cá vi phạm hoặc tái phạm trong khai thác trái phép vùng biển nước ngoài.