"Nhùng nhằng" chuyện bãi triều ở Phú Hải
Với diện tích hàng trăm ha, khu vực bãi triều xã Phú Hải (Hải Hà) đã được quy hoạch thành 2 khu vực riêng biệt: Một dành cho các hộ dân, doanh nghiệp đầu tư nuôi trồng thủy sản và một dành cho người dân khai thác tự nhiên. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, khu vực bãi triều dành cho khai thác tự nhiên đang bị lấn chiếm trái phép khiến cho “kế sinh nhai” của nhiều hộ dân các xã Phú Hải, Quảng Trung, Quảng Điền, Quảng Chính, thị trấn Quảng Hà… bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Khi bãi triều khai thác tự nhiên bị lấn chiếm
Sau những chiếc cọc bê tông này vốn là khu vực dành cho khai thác tự nhiên nhưng đến nay đã có người cắm cọc, quây lưới trái phép.
Có mặt tại khu vực bãi triều xã Phú Hải vào buổi sáng những ngày đầu tháng 6, theo ghi nhận của phóng viên Báo Quảng Ninh, trên khu vực bãi triều rộng hàng trăm héc-ta với cơ man nào là những ô, bãi đã được cắm cọc, quây lưới và những chòi canh được dựng lên để nuôi ngao, nghêu. Phía ngoài các bãi được cắm cọc chỉ lác đác một vài nhóm ngư dân làm nghề đào sá sùng. Theo một số người dân, thì những ngày này lẽ ra trên bãi triều phải có hàng trăm người dân đào sá sùng vì thời điểm này đang vào những ngày nước kém. Nghề đào sá sùng tại đây từ nhiều năm nay đã là “kế sinh nhai” cho một bộ phận lớn người dân xã Phú Hải và một số xã lân cận, thị trấn Quảng Hà. Tuy nhiên, cũng theo phản ánh của người dân, nhiều năm nay, khu vực bãi triều dành cho khai thác tự nhiên ngày càng bị thu hẹp do các hộ nuôi ngao, nghêu lấn chiếm với diện tích lớn. Nhiều người dân đã phải bỏ bãi đi khai thác tại Tiên Yên, Đầm Hà, Móng Cái. Cũng do khu vực khai thác tự nhiên ngày càng bị thu hẹp, một bộ phận người dân đã phải vào khu vực các ao đã được cắm cọc, quây lưới trên khu vực bãi triều dành cho khai thác tự nhiên để khai thác sá sùng. Tuy nhiên, khi khai thác trong khu vực này, người dân phải thực hiện theo kiểu “ăn chia” 50/50 với chủ các bãi.
Cặm cụi đào từ sáng sớm nhưng đến trưa, Nguyễn Văn Ch, 18 tuổi ở xã Quảng Trung mới chỉ đào được chưa đến nửa cân sá sùng. Ch cho biết: Nhà em có 4 người thì cả nhà đều làm nghề đào sá sùng. Hôm nay nước cạn, bố mẹ em không đi đào mà chỉ có mình em đi. Do người ta quây bãi, cấm khai thác nên từ sáng đến giờ em đào chẳng được bao nhiêu.
Còn chị Hương, người dân xã Quảng Điền thì bức xúc: Nhiều năm nay, nguồn thu nhập chính của gia đình tôi là từ nghề đào sá sùng tại khu vực bãi triều này. Địa phương đã cắm mốc phân chia rõ ràng khu vực dành cho nuôi ngao, nghêu và khu vực dành cho người dân khai thác tự nhiên nhưng không hiểu sao các hộ nuôi ngao, nghêu lại ngang nhiên cắm cọc, quây lưới chiếm dụng bãi thành của riêng, cấm không cho người dân khai thác. Khi chúng tôi vào khai thác trong các khu vực cắm cọc, quây lưới thì các chủ đầm yêu cầu phải nộp lại một nửa sá sùng đã khai thác hoặc bán rẻ lại với giá thấp hơn một nửa. Nếu không đồng ý thì họ chặt mai (dụng cụ của người dân dùng để đào sá sùng). Gần đây, trên khu vực bãi triều này đã xảy ra tình trạng chủ các bãi quây trái phép hành hung những người dân khi họ vào khai thác trong bãi mà không đồng ý với quy định của chủ bãi.
Chị Nguyễn Thị Th, người dân xã Phú Hải bức xúc cho biết: Việc một số người dân tự ý lấn chiếm bãi triều khu vực dành cho người dân khai thác tự nhiên để thu tiền theo kiểu “thu tô” diễn ra nhiều năm nay chẳng hiểu địa phương có biết hay không. Chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều lần đến các cấp chính quyền nhưng không được giải quyết. Do bãi khai thác tự nhiên ngày càng bị thu hẹp, nhiều người dân đã chấp nhận vào khai thác trong khu vực người ta lấn chiếm trái phép theo hình thức ăn chia 50/50. Hiện nay, giá sá sùng tươi từ 170.000-200.000 đồng/kg thì mỗi ngày họ thu bất chính hàng chục triệu đồng. Thực tế, trong khu vực bãi triều lấn chiếm trái phép, phần lớn các chủ bãi không thả nuôi ngao, nghêu mà chỉ quây lưới lấn chiếm rồi thu tiền của người dân?
Địa phương đã thực sự vào cuộc?
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Phạm Văn Minh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Hải cho biết: Nhiều năm nay, trên khu vực bãi triều của xã Phú Hải đã xảy ra tình trạng tranh chấp bãi triều giữa các hộ dân nuôi ngao, nghêu và các hộ dân khai thác tự nhiên. Để giải quyết tình trạng này, huyện Hải Hà đã thực hiện quy hoạch rõ ràng vùng bãi triều dành cho nuôi trồng thủy sản và vùng bãi triều dành cho khai thác tự nhiên và được cắm cột mốc bê tông phân vùng cụ thể. Tuy nhiên, các hộ dân nuôi ngao, nghêu giáp ranh với khu vực bãi triều dành cho khai thác tự nhiên đã cắm cọc, quây lưới lấn chiếm trái phép vào khu vực dành cho khai thác tự nhiên.
Lý giải về vấn đề này, ông Minh cho rằng trong khoảng thời gian từ năm 2013-2015, do giá ngao, nghêu thấp, nhiều người nuôi đã bỏ bãi nhưng từ năm 2017, khi ngao, nghêu được giá, trong khi giá ngao, nghêu giống từ các tỉnh miền Trung thấp nên người nuôi ồ ạt lấn chiếm bãi triều để thả giống. Để xử lý tình trạng này, trong khoảng thời gian tháng 3, tháng 4 năm nay, xã đã thành lập đoàn kiểm tra, kiểm tra toàn bộ khu vực bãi triều và qua đó đã xử lý 12 trường hợp lấn chiếm trái phép và gia hạn cho các hộ lấn chiếm trái phép thời gian cụ thể tháo dỡ phần lấn chiếm nhưng đến nay các hộ này chưa thực hiện. Còn về việc các chủ bãi lấn chiếm bãi triều trái phép để thu tiền khi người dân vào khai thác và việc xô xát giữa chủ bãi và người dân khai thác tự nhiên ông Minh cho rằng xã đã nghe phản ánh nhưng đang xác minh cụ thể.
Theo báo cáo kết quả giải quyết các trường hợp lấn chiếm bãi triều của UBND xã Phú Hải thì trên địa bàn xã Phú Hải có 410,6 héc-ta bãi triều được UBND huyện Hải Hà phê duyệt dành cho nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, một số khu vực diện tích ở xa dẫn đến một số hô được giao đất bỏ trống không nuôi. Hiện tại, trên địa bàn xã có 64 hộ nuôi trồng thủy sản trên vùng bãi triều với diện tích 213,45ha, trong đó có 45 hộ nuôi trồng trong vùng quy hoạch với diện tích 184,5ha, 19 hộ lấn chiếm với diện tích 46,94ha. UBND xã Phú Hải đã lập biên bản vi phạm đối với 19 trường hợp này và ra quyết định xử phạt đối với 12 trường hợp với tổng số tiền 28 triệu đồng. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, diện tích bãi triều do các hộ nuôi ngao, nghêu lấn chiếm là lớn hơn rất nhiều.
Các bãi cọc, lưới quây, chòi canh trên khu vực bãi triều dành cho khai thác tự nhiên cứ lớn dần. Ngay sau khi lực lượng chức năng của xã Phú Hải nhổ cọc, cắt lưới thì lại được các chủ bãi cắm lại.
Được biết, trước tình trạng lấn chiếm bãi triều trái phép của một số hộ nuôi ngao, nghêu tại khu vực bãi triều xã Phú Hải, người dân khai thác sá sùng tự nhiên tại khu vực này đã nhiều lần kiến nghị lên xã, lên huyện về tình trạng một số hộ dân tự ý cắm cọc, lấn chiếm sang vùng đất bãi triều dành cho khai thác tự nhiên và có hành vi đánh người dân vào diện tích lấn chiếm trái phép… huyện Hải Hà đã chỉ đạo xã Phú Hải và các ngành liên quan kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm bãi triều trái phép đang xảy ra và không để tình trạng người dân tự ý cắm cọc, lấn chiếm bãi triều trái phép. Ngay sau đó, đoàn kiểm tra của xã Phú Hải cùng với các ngành chức năng của huyện Hải Hà đã tổ chức kiểm tra, xác minh cụ thể các trường hợp sử dụng đất, số trường hợp lấn chiếm, diện tích lấn chiếm, mật độ con giống thủy sản của các hộ dân nuôi trồng trái phép… Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã nhổ cọc, cắt lưới đối với một số bãi lấn chiếm trái phép. Nhưng ngay sau khi lực lượng chức năng chưa kịp rời khỏi bãi triều thì các chủ bãi lại cắm cọc, quây lại bãi trái phép.