Quảng Ninh: Chợ cá ô nhiễm, uy hiếp nơi neo, đậu tàu thuyền trên biển
Hôi thối, rác rưởi bủa vây trên bờ, mặt nước, luồng vào bến của tàu, thuyền bị cản trở là thực trạng của chợ cá Bến Do ở TP Cẩm Phả, Quảng Ninh.
Rác, nước thải vô tư xả thẳng xuống biển
Được triển khai xây dựng từ năm 2004, chợ cá Bến Do trên địa bàn phường Cẩm Thủy, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) nằm ở vùng đệm của vịnh Bái Tử Long đang gây ô nhiễm môi trường cho khu vực, uy hiếp luồng vào khu neo, đậu, tránh, trú bão của hàng trăm tàu, thuyền của ngư dân làm ăn trên vùng vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.
Nhiều lần đến khu vực chợ cá Bến Do cả vào hôm triều cường lẫn hôm nước cạn, PV ghi nhận công tác bảo vệ môi trường của chợ đáng báo động. Trong chợ, ngoài mép biển, rác thải sinh hoạt, vỏ thủy sản bị đổ, vứt bừa bãi khắp nơi khiến cho mặt nước biển khu vực này đổi thành một màu nhờ nhờ đục và bốc mùi tanh; mặt biển thì lềnh phềnh những túi bóng, chai nhựa vỏ thùng xốp…
Vỏ nhuyễn thể, rác thải được tuồn ra biển từ chợ cá Bến Do.
Đến khu vực có hàng chục tiểu thương đang bổ, tách sản phẩm hàu, PV không khỏi bị ngạt thở vì mùi hôi, thối bốc lên từ đám vỏ đánh đống ở góc chợ. Điều lạ là, sau khi hoàn thành việc chế biến hàu, đống vỏ bị mang đổ thẳng xuống góc biển mà không thông qua bất cứ quy trình xử lý nào.
Vỏ hàu, rác thải được rửa và xối ra mặt nước ven chợ.
Một phụ nữ đang ngồi bổ hàu ở gần mép nước nơi góc chợ cho hay: "Vỏ hàu sống vừa bổ xong đem đổ xuống biển thì đương nhiên phải hôi thối, bốc mùi ngột ngạt rồi". Hiện hệ thống thu gom nước thải ở chợ Bến Do có cũng như không. Bằng chứng là, các tiểu thương bơm nước rửa vỏ hải sản cứ thế tuôn thẳng bùn, cát ra biển.
Đủ các loại rác thải bị tiểu thương trong chợ vứt thẳng xuống biển.
Chỉ vào dòng nước bùn, cát đen kịt tràn trên nền chợ rồi ào ào xối xuống mặt biển, một nam tiểu thương đang dùng bơm rửa đống hàu, ngao cho biết: Trước đây trong chợ có hệ thống thu nước thải vào khu vực bể lắng, nhưng hệ thống này giờ đã bị đầy chẳng ai nạo, vét gì cả. Vì thế, tiểu thương cũng chẳng cách nào khác là phải xả thẳng xuống biển…
Những đống vỏ hàu bị đổ xuống mặt nước.
Việc gây ô nhiễm môi trường từ chợ Bến Do không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của một số hộ dân cư ở khu vực lân cận mà còn tác động tiêu cực đến bãi tắm của một doanh nghiệp mới đưa vào sử dụng cách đấy vài trăm mét và hệ thống nhà hàng ăn, uống trên vùng biển liền kề.
Tiểu thương rửa hải sản rồi xả thẳng nước ra biển.
Qua quan sát của PV, bãi tắm được đầu tư khá đẹp, được coi là điểm nhấn của TP Cẩm Phả trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng "từ nâu sang xanh". Thế nhưng, nhìn vùng nước biển màu nhờ nhờ, bốc mùi khó chịu như hiện nay thì chắc khó có thể thu hút được khách đến tắm… Anh Nguyễn Văn Tráng, nhà ở phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả nhận xét: "Khi bãi biển này hoạt động, gia đình tôi phấn khởi xuống tắm ngay. Nhưng chỉ tắm một lần rồi thôi vì nước biển bẩn, gây ngứa ngáy khó chịu".
Khu vực lối ra các nhà bè ăn, uống hải sản bị bủa vây rác thải, trong đó có sự "đóng góp" của chợ cá Bến Do.
Uy hiếp nghiêm trọng khu vực neo, đậu tàu thuyền?
Khu vực Bến Do được coi là một trong những vùng trọng điểm về neo, đậu tàu, thuyền tránh trú bão của TP Cẩm Phả nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung. Nhưng hiện nay, cùng với việc mở rộng không gian khu đô thị ven biển, bãi tắm thì hoạt động của chợ cá Bến Do đã và đang gây nên những khó khăn cho các phương tiện ra, vào neo, đậu ở khu vực này.
Bãi tắm nằm cách chợ cá Bến Do không xa nhưng không đảm bảo được môi trường nguồn nước dẫn đến thưa thớt khách đến tắm.
Qua quan sát của PV Báo Giao thông sáng 9/5, khi thủy triều rút cạn, vùng xung quanh chợ Bến Do ngoài những đống bùn, đất do hoạt động tôn tạo, xây dựng hạ tầng ở tuyến đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả đi qua thì thấy lổn nhổn những đống vỏ hàu và nhiều rác thải khác phát sinh từ hoạt động của chợ này.
Anh Nguyễn Văn Thế, chủ tàu thu mua hải sản nhà ở huyện Vân Đồn, Quảng Ninh cho biết: Trước đây, tàu của bà con có thể di chuyển vào sâu phía bên trong để giao hàng và tránh, trú mỗi khi có bão lớn. Tuy nhiên, với thực trạng luồng vào, mặt nước bị bồi lắng như thế này thì khi có bão lớn đổ về, hàng trăm tàu, thuyền của ngư dân sẽ không có chỗ vào tránh, trú được nữa…
Vùng mặt nước Bến Do vốn là địa điểm neo, đậu, tránh trú bão cho hàng trăm phương tiện của ngư dân.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch UBND phường Cẩm Thủy cho biết: Chợ cá Bến Do thuộc quyền quản lý của Công ty CP xây dựng và sản xuất bia, rượu, nước giải khát Cẩm Phả. Khu vực này được san, lấp và lấn biển từ năm 2004 trên diện tích khoảng 4ha với mục đích là làm dịch vụ hậu cần, điểm chung chuyển tiêu thụ hải sản, trong đó khu vực chợ có diện tích khoảng 3.000m2... "Khu vực Bến Do vốn đóng vai trò đặc biệt quan trọng cho tàu, thuyền vào neo, đậu, tránh trú bão. Tuy nhiên, hiện nay, khu vực này đã bị thu hẹp gần như mất công năng cho tàu, thuyền neo, đậu, tránh trú bão…", ông Hưng nói.
Theo ông Hưng, tên chợ cá Bến Do là doanh nghiệp tự ý đặt. Bởi thực tế, trước đây, nơi này theo quy hoạch của địa phương là bến cá và được hoạt động như chợ truyền thống mà thôi, đồng thời được quy hoạch khu vực phụ cận là điểm tránh, trú bão, neo đậu tàu, thuyền và dịch vụ hậu cần...
Ông Hưng cho biết, TP Cẩm Phả là địa phương có đường bờ biển dài gần 70km có nguồn lợi thủy sản khá phong phú. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, thành phố chưa có quy hoạch khu cảng cá. Vì thế, chợ cá Bến Do được hình thành đã đáp ứng được nhu cầu của ngư dân trong thời điểm nhất định.
Những váng bùn đen kịt ở bãi tắm cạnh chợ cá Bến Do khi thủy triều rút xuống sẽ khó thu hút được du khách về tắm biển.
"Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động của khu vực chợ cá này đã nảy sinh nhiều bất cập, mâu thuẫn và tác động tiêu cực đến môi trường các khu vực liền kề. Do đó, phường đã đề nghị cấp có thẩm quyền lập quy hoạch khu vực bến cá mới, đồng thời chuyển diện tích chợ cá Bến Do thành khu công viên ven biển để tạo điểm nhấn cho tuyến đường bao biển và tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp…", ông Hưng thông tin.
Liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường do hoạt động của chợ cá Bến Do gây ra, ông Nguyễn Duy Hưng cũng thừa nhận là có tình trạng này từ lâu. "Đúng là vùng nước ở khu vực bãi tắm hiện nay chưa đảm bảo được môi trường; việc đổ vỏ nhuyễn thể thẳng ra mặt biển là do trước đây, doanh nghiệp tổ chức chế biến hàu trong chợ rồi đổ ra.
Nếu theo tính toán kinh phí để xử lý chỗ vỏ nhuyễn thể đổ ra biển thì sẽ mất khoảng 700 triệu đồng, nên chưa có giải pháp xử lý dứt điểm. Hệ thống thu gom thoát nước ở trong chợ cũng đã bị ùn ứ do lâu không được nạo, vét… Tới đây, chính quyền sẽ phối hợp để kiểm tra tổng thể và đề xuất giải pháp cụ thể để xử lý vấn đề này", ông Hưng nói.