Săn loài tăng "bản lĩnh đàn ông"
Sá sùng là một trong những hải sản quý hiếm. Theo Đông y, sá sùng có thể sử dụng như một vị thuốc cường dương, tăng sinh lực cho đàn ông.
Sá sùng là loài hải sản có giá trị kinh tế cao. Chúng sống ở những bãi cát ven biển nơi thủy triều lên, xuống tạo ra những doi cát. Hiện sá sùng tươi có giá từ 80-120 ngàn đồng/kg, còn khô có giá từ 2-2,5 triệu đồng/kg và rất hút hàng. Do đó, hiện nhiều người săn sá sùng.
Trước kia, người ta bắt sá sùng bằng cách đợi con nước thủy triều cạn xuống, rồi dùng xẻng để đào bắt. Tuy nhiên, những năm gần đây khi sá sùng ở các bãi triều gần bờ bị khai thác quá mức nên dần cạn kiệt thì người dân ra xa bờ hơn, chuyển sang hình thức mới đó là lặn bắt.
Kiếm bạc triệu mỗi ngày
Ông Nguyễn Văn Bình, ở khóm Xuân Ninh, phường Cam Phúc Nam, TP Cam Ranh (Khánh Hòa), một thợ lặn chuyên hành nghề săn sá sùng cho biết, sá sùng sống ở những bãi cát ven biển nơi thủy triều lên, xuống tạo ra những doi cát và đầm Thủy Triều (huyện Cam Lâm) là một trong những nơi lý tưởng để sá sùng trú ẩn. Vì vậy, những năm qua rất nhiều thợ săn tìm về đây để bắt sá sùng. Hiện sá sùng tươi được thương lái thu mua với giá từ 80-120 ngàn đồng/kg (tươi) và rất hút hàng.
Hiện có 2 cách bắt sá sùng, đó là cuốc bộ trên bãi triều nước cạn rồi dùng xẻng để đào bắt, cách nữa là lặn bắt - cũng dùng xẻng để đào nhưng cách bắt này chủ động hơn là không đợi con nước thủy triều. Tuy nhiên, những năm gần đây việc săn sá sùng quá mức khiến các bãi triều sá sùng ngày càng ít đi và trở nên khan hiếm, do đó người dân chuyển sang hình thức lặn bắt ở xa bờ.
“Việc lặn bắt sá sùng hiệu quả hơn nhiều so với cuốc bộ. Vì hình thức này người dân không cần phải đợi con nước thủy triều lên xuống nên ngày nào người ta cũng có thể săn được sá sùng, kể cả vào mùa đông. Do lặn được ra xa nơi dải cát êm có nhiều sá sùng trú ẩn nên người dân bắt được nhiều sá sùng hơn. Trung bình mỗi người lặn bắt ít nhất được từ 4-5kg, nhiều hơn là 6-7kg, sau khi trừ chi phí mỗi người kiếm được khoảng 500-700 ngàn đồng/ngày”, ông Bình chia sẻ.
Cũng theo ông Bình, việc lặn bắt sá sùng ở dưới nước cũng giống như bắt sá sùng trên triều cạn. Chúng sống vùi mình dưới lớp cát và nằm rải rác ở vùng biển gần bờ từ 3-4m nước trở lại. Để bắt, người dân lặn xuống, rồi dùng xẻng để đào rồi mò bắt. Dụng cụ để lặn cũng khá đơn giản gồm: gương lặn, phao xốp, bình ắc quy, máy tạo ôxy, đeo vòng chì, vợt, ngậm ống dưỡng khí, rồi nhảy xuống biển… và bắt đầu hành nghề.
Tuy nhiên, để phát hiện và bắt được loài sá sùng đang ẩn mình sâu dưới lớp cát không hề dễ, bởi sá sùng thường ẩn mình trong các lỗ hang. Trong khi đó ở dưới nước có hàng trăm cái hang giống nhau khó mà phân biệt nếu không có kinh nghiệm.
Dấu hiệu duy nhất để biết hang của sá sùng là những dấu vết như nét vẽ một bông hoa, cách bông hoa đó khoảng 15-20cm có một lỗ nhỏ là nơi sá sùng đang ở. Để tóm được sá sùng, người đào phải nhanh tay và dùng xẻng ấn mạnh một cái từ phía cái lỗ nhỏ ấy về phía bông hoa rồi nhanh chóng mò bắt bỏ vào vợt lưới được mang theo.
Chuẩn bị đồ nghề lặn săn sá sùng
“Phát hiện đã khó rồi, khi đào bắt sá sùng ở dưới nước còn khó hơn. Nếu không đào bắt nhanh thì nước sẽ đục ngay và sá sùng nhanh chóng đùn sâu trong cát, khi đó khó mà đào bắt được. Hơn nữa đi bắt sá sùng không được để bị đứt làm đôi. Những người mới vào nghề thiếu kinh nghiệm rất hay đào đứt sá sùng làm đôi. Một khi sá sùng không còn nguyên vẹn, bị thương hoặc chết thì chẳng còn giá trị và bán không ai mua. Có cho cũng chẳng ai lấy vì sá sùng khi bị đứt thịt sẽ mất đi vị ngon ngọt độc đáo”, ông Bình nói.
Qua tìm hiểu được biết, mùa săn sá sùng bắt đầu từ tháng 2 và kết thúc vào tháng 9 hoặc tháng 10. Tuy nhiên, đối với các thợ lặn dường như việc săn sá sùng diễn ra quanh năm. Một ngày các thợ lặn bắt đầu săn sá sùng từ 7-8 giờ sáng và kết thúc cho đến 1-2 giờ chiều. Hiện trên đầm Thủy Triều chỉ có ít người biết cách lặn bắt sá sùng, vì công việc nặng nhọc và cũng khó kiếm ăn, nếu không rành nghề.
Ông Nguyễn Văn Hồng, một thợ lặn có thâm niên hơn 20 năm trong nghề săn sá sùng, cùng quê với anh Bình, cho biết, cách đây 10 năm, sá sùng ở các vùng đìa, bãi thủy triều rất nhiều, giúp người dân mang lại thu nhập đáng kể. Còn bây giờ sá sùng ngày càng ít đi nên nhiều người bỏ nghề đi làm việc khác. Và, đầm Thủy Triều là nơi có sá sùng còn nhiều nên ông Hồng và những người bạn vẫn bám nghề để mưu sinh. Do có nhiều kinh nghiệm nhiều năm nên hiện mỗi ngày ông Hồng đi săn sá sùng kiếm được 6-7kg, thu nhập gần triệu đồng/ngày.
Tăng bản lĩnh đàn ông
Hiện nay, hầu hết các thợ lặn săn sá sùng trên đầm Thủy Triều đều mang thành quả bắt được về bán cho thương lái tại địa phương hoặc một số người ở huyện Cam Lâm. Những con sá sùng có màu sắc hơi thâm được bán với giá dưới 100 ngàn đồng/kg, con có màu hồng tươi giá 120 ngàn đồng/kg. Sau khi thu mua, những người này bán lại cho các nhà hàng tiêu thụ hoặc các cơ sở chế biến sá sùng khô.
Bà Trần Thị Ba (cô Ba), một người chuyên thu mua sá sùng ở xã Cam Hải Tây (huyện Cam Lâm) cho biết, hiện có rất nhiều đầu mối săn sá sùng để bán cho bà. Do sá sùng ngày càng khan hiếm nên mùa cao điểm mỗi ngày bà thu mua cao nhất khoảng 50 kg tươi. Sá sùng tươi thu về được phân loại, rửa sạch, lộn trái ruột rồi sấy khô, cứ 15 kg sá sùng tươi mới được 1kg khô. Giá 1kg sá sùng khô thường dao động trong khoảng 2-2,5 triệu đồng, thậm chí thời kỳ đỉnh điểm khan hàng, giá của nó đã được đẩy lên mức 3-4 triệu đồng/kg.
Sá sùng mang về được sấy khô rồi bán với giá tiền triệu
“Do giá đắt đỏ nên người Việt mình ít ăn và thị trường tiêu thụ chủ yếu xuất sang Trung Quốc. Vì vậy, sau khi sấy khô tôi đóng hàng bán cho đầu mối ở Vân Đồn (Quảng Ninh), mỗi năm khoảng 100kg khô trở lại, thu nhập cũng kha khá”, bà Ba chia sẻ.
Qua tìm hiểu được biết, sá sùng là một trong những hải sản quý hiếm. Từ thời xưa, chúng được khai thác để làm sản vật dâng vua, quan và chỉ có những người giàu có mới đủ điều kiện sử dụng. Sá sùng còn được sử dụng cả lúc còn tươi (nấu canh, xáo) hay khô (rang). Do giá trị dinh dưỡng cao nên hiện nay rất nhiều người sử dụng sá sùng.
Theo Đông y, sá sùng có thể sử dụng như một vị thuốc cường dương, tăng sinh lực cho đàn ông. Chúng có thể dùng để chế biến để làm thuốc bằng cách ngâm nước muối, luộc chín, căng ra phơi khô; muốn ăn thì đem luộc lần nữa rồi cắt thành từng miếng nhỏ nấu với thuốc Bắc hoặc bỏ vào bụng gà ác hầm nhừ rồi ăn.
Sá sùng biển (sái sùng) được xem như địa sâm với công dụng bồi bổ sức khỏe vô cùng công hiệu. Theo nghiên cứu của một số nhà khoa học của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM thì thịt sá sùng có nhiều giá trị dinh dưỡng. Nó chứa tới 17 nguyên tố vi lượng, 8 loại acid amin không thay thế, và 10 loại acid amin nhiều giá trị dinh dưỡng như: glyxin, alanine, glutamin, succinic.