Quy hoạch vùng nuôi tôm công nghiệp cánh đồng Năng xã Long Sơn: Vẫn còn đang bỏ ngỏ
Trước đây, phần lớn nghề nuôi thủy sản ở huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) phát triển theo hình thức nuôi tự phát. Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng của Đảng và Nhà nước phong trào nuôi tôm công nghiệp (NTCN) trên địa bàn huyện phát triển khá mạnh. Tuy nhiên, trong tiến trình phát triển nghề nuôi thủy sản hiện nay vẫn chưa có nhiều chuyển biến, việc triển khai quy hoạch vùng NTCN theo mục tiêu ban đầu còn gặp nhiều khó khăn.
Phát huy thế mạnh nghề nuôi thủy sản
Cầu Ngang là địa phương có tiềm năng về nuôi trồng thủy sản, bước vào vụ nuôi năm 2014, huyện đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đầu tư mạnh vào kết cấu hạ tầng, cải tạo môi trường nước, đưa mô hình nuôi trồng thủy sản của huyện phát huy thế mạnh theo hướng bền vững. Đồng thời khuyến cáo nông dân thả nuôi theo hình thức thâm canh, bán thâm canh ở những nơi có điều kiện theo từng vùng; tranh thủ thời tiết phát triển thêm diện tích nuôi tôm càng xanh luân canh với lúa hoặc tôm càng xanh luân canh với tôm sú. Đến nay toàn huyện có 5.839 hộ thả nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng trên diện tích 2.967,90ha, số lượng con giống trên 1,2 tỷ con, trong đó tôm thẻ chân trắng chiếm 70,62% diện tích so với kế hoạch.
Theo ông Dương Văn Đởm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Ngang: Đối với tôm sú tập trung bố trí thả nuôi ở khu vực phía ngoài đê bao chống triều cường của xã Vinh Kim, Mỹ Long Bắc, Mỹ Long Nam, đối với khu vực trong đê bao bố trí nuôi ở những diện tích có điều kiện nguồn nước tốt như: Hiệp Mỹ Đông, Hiệp Mỹ Tây, Thuận Hòa, Long Sơn, Thạnh Hòa Sơn, một phần Mỹ Long Nam và Mỹ Hòa, cần bố trí nuôi tập trung ở từng khu vực, không phát triển tràn lan. Riêng khu vực chuyển đổi cánh đồng Tây thuộc 02 xã Mỹ Long Nam và Hiệp Mỹ Đông vận động nông dân dồn điền đổi thửa, thiết kế ao, hồ đúng theo kỹ thuật. Nhân rộng mô hình nuôi tôm sú thâm canh ở xã Mỹ Long Nam ra các vùng có điều kiện tương tự. Đối với tôm thẻ chân trắng, bố trí thả nuôi ở những vùng có điện, giao thông, nguồn nước thuận lợi tập trung ở các xã như: Mỹ Long Nam, Hiệp Mỹ Đông, Hiệp Mỹ Tây, Thạnh Hòa Sơn và Long Sơn. Đối với vùng nước ngọt trong đê cần tập trung chỉ đạo khôi phục lại diện tích nuôi tôm càng xanh, cá nước ngọt trong mùa mưa.
Dẫu còn một số khó khăn do công tác quy hoạch hệ thống thủy lợi, nhưng đến nay nhiều công trình thủy lợi ở Cầu Ngang đã phát huy hiệu quả phục vụ tốt cho việc nuôi thủy sản. Tuy nhiên, việc đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ NTCN thuộc dự án cánh đồng Năng tiểu vùng II của xã Long Sơn, cánh đồng Trà Côn của 03 xã Long Sơn - Hiệp Mỹ Tây - Thạnh Hòa Sơn vẫn chưa phát huy hiệu quả. Ông Lê Hùng Nhân, Chủ tịch UBND xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang cho biết: Ngoài thế mạnh về cây màu, nuôi trồng thủy sản là một trong những nghề kinh tế mũi nhọn của xã, vì vậy, việc đầu tư hệ thống thủy lợi đáp ứng nhu cầu nuôi thủy sản là rất cần thiết, góp phần tăng thu nhập nâng cao cuộc sống của người dân, đồng thời tạo được bước đột phá trong tiến trình xây dựng xã nông thôn mới. Qua khảo sát thực tế, tuy công trình hệ thống thủy lợi cánh đồng Trà Côn hiện nay cơ bản đã được khai thông nhưng chưa được hoàn chỉnh do ảnh hưởng trong quá trình bồi hoàn. Hiện nay, toàn xã có khoảng 04 - 05 hộ chưa được bồi hoàn thỏa đáng do vướng mắc một số thủ tục hồ sơ nên công tác bồi hoàn chưa được đến tay những hộ dân này. Chính vì vậy, tuyến thủy lợi ở ấp Long Hanh của dự án này tạm ngưng thi công, ảnh hưởng đến việc bơm nước xử lý, cải tạo ao nuôi của người nuôi tôm trong khu vực. Mong các cơ quan hữu quan và địa phương sớm khắc phục tình trạng này đảm bảo phục vụ cho người nuôi tôm trong thời điểm hiện nay và những mùa tiếp theo.
Giậm chân tại chỗ
Năm 2013, vùng NTCN đã được tỉnh phê duyệt thuộc dự án cánh đồng Năng tiểu vùng II tại 02 ấp Sơn Lang và La Bang của xã Long Sơn, quy mô 600ha, với 450 hộ, trong đó có khoảng 04 hộ dân ấp Lồ Ồ, xã Hiệp Mỹ Tây. Đây được xem là vùng nuôi tạo sự đột phá cho con tôm Cầu Ngang từ nay đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Tuy nhiên, sau thời gian quy hoạch được thông qua, hiện nay vùng NTCN ở Long Sơn vẫn chưa có nhiều chuyển biến, việc triển khai thực hiện vẫn còn giậm chân tại chỗ. Ông Lê Hùng Nhân, Chủ tịch UBND xã Long Sơn cho biết thêm: Đây là vùng đất gò cao, lâu nay sản xuất kém hiệu quả, thu nhập bình quân của người dân thấp hơn rất nhiều so với các vùng khác trong xã. Sản xuất truyền thống, đất đai phân tán nhỏ lẻ, kết cấu hạ tầng thấp, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân còn nhiều khó khăn, nên tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao là những rào cản trong việc vận động sự đầu tư của nông dân vào vùng nuôi. Để thúc đẩy sự phát triển ngành kinh tế thủy sản từ nay đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, vùng NTCN được xem là một điểm nhấn và nhận được nhiều sự quan tâm hơn.
Theo quy hoạch, nguồn vốn để phát triển vùng NTCN của xã Long Sơn là 121 tỷ đồng, để đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng: điện, đường, thủy lợi... Hiện nay xã đã hoàn tất thủ tục kê biên, áp giá bồi thường để tiến hành giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn bồi hoàn và tiến độ thi công các công trình này hiện nay còn chậm do đang trong mùa nuôi tôm chính vụ, mặt khác nguồn vốn của tỉnh chưa phân bổ về tuyến huyện nên đơn vị thi công các công trình còn đang bỏ ngỏ. Bức xúc về vấn đề này, nông dân Nguyễn Minh Đường, ấp Sơn Lang, xã Long Sơn, người có hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề nuôi tôm cho biết: Khi có chủ trương của Nhà nước quy hoạch vùng NTCN, không chỉ riêng gia đình tôi mà nhiều hộ dân ở đây đồng thuận và hưởng ứng rất cao. Tuy nhiên, hiện nay tiến độ thi công còn chậm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất của nông dân. Mặt khác đang vào mùa chính vụ, nắng nóng kéo dài, nguồn điện phục vụ nuôi trồng thủy sản chưa được đầu tư đảm bảo, hệ thống thủy lợi chưa được khai thông…. Theo ông Đường, muốn phát triển vùng nuôi lâu dài và bền vững, trước tiên phải quan tâm đến kết cấu hạ tầng, nhất là khâu cải tạo môi trường vùng nuôi phải được quan tâm đầu tiên. Bên cạnh đó cần thay đổi quan niệm của người dân trong vùng nuôi. Tuy nói là vùng NTCN nhưng không thể chỉ độc canh con tôm mà phải tiến hành xen canh và đa canh con nuôi thủy sản để hạn chế rủi ro.
Quy hoạch và đầu tư hệ thống đường, điện, thủy lợi phục vụ sản xuất là một trong những nhiệm vụ quan trọng, khâu đột phá và phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản. Theo ông Dương Văn Đởm, để hoàn thành quy hoạch vùng NTCN tiểu vùng II - cánh đồng Năng xã Long Sơn từ nay đến năm 2017 và các vùng quy hoạch đã được phê duyệt, thời gian tới, huyện sẽ tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư cho vùng NTCN tập trung đã được quy hoạch. Nhưng để quá trình triển khai được thuận lợi, các ngành và chính quyền địa phương nơi có quy hoạch cần quyết liệt vận động nhân dân đồng thuận trong việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cũng như tổ chức sản xuất.