TIN THỦY SẢN

Ra biển bắt ốc bé bằng móng tay kiếm bộn tiền mỗi sáng

Ốc bé bằng móng tay giúp người dân tăng thu nhập. Ảnh: tienphong.vn Nguyễn Ngọc

Từ tờ mờ sáng, hàng chục người dân vùng biển ở xã Tam Thanh (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) rủ nhau ra biển ngâm mình dưới dòng nước lạnh để cào ốc ruốc. Chỉ sau vài giờ đồng hồ mỗi người dân có thể “bỏ túi” tiền triệu.

Rạng sáng khi nước thủy triều rút, trên dọc bãi biển xã Tam Thanh (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), hàng chục người dân đã í ới rủ nhau ra biển cào ốc ruốc (ốc gạo, ốc lể). Đây là vùng biển bãi ngang, mùa này ốc sinh trưởng, phát triển rất nhiều ở gần bờ.

Người dân đã í ới rủ nhau ra biển cào ốc ruốc (ốc gạo, ốc lể). Ảnh: tienphong.vn

Gà vừa gáy, ông Lê Duy Bửu (65 tuổi, trú xã Tam Thanh) đã cầm chiếc cào ốc ruốc dài khoảng 2m làm bằng tre tiến về phía biển Tam Thanh để cào ốc ruốc. Cũng như ông Bửu, nơi đây hàng chục người dân cũng có mặt ở biển này từ rất sớm.

Biển vào buổi sáng rất lạnh, những con sóng dữ dồn dập vỗ vào bờ. Ông Bửu phải ngâm mình dưới nước để cào ốc. Sau hơn 20 phút miệt mài, bước chậm rãi đi lùi dưới biển ở mực nước ngang cổ, ông thu về những mẻ ốc ruốc đầu tiên. Cứ thế ông dầm mình suốt gần 5 tiếng đồng hồ dưới biển đến khi mặt trời lên gần đỉnh đầu.

Ông Bửu phải ngâm mình dưới nước để cào ốc. Ảnh:  tienphong.vn

Ông Bửu cho biết, mùa ốc ruốc bắt đầu từ tháng 11 âm lịch và kéo dài cho đến tháng 3 năm sau. Mỗi ngày ông ngâm mình dưới nước từ 6-8 tiếng, hôm nào trúng thì được 1-1,5 tạ ốc, còn thường thì 60-80kg ốc. “Với giá bán 300.000 - 400.000 đồng/thùng (thùng khoảng 25kg), trung bình mỗi ngày ông có thể kiếm được từ 1-1,5 triệu đồng”, ông Bửu nói thêm.

Theo một số người dân, ốc ruốc có mặt ở trên biển quanh năm, tuy nhiên vào mùa biển động là thời điểm ốc sinh sản, dạt nhiều vào sát bờ biển. Vào khoảng tháng 11 âm lịch đến tháng 3 năm sau là thời điểm ốc trưởng thành, có nhiều thịt và thơm ngon hơn.

Tuy việc cào ốc ruốc mang lại thu nhập ổn định. Thế nhưng, người dân phải đối mặt với cái lạnh của nước biển và sự nguy hiểm luôn cận kề, bởi những cơn sóng dữ liên tục vỗ vào bờ và không hề được báo trước.

Người dân phải đối mặt với cái lạnh của nước biển để cào ốc ruốc. Ảnh: tienphong.vn

Theo đó, người dân cào ốc thường đi theo nhóm từ 3 -10 người. “Nghề cào ốc gần bờ mang lại thu nhập khá cho người dân, song cũng rất rủi ro gặp vùng nước xoáy có thể bị cuốn ra xa. Chúng tôi đi thành từng nhóm để hỗ trợ, giúp đỡ nhau lúc nguy hiểm do sóng biển lớn”, chị Nguyễn Thị Hà (trú xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ) nói.

Dụng cụ để săn ốc ruốc khá đơn giản, chỉ một cây sào được làm bằng tre cán dài khoảng 2m, phía dưới gắn lưỡi cào bằng kim loại có nối với mảnh lưới nhỏ đường kính khoảng 50cm. Để kéo được ốc, người dân phải lội nước ngập đến đầu gối hay ngang ngực và phải đi “thụt lùi” rồi cào xuống lớp cát, toàn bộ ốc sẽ lọt vào lưới.

Người dân thu hoạch sau chuyến đánh bắt vào rạng sáng. Ảnh: tienphong.vn

Theo các thương lái, vào thời điểm đầu mùa, khi ốc còn nhỏ thì họ mua về cung cấp làm thức ăn cho các hộ nuôi thủy sản ở Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa. Qua Tết, ốc to hơn được người dân mua về chế biến món ăn nên giá bán cao hơn.

Ốc ruốc (ốc gạo, ốc lể) chỉ to bằng chiếc khuy áo, thường có nhiều màu sắc khác nhau, người dân xứ Quảng xem đây như là một món ăn dân dã và là đặc sản, gắn với tuổi thơ của người dân. Ngoài việc chế biến món ăn, ốc ruốc cũng được dùng để chế biến thức ăn cho nhiều loại thủy sản. Độc đáo nghề ‘đi thụt lùi’, người dân đút túi tiền triệu mỗi ngày ở Quảng Nam.

Nguyễn Ngọc Báo Tiền Phong